|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đào tạo về khởi nghiệp: Các trường vẫn đang tự bơi

22:42 | 03/05/2019
Chia sẻ
TDù đã đưa chủ đề khởi nghiệp vào chương trình đào tạo được gần chục năm nay nhưng có lẽ một số trường đại học vẫn đang mông lung khi chưa có chương trình chuẩn để áp dụng trong giảng dạy.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cùng với khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là ba đột phá chiến lược. Trong đó, vai trò của các trường đại học ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Trung Dũng, tổng giám đốc BK-Holding nhận định, hiện câu chuyện về các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang được nói đến quá nhiều trong khi đây chưa phải là lúc bởi hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn non trẻ. Vấn đề là phải xây từ gốc xây lên, đây là câu chuyện dài hơi.

Như bà Phạm Khánh Linh, CEO của “Uber xe tải” Logivan từng hiến kế tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cần được đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường đại học, đặc biệt là các trường có thế mạnh về kinh tế, công nghệ như Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học ngoại thương…

Đào tạo về khởi nghiệp: Các trường vẫn đang tự bơi - Ảnh 1.

Bà Trịnh Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội.

“Các bạn trẻ hiện nay rất hứng thú với khởi nghiệp nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có quy trình, tổ chức và chưa có hướng đi cụ thể. Hiện nay cũng chỉ mới có các cuộc thi về kinh doanh, chưa có giáo trình đào tạo bài bản về khởi nghiệp”, bà Linh nhìn nhận.

Thật vậy, dù trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội đã đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình giảng dạy từ năm 2012 nhưng bà Trịnh Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường này đánh giá là vẫn chưa hiệu quả.

Theo bà Hà, hợp tác trong đào tạo giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ. Dù quyết tâm nhưng các trường vẫn đang thực hiện theo kiểu “tự bơi”, chưa có một chương trình chuẩn và thống nhất.

Trong khi đó, thành lập chuyên ngành quản trị khởi nghiệp vào năm 2016 để đào tạo các nhà khởi nghiệp tương lai của Việt Nam nhưng trường Đại học Kinh tế TP. HCM vẫn gặp phải một số vấn đề về chương trình giảng dạy.

Bà Nguyễn Phương Thảo, đại diện trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, trong quá trình đào tạo, trường nhận thấy các kiến thức thu lượm từ nước ngoài vào chưa hẳn phù hợp với hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Đại diện các trường đại học đề xuất, cần có một chương trình đào tạo chung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho tất cả các trường. Cần có sự vào cuộc của các bên liên quan để xây dựng và áp dụng một chương trình chuẩn hoá.

Chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế TP. HCM cũng cho biết, năm ngoái trường này đã thành lập viện đổi mới sáng tạo, nhằm đào tạo chuyên sâu hơn về quản trị khởi nghiệp cũng như ươm tạo và thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp mới.

“Các nhà khởi nghiệp ở giai đoạn rất non trẻ sẽ không thể kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư, trường cùng viện đổi mới sáng tạo thông qua vườn ươm đứng ra kết nối với mạng lưới các nhà đầu tư ở giai đoạn ươm mầm sẽ giúp thúc đẩy các bạn đi xa hơn”, bà Thảo cho biết.

Bên cạnh đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp, CEO Logivan còn cho rằng tiếng Anh cần được xem là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam để các nhà khởi nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn với các nhà đầu tư ngoại.

Vị CEO này lý giải, một trong những lý do khiến các startup của Việt Nam gặp khó trong vấn đề gọi vốn chính là tiếng Anh. Khi các nhà đầu tư lớn trên thế giới đang rất cởi mở với đổi mới sáng tạo thì việc tuột mất cơ hội do không trình bày được ý tưởng của mình cũng như giao tiếp với họ sẽ là một điều đáng tiếc đối với các bạn trẻ Việt hiện nay.

Dù vậy, đại diện các trường cũng nhận định là không thể kỳ vọng có được ngay những ý tưởng khởi nghiệp đáp ứng được yêu cầu xã hội bởi tạo các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới là một chuyện, thương mại hoá các sản phẩm này lại là một câu chuyện khác.

Quỳnh Chi