|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dấu hiệu đáng lo về bong bóng nợ tại Trung Quốc và toàn châu Á

20:04 | 23/08/2019
Chia sẻ
Hơn hai thập kỉ sau cuộc khủng hoảng nợ châu Á 1997 làm nhiều quốc gia điêu đứng, hãng tư vấn quốc tế McKinsey lại đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự

Trong báo cáo mới công bố tháng 8 này, hãng tư vấn McKinsey cho biết khu vực châu Á đang có một số dấu hiệu tài chính đáng lo ngại gồm: nợ nần gia tăng, chật vật trong khả năng chi trả, những yếu kém của tổ chức cho vay và hoạt động ngân hàng ngầm (shadow banking) tăng mạnh.

Theo hai tác giả của báo cáo là Joydeep Sengupta và Archana Seshadrinathan, liệu những áp lực này có đủ sức châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới hay không là việc cần phải xem xét thêm, nhưng các chính phủ và doanh nghiệp cần theo dõi các nguyên nhân tiềm tàng.

Theo Bloomberg, cảnh báo trên được McKinsey đưa ra khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tạo ra áp lực lên khả năng tạo lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Á. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến các nhà đầu tư vào chứng khoán nợ thêm xa lánh những thị trường rủi ro

Để cho ra được báo cáo của mình, McKinsey đã nghiên cứu bảng cân đối kế toán của hơn 23.000 doanh nghiệp ở 11 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và nhận thấy đa phần doanh nghiệp ở châu Á đều gặp phải "áp lực đáng kể" trong đáp ứng nghĩa vụ nợ.

Ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, áp lực đã tăng so với năm 2007 trong khi ở Anh và Mỹ, áp lực này lại giảm mạnh.

share of long term debt

Tỉ lệ nợ dài hạn của các doanh nghiệp có tỉ lệ khả năng trả lãi dưới 1,5 lần. Nguồn: McKinsey, Bloomberg.

Báo cáo của McKinsey xem xét tỉ lệ nợ dài hạn ở các doanh nghiệp có tỉ lệ khả năng trả lãi dưới 1,5 lần tức là phải dùng một phần khá lớn lợi nhuận của mình để trả nợ. Năm 2017 ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, hơn 25% tổng số nợ dài hạn nằm tại những doanh nghiệp có tỉ lệ khả năng trả lãi dưới 1,5 lần.

Tỉ lệ khả năng trả lãi (Interest Coverage Ratio) = Thu nhập trước thuế và lãi vay (EBIT)/Chi phí lãi vay.

Cuộc khủng hoảng tài chính 1997 từng nhấn chìm Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và nhiều quốc gia, đồng thời để lại những hệ lụy lâu dài. Sau sự kiện này, các nhà quản lí tài chính đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nhằm tránh lịch sử lặp lại.

Theo McKinsey, những "ngòi nổ" khủng hoảng mà các chính phủ cần theo dõi bao gồm tỉ lệ vỡ nợ, mất cân bằng thanh khoản (liquidity mismatch) và những biến động lớn trong tỷ giá.

Khối nợ của Trung Quốc: Đến mức không thể phớt lờ

Trao đổi với CNBC, nhà phân tích độc lập Fraser Howie nhận định: "Khối nợ của Trung Quốc hiện đã quá cao, tới mức không ai có thể phớt lờ được nữa. Chi phí trả nợ khiến cho các con nợ gần như  không thể làm được việc gì khác".

Theo ông Fraser, Trung Quốc còn "rất nhiều loại nợ bị dấu đi". Theo một thống kê của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ của gia đình, doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc thời điểm cuối quí I/2019 đạt 303% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

china debt 2

Cơ cấu khối nợ 40.000 tỉ USD của Trung Quốc, chủ yếu là doanh nghiệp phi tài chính. Nguồn: Bloomberg, IIF, BIS

Vài năm trước, khối nợ của Trung Quốc tăng lên rất nhanh do các ngân hàng của nước này mở van tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Sau đó, Trung Quốc phải thực hiện một chiến dịch cắt giảm đòn bẩy tài chính hay chính là hạn chế vay nợ.

Tuy nhiên cuộc chiến thương mại với Mỹ đã cản trở chiến dịch này của chính quyền Bắc Kinh. Tăng trưởng kinh tế quí II của Trung Quốc chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 1992. Nguyên nhân của sự giảm tốc này là do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ, đồng thời còn do các yếu tố dài hạn như già hóa dân số.

Trong nỗ lực cứu vãn đà tăng trưởng, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng hướng dòng vốn tín dụng chảy vào khu vực tư nhân và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Cái giá phải trả là khối nợ ngày càng phình to.

Theo thông tin từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), trong tháng 1/2019 các ngân hàng nước này cho vay mới 3.230 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 480 tỉ USD. Đây là con số cao chưa từng thấy trong lịch sử và khiến nhiều nhà phân tích phải ngạc nhiên.

PBoC mới đây đã áp dụng một loại lãi suất chính sách mới – một bước đi có bản chất tương đương với việc hạ lãi suất. Chính sách này sẽ khiến chi phí vay mượn giảm đi và về mặt lí thuyết sẽ kích thích doanh nghiệp vay vốn để đầu tư nhiều hơn, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên ông Fraser Howie lo ngại nhu cầu tín dụng sẽ không cao. "Nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang chậm lại và gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đang rời đi, làm ăn ở Trung Quốc ngày càng khó. Vậy liệu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hay không?"

Và nếu như doanh nghiệp thấy lãi suất thấp lại lao vào vay vốn thì khối nợ của Trung Quốc sẽ càng thêm phình to.

Y Vân