Đầu năm, kể chuyện khởi nghiệp
Đầu Xuân Đinh Dậu, phóng viên Báo Người Lao Động đã trò chuyện với chuyên gia nhượng quyền thương mại Nguyễn Phi Vân, một người có nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp hàng chục năm qua.
Phóng viên: “Startup” đang là xu hướng chung của thế giới. Theo bà, startup tại Việt Nam giống và khác startup toàn cầu thế nào?
- Bà Nguyễn Phi Vân: “Startup” là xu hướng chung của thế giới, bùng nổ cùng với sự hình thành của cái gọi là “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - khi thế giới bắt đầu chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ công nghệ. Xu hướng này của thế giới lan truyền đến tất cả các quốc gia, và người ta nói rằng để có thể tồn tại và phát triển trong tương lai, tất cả các quốc gia, doanh nghiệp (DN) và con người cần bắt kịp và thay đổi theo xu hướng công nghệ mới. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã tiến hành các chương trình ươm mầm DN công nghệ với mong muốn tạo ra nhiều DN khởi nghiệp về công nghệ hơn, xây dựng nền tảng cho nền kinh tế công nghệ cho quốc gia.
Tại Việt Nam, phong trào “khởi nghiệp” cũng được du nhập vào nhưng không được định nghĩa rõ ràng, không có một định hướng và chiến lược cấp quốc gia về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành công nghệ. Cho đến thời điểm hiện tại, “khởi nghiệp” được hiểu rộng rãi là mở một DN mới, rời rạc trong nhiều ngành khác nhau, chưa có một chuyển động hợp nhất về năng lượng, nguồn lực và mục đích. Do đó, việc các dự án rời rạc gọi được vốn hay thất bại thật ra chỉ là chuyện của những cá nhân, có may có rủi, chưa thể được sử dụng để đánh giá xu hướng hay chương trình khởi nghiệp chung của cả nước.
Vậy theo bà, mở quán cà phê, quán ăn, bán hàng trên mạng, bán quần áo... có phải là khởi nghiệp?
- Tại Việt Nam, do không có một định hướng cụ thể và rõ ràng về khởi nghiệp cấp quốc gia nên mọi hành động bắt đầu một DN đều được gọi là khởi nghiệp. Thiết nghĩ, đến thời gian này, chúng ta cũng không nên tranh cãi thế nào là khởi nghiệp mà nên có một hành động cụ thể về việc định hướng các ngành nghề thế mạnh của Việt Nam để giúp DN và cả quốc gia khởi nghiệp. Nếu thế mạnh của chúng ta là nông nghiệp chẳng hạn, nên đặt câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể sử dụng công nghệ để cách mạng hoá nền nông nghiệp nước nhà để tạo ra chuỗi giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra mô hình và thương hiệu cấp quốc gia, cấp khu vực và quốc tế. Khởi nghiệp không nên bị giới hạn bởi việc mở ra một công việc kinh doanh để tồn tại, để khỏi phải đi làm thuê. Khởi nghiệp phải mang một sứ mệnh cao cả hơn, để người Việt, doanh nghiệp Việt, đất nước Việt Nam hội nhập và xây dựng được vị thế cạnh tranh của mình trên trường khu vực và thế giới.
Một số ý kiến cho rằng trào lưu khởi nghiệp hiện nay đang được tô hồng trong khi thực tế 100 người khởi nghiệp chỉ chưa đến 10% thành công, 90% còn lại thất bại?
- Mọi người trong thời gian qua quá tập trung vào việc tạo ra ý tưởng khởi nghiệp. Trên thực tế, ý tưởng ai cũng nghĩ ra được, quan trọng là ý tưởng đó có thực hiện được không. Việc triển khai ý tưởng đòi hỏi bạn phải hiểu về thị trường và nhu cầu tiêu dùng, có kiến thức và kinh nghiệm quản trị và triển khai ý tưởng trong thời gian đầu, có nguồn lực tài chính nhất định để tồn tại và phát triển trong thời gian đầu trước khi được đầu tư. Như vậy, để có thể khởi nghiệp và triển khai ý tưởng thành công, người trẻ trước hết nên ngồi xuống làm bảng phân tích SWOT - điểm mạnh điểm yếu, cơ hội, rủi ro cho chính bản thân hay DN mình, từ đó làm một bản sơ đồ mind map - sơ đồ tư duy những việc bản thân phải làm, phải chuẩn bị, phải học hỏi, phải tìm hiểu, phải tìm kiếm… trước khi chính thức khởi nghiệp. Đây là giai đoạn tiền khởi nghiệp, giai đoạn bạn đưa ra quyết định có nên khởi nghiệp ngay hay cần một khoảng thời gian để chuẩn bị cho tốt. Vấn đề không phải là khởi nghiệp theo phong trào mà là khởi nghiệp thành công. Điều này cần nhiều hơn là mong muốn và một ý tưởng mơ hồ nào đó.
