'Quản lí khởi nghiệp sáng tạo mà cứ làm theo qui trình thì khó có sáng tạo, đổi mới'
Hội thảo "Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị" diễn ra vào sáng 2/5 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tại Hà Nội.
Số liệu trong hội thảo cho thấy, số lượng và chất lượng dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng dần trong vài năm qua. Hàng nghìn startup, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm mới đã hình thành - như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner. Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội là những cái nôi hỗ trợ những dự án khởi nghiệp.
Hoạt động đầu tư cho giới khởi nghiệp có xu hướng tăng mạnh cả về chất lượng và số lượng trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017.
Mặc dù vậy, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn đối mặt nhiều bất cập, đặc biệt là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm. Thực trạng ấy khiến các nhà đầu tư chưa yên tâm hoàn toàn, còn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mất cơ hội kinh doanh.Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lí kinh tế Trung ương, cho rằng khởi nghiệp sáng tạo là cơ hội để Việt Nam thực hiện quản lí theo cách khác.
"Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra vô số cơ hội cho chúng ta. Nếu cứ đi theo châu Âu một cách tuần tự thì chúng ta sẽ luôn đi sau. Với khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta phải làm khác. Làm theo tiến độ, tiến theo quy trình là cách cũ, không thể dẫn tới đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải thay đổi một cách căn bản với sự tham gia của chính phủ chứ không phải chỉ vài ba bộ ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ", tiến sĩ Cung khẳng định.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lí kinh tế Trung ương, phát biểu trong Hội thảo "Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị" vào sáng 2/5. Ảnh: Quỳnh Trang
Ông Cung nhấn mạnh rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đang cần thêm rất nhiều yếu tố để thực sự hỗ trợ các startup. Hiện tại, các startup vẫn gặp nhiều rào cản về quản lí. Ông lấy ví dụ về khâu đăng ký kinh doanh. Đôi khi startup chưa thể định nghĩa họ làm mảng gì, nhưng khi đăng ký họ phải khai ngành, nghề kinh doanh cụ thể.
"Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đó vì rào cản trùng điệp. Kiểu quản lý ấy ngăn cản đổi mới sáng tạo. Theo tôi, chúng ta đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không nên tư duy theo kiểu nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, năng lực nhà nước đến đâu thì cho dân làm đến đấy, mà nên hướng về việc quản lý phục vụ phát triển. Chỉ như vậy, startup mới tin rằng khó khăn của họ sẽ được giải quyết", tiến sĩ Cung bình luận.
Viện trưởng Viện quản lí kinh tế Trung ương nói thêm rằng năng lượng khởi nghiệp ở Việt Nam đang vô cùng lớn, nên chỉ cần nhà nước bỏ một rào cản, phong trào khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ.