|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đạm Cà Mau báo lãi hơn 400 tỷ nửa đầu năm

08:16 | 12/07/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá phân bón và nhu cầu thị trường tăng cao, Đạm Cà Mau đã lãi 411 tỷ đồng trước thuế, gần gấp đôi kế hoạch năm khi chỉ vừa kết thúc hai quý.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) mới đây đã chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu ước đạt 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 411 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu năm và vượt 95% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Trong nửa đầu năm, tổng lượng sản xuất của Đạm Cà Mau đạt 456.000 tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ đạt 421.000 tấn, lần lượt bằng 53% và 37% chỉ tiêu sản lượng năm.

Giá phân bón tăng chóng mặt, lãi trước thuế 6 tháng của Phân bón Cà Mau gần gấp đôi kế hoạch năm - Ảnh 1.

Kế hoạch sản lượng năm 2021 của Đạm Cà Mau. (Nguồn: DCM).

Theo đại diện Đạm Cà Mau, 6 tháng đầu năm 2021 được xem là một năm "chưa từng có tiền lệ" trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và ure nói riêng có sự tăng đột biến, khó kiểm soát. 

Nửa đầu năm 2021 việc vận hành nhà máy bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu, song công suất vận hành nhà máy trong quý II vẫn đạt trên 110% đủ để bù đắp sản lượng hụt trong quý I và đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Thực tế 6 tháng vừa qua, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp đã tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%,...theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV).

Giải thích giá phân bón leo thang, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Lưu Hoàng Ngọc nhận định: "Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy chu kỳ giá của phân bón thì cứ khoảng 10 năm sẽ có độ tăng giá. Năm nay cũng giống như năm 2008 là chu kỳ giá đi lên.

Việc giá đi lên có rất nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất, so với cùng kỳ năm ngoái, giá vận chuyển hàng container đã tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, phân bón về Việt Nam gồm có DAP, MAP và ure hầu hết được vận chuyển bằng container".

Tại thời điểm hiện nay, đối với phân bón ure, Trung Quốc có chính sách khi trong nước có nhu cầu cao họ sẽ đánh thuế xuất khẩu. Cho nên hiện nay thuế xuất khẩu ure của Trung Quốc đang là 30%.

Trong khi đó thì Ấn Độ đang vào vụ mùa, nhu cầu phân bón rất cao và nguồn cung phân bón urê ở Đông Nam Á rất thấp. Tại Indonesia, Malaysia, các nhà máy sản xuất phân Ure đang trong quá trình bảo dưỡng.

Tất cả những yếu tố đó đã đẩy giá phân bón trên thế giới lên cao. Trong khi đó giá phân bón của Việt Nam chịu tác động của giá phân bón thế giới.

Mỹ Linh