Trong bối cảnh đó, bài toán khởi nghiệp cần tính thế nào cho hiệu quả?
- Khởi nghiệp hay tái khởi nghiệp hay phát triển DN bền vững, cốt lõi vẫn nằm ở việc xây dựng chiến lược cân bằng giữa cơ hội bên ngoài và nội lực bên trong. Do đó, người làm kinh doanh hay khởi nghiệp trước hết phải nhìn vào chính mình, đánh gía lại năng lực và nguồn lực của chính mình trước khi lượng sức và tìm cho mình cơ hội thích hợp ngoài thị trường. Cơ hội luôn luôn tồn tại. Bản thân mình có sẵn sàng để nắm lấy cơ hội hay không mới là vấn đề. Cách suy nghĩ cục bộ, làm tới đâu hay tới đó, làm tới đâu sửa tới đó, làm đi rồi tính tiếp sẽ không còn chỗ đứng trong thế giới này. Nếu chúng ta muốn thành công, nếu chúng ta muốn không thua kém bất kỳ doanh nghiệp Thái Lan, Singapore, hay Hàn Quốc nào…thì chúng ta cần nghĩ xa như họ, tính dài như họ, chuẩn bị kỹ hơn họ, và biết phát triển bản thân mình hơn họ.
Khi kinh tế khó khăn, cơ hội khan hiếm hơn, đó là lúc người có nền tảng, có nội lực vượt lên phía trước. Trước khi lo lắng về sự khó khăn cho một năm mới, tôi nghĩ rằng ta cần lo lắng hơn đến nội lực của mỗi con người Việt Nam, mỗi doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần khiêm tốn hơn để thấy mình nhỏ bé, cần học hỏi nhiều hơn để thấy mình thiếu hiểu biết, cần quay trở lại với những giá trị đạo đức cơ bản hơn đễ thấy mình chưa đủ sức tiến xa. Còn khi ta đã hiểu rằng mình nhỏ bé thế nào và thế giới rộng lớn ra sao, ta sẽ biết cách để xây cho mình một nền tảng vững bền, giúp ta vuợt qua mọi khó khăn và thử thách phía trước.
Xin cảm ơn bà!
Nhiều bạn trẻ không có ước mơ Henry Ford đã từng nói “Khi bạn không có ước mơ, bạn không còn sống nữa.” Sau một thời gian tiếp xúc với sinh viên các trường đại học và cao đẳng qua chương trình “Bật nút công dân toàn cầu”, tôi nhận thấy rất nhiều bạn không có ước mơ, hoặc sống bằng ước mơ vay mượn của người khác, hay có ước mơ nhưng không biết cách hoặc không đủ dũng cảm để đi về phía ước mơ của chính bản thân mình. Người trẻ là thế hệ tương lai của đất nước. Nếu họ sống không có ước mơ, không có ý chí để thực hiện ước mơ thì cả cộng đồng không có ước mơ, cả quốc gia không có ước mơ. Nếu cứ như vậy thì Việt Nam sẽ về đâu? Việt Nam sẽ làm thế nào để cạnh tranh được với các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn thế giới? Ngày nay, ta sinh ra đã là công dân toàn cầu. Ranh giới quốc gia ngày càng bị mờ dần do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá, ảnh hưởng của thế giới công nghệ không biên giới, ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do. Ta lớn lên đã phải hội nhập và cạnh tranh, dù là cạnh tranh về công việc hay cạnh tranh về kinh doanh với những người trẻ khác khắp nơi trên thế giới. Trong thời gian đi chia sẻ về khái niệm công dân toàn cầu, điều tôi làm được chỉ là đến với các bạn, nghe nỗi cô đơn của các bạn, nhìn thấy sự loay hoay đi tìm chính mình của các bạn và kể lại cho các bạn nghe câu chuyện “quẩy gánh băng đồng” của chính bản thân mình. Khi nhìn thấy chân trời, con người ta hy vọng sẽ thay đổi tư duy để tìm cách đi về phía chân trời đó. Tôi chỉ là một cá nhân với nguồn lực và khả năng hạn chế. Tôi chỉ có thể kể cho các bạn nghe bằng những kiến thúc và trải nghiệm khiêm tốn của một cá nhân người Việt. Tôi hy vọng sẽ có một cộng đồng, sẽ có những tổ chức chính phủ quan tâm hơn đến thế hệ trẻ, quan tâm hơn đến việc định hướng và hỗ trợ giáo dục cho các bạn để chúng ta có một thế hệ Việt Nam mới có tầm, có tâm, và sẵn sàng, tự tin bước ra sánh vai cùng các quốc gia trong khu vực. |