|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các đại gia bán lẻ tái xuất cuộc đua mở chuỗi, tham vọng có thêm vài nghìn điểm bán mới

09:19 | 08/05/2021
Chia sẻ
Các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ đều có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng với tốc độ từ 15% đến 25% trong năm 2021.
Đại gia bán lẻ tái xuất cuộc đua mở chuỗi, tham vọng có thêm vài nghìn điểm bán mới - Ảnh 1.

Bên trong một cửa Điện Máy Xanh tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Tiếp tục duy trì đà phục hồi từ cuối năm trước, ngành bán lẻ tại Việt Nam ghi nhận những kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I/2021. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng đầu năm đạt 1.291 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hoá tăng 6,8% doanh thu so với cùng kỳ, chiếm 80% tổng doanh số. Nhóm ngành còn lại giảm nhẹ 0,33% cùng kỳ, chiếm 20% bao gồm lưu trữ, ăn uống, lữ hành và các hoạt động kinh doanh khác.

Kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp lớn như: CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) với 4.059 cửa hàng cho ba thương hiệu Thế Giới Di Động (TGDĐ), Điện Máy Xanh (DMX) và Bách Hoá Xanh (BHX); CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) sở hữu 2.524 cửa hàng VinMart+ và 122 siêu thị VinMart; CTCP Vincom Retail (mã: VRE) với 80 trung tâm thương mại chiếm 40% thị phần bán lẻ trung tâm thương mại.

Trong năm 2021, đại gia bán lẻ trong ngành đều có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng với tốc độ mở mới từ 15% đến 25%, chính thức quay trở lại cuộc đưa mở chuỗi sau khoảng thời gian chững lại vì dịch bệnh và thị trường bão hoà.

Tham vọng tăng vài nghìn điểm bán

Ba tháng đầu năm, tổng doanh thu MWG đạt 30.827 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số bán các sản phẩm điện thoại, gia dụng, máy tính xách tay, đồng hồ tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2020; doanh số điện lạnh chỉ đi ngang và doanh số sản phẩm điện tử tiếp tục sụt giảm so sức cầu yếu.

Mặc dù vậy, nhưng nhờ theo đuổi chiến lược cải thiện biên lợi nhuận của MWG từ năm ngoái, kết thúc quý I doanh nghiệp báo lãi tăng 18% đạt 1.337 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng trong quý được cải thiện tăng 0,4 điểm phần trăm lên 4,3%, chủ yếu nhờ biên lãi gộp tăng từ 21% lên xấp xỉ 23%.

Biên lợi nhuận gộp hiện tại của Bách hóa Xanh sau hủy hàng và mất mát đang ở mức 25% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ tháng 4 này khi các điều khoản thương mại mới được áp dụng do lợi thế quy mô doanh thu ngày càng lớn.

Đáng chú ý, chuỗi Điện máy Xanh Supermini (ĐMS) vốn được coi là một trong những động lực tăng trưởng mới của MWG cũng chỉ mở thêm 22 cửa hàng trong tháng 3. 410 điểm bán hiện tại của ĐMS đang mang về gần 1.300 tỷ đồng doanh thu lũy kế sau 3 tháng, chiếm 8% doanh thu của chuỗi ĐMX.

Độ phủ sóng trong hoạt động bán lẻ của MWG dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, khi công ty tham vọng có thêm 4.000 điểm bán điện thoại, laptop mới thông qua chương trình hợp tác với các cửa hàng nhỏ lẻ. Trong chương trình này, những cửa hàng nhỏ lẻ sẽ trở thành đại lý uỷ quyền bán hàng trung gian cho MWG.

Theo chia sẻ từ đại diện MWG, công ty đang có hơn 2.000 điểm bán trong ngành hàng điện máy, điện thoại. Do đó, nếu hợp tác thành công MWG sẽ nâng tổng số điểm bán sản phẩm điện máy của mình lên con số 6.000, từ đó tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Đại gia bán lẻ tái xuất cuộc đua mở chuỗi, tham vọng có thêm vài nghìn điểm bán mới - Ảnh 2.

Cũng chung mục tiêu mở rộng chuỗi là VinCommerce (VCM) - công ty thuộc sở hữu của MSN. Sau khi lãi hai quý liên tiếp, lãnh đạo MSN cho biết đang tính chuyện mở thêm 700 cửa hàng mới từ nay đến cuối năm.

Cụ thể, ba tháng đầu năm, đơn vị quản lý chuỗi VinMart+ và VinMart thu 7.236 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày chuỗi bán lẻ này thu khoảng 80 tỷ đồng và lãi gộp 18 tỷ đồng. Trong kỳ, ghi nhận biên EBITDA hợp nhất đạt 1,8%, tăng 660 điểm cơ bản so với cùng thời điểm năm ngoái. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp chuỗi này có lãi.

Công ty đã hoàn tất đàm đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược, chiếm 40% doanh thu của chuỗi, giúp tăng biên lợi nhuận thương mại - yếu tố đóng góp 60% trong việc tăng biên EBITDA. VCM mục tiêu tăng lợi nhuận thương mại lên 2,5% - 3,0% cho năm tài chính 2021.

MSN cũng thí điểm thành công mô hình chuỗi cung ứng ứng dụng công nghệ châm hàng tự động tại TP HCM và chuẩn bị triển khai trên quy mô toàn quốc. Trong quá trình thử nghiệm, tỷ lệ sẵn có của hàng hóa đã cải thiện rõ rệt, đạt mức 96% so với mức 80% ở giai đoạn trước thí điểm, đồng thời duy trì mức tồn kho ổn định.

Với kết quả trên, lãnh đạo Masan Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho biết ưu tiên hàng đầu của VCM là tái mở rộng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc. Mục tiêu cuối năm 2021, số lượng điểm bán lẻ ít nhất sẽ tương đương với số lượng điểm bán khi Masan sáp nhập.

Điều đó có nghĩa là MSN phải mở mới ít nhất hơn 700 cửa hàng. Trước đó, trong chiến lược 5 năm đã công bố, Masan cho biết công ty sẽ tự vận hành khoảng 10.000 cửa hàng và có trong tay 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình.

Đối với Vincom Retail, đơn vị đang sở hữu và vận hành 80 trung tâm thương mại trên cả nước, chiếm 40% thị phần trong ngành cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I. Trong đó, doanh thu của VRE tăng 32% so với cùng kỳ lên 2.226 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của công ty tăng 59% lên 781 tỷ đồng.

Doanh nghiệp giải trình doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản tăng 252 tỷ, chủ yếu đến từ việc bàn giao ba dự án nhà phố thương mại lớn là Mỹ Tho, Bạc Liêu và Uông Bí.

Bên cạnh đó, việc giảm quy mô gói hỗ trợ giá thuê trong bối cảnh ngành bán lẻ phục hồi sau đợt dịch bùng phát giúp doanh thu cho thuê bất động sản của Vincom Retail tăng thêm 263 tỷ đồng.

VRE cho biết trong quý I, nhiều thương hiệu như H&M, Haidilao Hot Pot, Pandora… cũng đã khai trương thêm cửa hàng trong các trung tâm thương mại. Công ty cũng triển khai các chiến dịch marketing nhằm thu hút khách hàng đến mua sắm như các chương trình ưu đãi, voucher mua sắm,… nhờ đó đã có gần 37 triệu khách hàng đến trung tâm thương mại của VRE trong ba tháng đầu năm.

Nhận định về triển vọng ngành bán lẻ trong năm 2021, chuyên viên phân tích từ Công ty Chứng khoán BSC nhận định các doanh nghiệp trong ngành sẽ phục hồi lại tăng trưởng nhờ mở rộng quy mô cửa hàng, sức mua của người tiêu dùng tăng trở lại, đặc biệt là nhờ cú hích "mua sắm trả thù". Bên cạnh đó, hành vi của người tiêu dùng cũng sẽ gia tăng vào kênh bán lẻ hiện đại nhờ sự tiện lợi, an toàn, vệ sinh và xu hướng chuyển đổi số.

Thiên Trường