|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia: Quy hoạch điện VIII sẽ thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, người dân cũng sẽ tiết kiệm tiền điện hơn

14:54 | 16/05/2023
Chia sẻ
Giới chuyên gia cho rằng quy hoạch điện VIII thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, với việc khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái, hoá đơn tiền điện của người dân sẽ thấp hơn.

Thu hút đầu tư đầu tư vào năng lượng tái tạo 

Ngày 15/5, Thủ tướng vừa ký quyết định  phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ( Quy hoạch điện VIII).

Điểm thu hút nhiều sự quan tâm trong quy hoạch lần này là sự chuyển dịch trong cơ cấu điện của Việt Nam, khi giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và tăng mạnh tỷ trọng điện tái tạo nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Theo đó, quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

 Số liệu: Quy hoạch điện VIII (H.Mĩ tổng hợp)

 

  Số liệu: Quy hoạch điện VIII (H.Mĩ tổng hợp)

Định hướng này được giới chuyên gia đánh giá là phù hợp với xu thế cắt giảm phát thải khí nhà kính đang được thế giới theo đuổi.  Trao đổi với chúng tôi,  TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng cho rằng quy hoạch điện VIII mở ra giai đoạn phát triển điện xanh như năng lượng tái tạo, điện khí nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo cam kết đối với quốc tế về phát thải khí.  

Trong quy hoạch điện lần này, mục tiêu đến năm 2030, ngành điện kiểm soát mức phát thải khí nhà kính đạt khoảng 204-254 triệu tấn và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Ngoài ra, quy hoạch điện VIII còn hướng tới việc phát triển trung tâm năng lượng lớn không chỉ dùng trong nước mà còn hướng tới việc xuất khẩu. 

Cụ thể, dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu . Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

“Trước đây, chúng ta chỉ nghĩ tới việc sản xuất điện phục vụ cho cho nhu cầu trong nước nhưng giờ đây chúng ta đã bắt đầu tính đến xuất khẩu khi điều kiện kinh tế, kỹ thuật đảm bảo và đây là điểm mới. Ngoài ra, đây là quy hoạch mở, theo xu thế của thế giới.

Việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo không còn manh mún, duyệt từng dự án một như trước mà giờ đây chúng ta có thể triển khai ngay theo chương trình 5 năm một, thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển năng lượng tái tạo”, ông Kiệt nói. 

Hiện tại ngoài việc tự chủ nguồn cung trong nước, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào. Tuy nhiên, tỷ trọng điện nhập khẩu chỉ chiếm 1,63% tổng sản lượng điện của Việt Nam.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng trọng giúp giúp giải toả công suất cho các dự án điện tái tạo khu vực miền Trung và miền Nam, cũng như các tuyến đường dây 500 kV giúp cân đối cung cầu giữa 3 miền Bắc - Trung – Nam.

Một điểm mới trong quy hoạch điện VIII lần này là phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Ông Kiệt đánh giá mục tiêu này hoàn toàn khả thi vì hiện nay chi phí lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời ở các hộ dân dụng cũng đang giảm dần, không còn đắt đỏ nhỏ trước. Việc sử dụng pin năng lượng mặt trời giúp các hộ dân tiết kiệm tiền điện và không bị áp mức giá ở bậc thang cao nhất. 

“Chi phí cho 1 kWh điện mặt trời áp mái của các hộ dân chỉ khoảng 6 cent (tương đương khoảng 1.200 đồng/kWh), trong khi bậc cao nhất của của giá điện hiện nay là hơn 3.000 đồng kWh”, ông Kiệt nói. 

Nguồn: EVN

Theo ông Sơn, tuổi thọ tấm pin mặt trời theo đúng tiêu chuẩn rất dài, khoảng 20 - 30 năm. Hầu hết tâm pin mặt trời nền Silicon không ảnh hưởng lớn tới môi trường, tuy nhiên khi hết hạn sử dụng vẫn phải thu gom theo quy định về chất thải điện tử. 

Những thách thức cần được giải quyết

Theo các chuyên gia, việc tập trung vào điện tái tạo mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết. 

Theo ông Kiệt thách thức là khi đẩy nhanh năng lượng tái tạo cần có giải pháp nâng cao tính ổn định của hệ thống, tạo ra hệ thống thông minh để hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo khi có quy mô lớn.  

Ngoài ra, quy hoạch điện VIII đặt ra những mục tiêu tăng trưởng cao qua các năm do đó đòi hỏi nguồn vốn lớn. Lâu nay vốn đầu tư luôn là bài toán khó với ngành điện. Huy động vốn đầu tư là một trong những giải pháp cần xử lý, tránh tình trạng thiếu tiền, thiếu vốn làm chậm tiến độ trong quy hoạch. 

“Các chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính khi tham gia các dự án năng lượng tái tạo nếu mà tay không bắt giặc thì không nên phát triển”, ông Kiệt nói. 

Một vấn đề khác là tính ổn định của điện tái tạo chưa cao, phải phụ thuộc vào thời tiết. Theo ông Kiệt quy hoạch điện VIII đã tính đến phát triển nguồn điện linh hoạt như điện khí, hệ thống thuỷ điện tích năng, Pin tích trữ, bù vào sự bất ổn định của năng lượng tái tạo. Tuỳ vào tình hình thực hiện quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ có tính toán để phát triển hệ thống điện vừa đáp ứng nhu cầu lại có giá cả hợp lý nhất.

Theo quy hoạch điện VIII, nguồn điện lưu trữ đến năm 2023 được huy động từ thuỷ điện tích năng khoảng 2.400 MW để điều hoà phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. 

Pin lưu trữ được phát triển khi có giá thành hợp lý, bố trí phân tán gần trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc các trung tâm phụ tải. Đến năm 2030 dự kiến công suất đạt khoảng 300 MW. 

Định hướng đến năm 2050, công suất thuỷ điện tích năng và pin lưu trữ đạt 30.650 - 45.550 MW để phù hợp với tỷ trọng của năng lượng tái tạo. 

Cuối cùng là vấn đề xử lý tấm Pin năng lượng mặt trời sau khi đã hết hạn sử dụng. Theo ông Sơn, Bộ Tài nguyên Môi trường đang soạn thảo các quy định liên quan tới thu hồi và xử lý các tấm pin hết tuổi thọ. Còn thời điện hiện tại, những tấm pin hỏng trước tuổi thọ có thể tập hợp và chuyển tới các nơi thu gom chất thải điện tử để tái chế hoặc xử lý theo quy định do số lượng không lớn.

H.Mĩ