'Đã là khởi nghiệp thì chỉ có hoặc bùng nổ hoặc đóng cửa'
Một startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) thường trải qua ba giai đoạn chính là thành lập (bao gồm có ý tưởng, tìm kiếm người đồng sáng lập, xây dựng mục tiêu chiến lược, định hướng tầm nhìn), kiểm chứng thị trường (kiểm chứng sản phẩm, tập khách hàng) và mở rộng.
Chia sẻ tại sự kiện Mentor Day trong khuôn khổ Shark Tank mùa 3, bà Đỗ Tú Anh, Phó giám đốc Thường trực Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp cho rằng giai đoạn đầu có thể xem là việc thiết lập một dự án.
Bà đánh giá giai đoạn này có rất nhiều việc cần làm và khó có thể xác định rõ phương thức tăng trưởng. Startup theo đó cần chuẩn bị thật tốt, kĩ lưỡng cho sự tăng trưởng, phải vẽ ra con đường tăng trưởng ở các giai đoạn sau để có thể chuẩn bị đầu vào nhằm đạt được mục tiêu.
“Công tác chuẩn bị rất khó. Nếu bạn không có một kế hoạch, tức là bạn đang lên kế hoạch cho sự thất bại”, bà Tú Anh nhấn mạnh.
Việc lên kế hoạch rất quan trọng và mức độ kỹ càng trong quá trình sẽ ảnh hưởng đến quyết định có thực hiện tiếp hay không.
Theo bà Tú Anh, các bạn trẻ hiện khá yếu trong khâu lập kế hoạch cũng như hoàn chỉnh một công việc từ đầu đến cuối, dẫn đến tự tưởng tượng ra thị trường cũng như tương lai.
Nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp không nghiên cứu thị trường thật sự sẽ không bao giờ biết được hành vi của khách hàng cũng như khả năng khách hàng sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm.
“Các startup quá yêu ý tưởng dẫn tới bị mê muội, nghĩ rằng rất hay rất tốt”, bà Tú Anh cảnh báo.
Điều quan trọng với một doanh nghiệp khởi nghiệp chính là mô hình kinh doanh.
Chia sẻ cùng quan điểm, nhà sáng lập và điều hành của chuỗi Soya Garden Hoàng Anh Tuấn nhận định giai đoạn đầu tiên là khâu quan trọng nhất, quyết định câu chuyện của những giai đoạn tiếp theo.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp và gọi vốn thành công trong chương trình Shark Tank, anh Tuấn cho rằng việc bắt đầu một mình, từ đăng kí kinh doanh, gặp đối tác nguyên liệu đến nghiên cứu sản phẩm, thiết kế cửa hàng, có lợi thế riêng.
Nếu bắt đầu với một đội, số lượng nhiều người sẽ khiến việc quyết định khó khăn hơn so với việc chỉ có một mình.
Đối với các nhà đầu tư, đối tác, anh Tuấn nhấn mạnh yếu tố quan trọng là sự trung thực, chân thành, gây dựng niềm tin với người đối diện.
Đối với giai đoạn hai, ông Trần Trí Dũng, cán bộ giám sát và đánh giá kết quả Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Thụy Sỹ (Swiss EP) đề cập đến yếu tố tốc độ. Nếu start (bắt đầu) mà không có giai đoạn up (tăng mạnh mẽ) mà chỉ vươn lên từ từ thì cũng không thể coi là khởi nghiệp.
Trong bối cảnh còn mới, còn nhỏ, doanh nghiệp phải có tốc độ nhanh, bứt phá một cách đột ngột để tránh việc bị các doanh nghiệp lớn hơn để ý và cạnh tranh, chèn ép.
Giai đoạn hai là lúc doanh nghiệp khởi nghiệp cần kiểm chứng với tốc độ rất nhanh xem giải pháp đưa ra có phù hợp với vấn đề của thị trường không và có bán được sản phẩm không.
Ông Dũng lưu ý trong quá trình kiểm định, doanh nghiệp không nên quá cầu toàn và quá quan tâm tới việc tạo ra tốc độ tăng trưởng doanh số.
“Các startup Việt Nam say sưa với sản phẩm quá nên thời gian ươm tạo quá dài, từ đó hình thành tâm lý phát triển sản phẩm vài năm rồi mới bùng nổ”.
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam nhấn mạnh vấn đề cốt lõi giúp các startup tăng trưởng chính là mô hình kinh doanh. Rất nhiều startup quá tập trung vào sản phẩm nhưng lại không biết liệu khách hàng có sẵn sàng trả tiền hay không.
Không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đang nhầm lẫn giữa giai đoạn hai và giai đoạn ba, cho rằng chỉ cần đưa sản phẩm ra là có thể bán cho thị trường, sau đó ung dung với kế hoạch mở rộng.
Trong khi đó, rất nhiều startup khác lưỡng lự chuyển sang giai đoạn cuối vì khâu này cần sự cực kỳ chắc chắn về các chỉ số.
“Vấn đề quan trọng nhất của giai đoạn ba là nguồn lực của chúng ta như thế nào, tài chính, công cụ quản lý, nhân sự ra sao. Đã là startup, một là bùng nổ, hai là đóng cửa. Nếu bùng nổ mà không quản lý tốt, không có nguồn lực hay đối tác tốt thì sẽ thất bại”, ông Thắng nhấn mạnh.