|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dấu chân chuỗi đồ uống Việt trên thị trường quốc tế: Người không ngừng mở rộng, kẻ bán mình cho ông lớn ngoại

06:45 | 26/06/2021
Chia sẻ
Trong vài năm gần đây, một số chuỗi đồ uống hàng đầu của Việt Nam đã bắt đầu mở rộng quy mô, đổ bộ sang thị trường nhiều nước trên thế giới.
Hàng loạt chuỗi cà phê Việt liên tục đổ bộ tấn công thị trường quốc tế, bước tiến lớn cho ngành F&B Việt Nam - Ảnh 1.

Một cửa hàng Phúc Long tại TP HCM. (Ảnh: Phúc Long).

Gần đây, CTCP Phúc Long Heritage, đơn vị sở hữu chuỗi Phúc Long Coffee & Tea vừa thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ. Cửa hàng dự kiến sẽ mở cửa trong tháng 7 tại Garden Grove, California (Mỹ).

Garden Grove là nơi cư ngụ của nhiều người Mỹ gốc Việt với trung tâm dọc theo Đại lộ Garden Grove ở phía tây Đường Brookhurst. Theo Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2010, tổng số người gốc Việt tại đây vào khoảng 47.300 người, chiếm gần 28% tổng dân số.

Tuy nhiên, Phúc Long không phải là chuỗi F&B đầu tiên của Việt Nam lấn sân sang các thị trường quốc tế. Trước đó, một vài thương hiệu Việt đã mở rộng quy mô và tấn công các thị trường trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới.

Highlands Coffee

Hàng loạt chuỗi cà phê Việt liên tục đổ bộ tấn công thị trường quốc tế, bước tiến lớn cho ngành F&B Việt Nam - Ảnh 3.

Cửa hàng Highlands Coffee tại Philippines. (Ảnh: Việc làm Philippines).

Highlands Coffee là chuỗi cửa hàng kinh doanh cà phê và các loại đồ ăn nhanh của Việt Nam do doanh nhân David Thái thành lập vào năm 1998. Bắt đầu với sản phẩm cà phê đóng gói tại Hà Nội năm 2002, Highlands Coffee đã nhanh chóng phát triển và mở rộng thương hiệu trong thời gian sau đó.

Năm 2011, Viet Thai International, chủ sở hữu của Highlands Coffee đã bán 49% bộ phận kinh doanh ở Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh ở Hồng Kông cho tập đoàn Jollibee của Philippines với mức giá 25 triệu USD.

Từ 2 cửa hàng đầu tiên, đến năm 2012, trước khi quyết định bán cho Jollibee, Highlands Coffee chỉ mới đạt 50 cửa hàng. Tuy nhiên, sau khi về tay tập đoàn của Philippines, chỉ trong vòng 6 năm, chuỗi cà phê này đã đạt mốc 240 cửa hàng.

Cũng trong giai đoạn 2011 – 2012, Highlands Coffee còn đặt nền móng đầu tiên cho con đường chinh phục các thị trường nước ngoài khác, mà cụ thể là tại Phillippines.

Highlands Coffee cho phép Digital Paradise, công ty sở hữu chuỗi cà phê internet Netopia và IP Ventures nhận quyền thương hiệu của họ tại đất nước Philippines. Thời gian đầu, có tất cả 4 quán Highlands Coffee hoạt động tại thủ đô Manila.

Tính đến năm 2021, Highlands Coffee đã có 39 cửa hàng, chủ yếu ở các khu phố sầm uất và trung tâm thương mại tại thủ đô Manila và thành phố Visayas của Philippines.

Cộng cà phê

Hàng loạt chuỗi cà phê Việt liên tục đổ bộ tấn công thị trường quốc tế, bước tiến lớn cho ngành F&B Việt Nam - Ảnh 4.

Khai trương cửa hàng Cộng cà phê tại Seoul. (Ảnh: Cukcuk)

Cộng cà phê là một trong những chuỗi cửa hàng cà phê thành công nhất tại Hà Nội. Được thành lập từ năm 2007, Cộng cà phê mang phong cách của người Hà Nội trong thời kỳ trước đây, đem đến nhiều hoài niệm về những điều xưa cũ.

Cái tên "Cộng" đơn giản của quán được lấy từ chữ đầu tiên trong câu quốc hiệu "Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Hiện tại, chuỗi Cộng cà phê đã có tới gần 60 cửa hàng tại Việt Nam.

Cuối tháng 7/2018, cửa hàng Cộng cà phê lần đầu tiên đặt chân ra thị trường nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc. Quán nằm trên con phố Yeonam-dong, khu phố thời thượng bậc nhất Seoul.

Ngay khi có thông báo về kế hoạch trên Instagram, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã tỏ ra vô cùng thích thú với Cộng cà phê. Bởi vậy, khi Cộng chính thức mở cửa tại xứ sở kim chi ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khách hàng.

Theo KBS World, người đem Cộng cà phê đến Hàn Quốc là ông Jung In-seop, người từng làm việc cho Daewoo và có khoảng thời gian 2 năm sinh sống tại Việt Nam. Hiện Cộng đã có 5 cửa hàng tại Seoul và 1 tại Gyeonggi. Bên cạnh Hàn Quốc, Cộng cà phê cũng đã mở các cửa hàng khác tại Kuala Lumpur và Selangor, Malaysia.

E-Coffee

Hàng loạt chuỗi cà phê Việt liên tục đổ bộ tấn công thị trường quốc tế, bước tiến lớn cho ngành F&B Việt Nam - Ảnh 6.

Cửa hàng E-Coffee tại Lào. (Ảnh: Tạp chí Lào Việt).

Trung Nguyên E-Coffee thuộc sở hữu của Trung Nguyên Legend, một tập đoàn hàng đầu trong ngành cà phê ở Việt Nam. Chuỗi cửa hàng E-Coffee được ra mắt vào năm 2019. Tuy nhiên, thương hiệu E-Coffee đã được Trung Nguyên Legend triển khai từ một năm trước.

Tại Việt Nam, mặc dù xuất hiện sau các đối thủ nhưng E-Coffee hiện là chuỗi cà phê lớn nhất với gần 500 cửa hàng. Sở dĩ E-Coffee có quy mô lớn như vậy là bởi chính sách phí nhượng quyền 0 đồng đã tạo nên một làn sóng hợp tác mạnh mẽ.

Bên cạnh thị trường trong nước, E-Coffee cũng thu hút được sự quan tâm của những đối tác quốc tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và một số quốc gia châu Âu khác.

Dù có kế hoạch phát triển cửa hàng tại những quốc gia trên, nhưng hiện E-Coffee chưa thể thực hiện. Cửa hàng cà phê tại nước ngoài duy nhất của Trung Nguyên E-Coffee được đặt tại Lào.

TNI King Coffee

Hàng loạt chuỗi cà phê Việt liên tục đổ bộ tấn công thị trường quốc tế, bước tiến lớn cho ngành F&B Việt Nam - Ảnh 7.

Cửa hàng King Coffee tại Mỹ. (Ảnh: PR Newswire UK)

Trước Phúc Long, thương hiệu King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã đổ bộ sang thị trường Mỹ. Cụ thể, cửa hàng King Coffee Premium đầu tiên tại Mỹ đã mở cửa từ ngày 12/5 tại Trung tâm thương mại Anaheim Garden Walk, tọa lạc gần với khu vui chơi giải trí Disneyland, tiểu bang California.

Kế hoạch của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và King Coffee là sẽ mở thêm 19 cửa hàng tại Mỹ trong năm 2021, mục tiêu có 100 cửa hàng tới năm 2022.

Trước đó, Hàn Quốc là thị trường nước ngoài đầu tiên mà thương hiệu King Coffee đặt chân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng mạng lưới phân phối của King Coffee vẫn mở rộng từ 61 lên 120 quốc gia, thị trường quốc tế tăng trưởng 200%.

Quốc Anh

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.