Đã quá muộn để Mỹ chặn bước tiến của Trung Quốc ở châu Phi?
South China Morning Post (SCMP) đưa tin tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm châu Phi. Chuyến đi của ông đánh dấu nỗ lực mới của chính quyền Tổng thống Trump nhằm chống lại ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại lục địa này.
Tuần trước, ngoại trưởng Mỹ đã tới thăm Senegal, Angola và Ethiopia. Đây là ba quốc gia mà Bắc Kinh đã bơm hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Ông Pompeo đã sử dụng chuyến đi nhằm tấn công vào vị thế của Trung Quốc, đề xuất rằng Mỹ và giới doanh nghiệp nước này là lựa chọn tốt hơn đối với châu Phi.
Đây là lần đầu tiên ông Pompeo đến châu Phi kể từ khi nhậm chức bộ trưởng ngoại giao hai năm trước. Một số nhà quan sát đặt câu hỏi rằng liệu những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc ở châu lục này có phải đã đến quá muộn và quá ít ỏi hay không.
Trong một bài phát biểu tại thủ đô của Ethiopia, ông Pompeo nhấn mạnh rằng nước Mỹ đại diện cho công ăn việc làm tại địa phương, trách nhiệm với môi trường, kinh doanh trung thực, sản phẩm chất lượng cao và thịnh vượng chung.
Theo tờ SCMP, đây là những lời nói khá quen thuộc trong giới quan chức Mỹ. Từ trước, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc "bẫy" những quốc gia nghèo ở châu Phi vào các khoản nợ mà họ không thể trả lại được.
Ví dụ, một dự án đường sắt do Trung Quốc tài trợ ở Kenya đã bị chỉ trích là quá tốn kém và không hiệu quả. Một dự án đường sắt khác giữa Ethiopia và Djibouti đã khiến Ethiopia phải đàm phán lại các khoản vay trị giá hàng tỉ USD.
Trong khi đó, tổng số tiền Djibouti nợ Trung Quốc đã vượt quá 70% GDP của nước này. Thậm chí Djibouti còn từng cân nhắc việc chuyển giao cảng Doraleh bên bờ Biển Đỏ cho một công ty Trung Quốc.
Khi đến Angola, ngoại trưởng Mỹ nói với nước chủ nhà: "Mỹ không đẩy các quốc gia vào gánh nặng nợ nần không thể trả nổi", và: "Khi chúng tôi đến, chúng tôi thuê người dân Angola. Khi tới Angola, chúng tôi mang theo số tiền giúp ích cho người dân nơi đây".
Ông Jordan Link - nhà phân tích chính sách của Trung Quốc tại Centre for American Progress cho rằng Ngoại trưởng Pompeo đã ngầm ám chỉ Trung Quốc trong một số bài phát biểu.
"Ông Pompeo cho rằng các công ty Mỹ thuê người dân địa phương, trong khi ngầm chỉ trích Trung Quốc mang theo công nhân nước mình và không tạo ra việc làm tại địa phương. Điều này là không đúng."
Ông Link dẫn chứng một nghiên cứu của Giáo sư Carlos Oya đến từ Trường Nghiên cứu châu Phi và Phương Đông tại London cho biết 71% người lao động tại các dự án xây dựng và sản xuất của Trung Quốc là người địa phương.
Gần đây, Tổng thống Uhuru Kenyatta của Kenya đã nêu lên quan điểm rằng các nước châu Phi không muốn phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Atlantic Council - một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, Tổng thống Kenyatta nói rằng châu Phi không muốn quay trở lại Chiến tranh Lạnh, thời kì mà các quốc gia buộc phải chọn giữa các phe. Châu Phi không muốn trở thành chiến trường ganh đua quyền lực của hai cường quốc thế giới.
Ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi
Hiện tại chính quyền Tổng thống Trump đang tập trung vào sáng kiến "Châu Phi Thịnh vượng". Sáng kiến này được đề xuất năm 2018, với mục đích giúp đỡ doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguyên liệu thô và thị trường ở châu Phi.
Theo nhà phân tích Jordan Link tại Centre for American Progress, xuất khẩu từ Mỹ sang châu Phi tăng từ 22 tỉ USD năm 2017 lên 26,6 tỉ USD vào năm 2019. Do đó "có vẻ như sáng kiến Châu Phi Thịnh vượng không tạo ra nhiều tác động".
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, từ năm 2009, nước này đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với kim ngạch song phương năm ngoái đạt 208 tỉ USD.
Còn theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, tổng giá trị thương mại giữa Mỹ và châu Phi năm 2018 đạt 41 tỉ USD.
Trung Quốc cũng là chủ nợ song phương lớn nhất của châu Phi, tài trợ cho các dự án như đường cao tốc, cảng, đập và đường sắt theo "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Theo số liệu từ Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi, Trung Quốc đã cho châu Phi vay đến 143 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2017.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất của lục địa này. Theo USAID, Mỹ đã quyên tặng 8,5 tỉ USD cho khu vực châu Phi hạ Sahran vào năm 2018.
Ông Pompeo đã không đưa ra bất kì khoản đầu tư hay viện trợ lớn nào trong chuyến thăm châu Phi vào tuần trước. Thay vào đó, ông tập trung vào việc thúc đẩy thương mại giữa ba bên: châu Phi, Mỹ và Trung Quốc.
Tại Senegal, ngoại trưởng Mỹ đã chứng kiến kí kết thỏa thuận giữa công ty Bechtel của Mỹ và chính quyền địa phương nhằm xây dựng một con đường nối giữa thủ đô Dakar và thành phố St Louis ở phía tây bắc nước này.
Tại Angola, ông khen ngợi nỗ lực của Chevron và các doanh nghiệp Mỹ khác nhằm khám phá các mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi, giúp "tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế". Tại Ethiopia, Coca-Cola đang lên kế hoạch đầu tư 300 triệu USD để mở rộng ảnh hưởng của mình, bao gồm xây dựng các nhà máy sản xuất mới.
Ngoài ra, ở Kenya, Mỹ đã đồng ý với thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD để xây dựng tuyến đường nối giữa hai thành phố Nairobi và Mombasa. Dự án này sẽ do Bechtel - một công ty Mỹ phụ trách.
Đây được coi là phản ứng của Mỹ trước thực trạng Trung Quốc tham gia vào hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khu vực.
Chính Tổng thống Trump cản trở nước Mỹ ở châu Phi
Theo SCMP, những nỗ lực ngoại giao của Mỹ với châu Phi có thể đã bị làm suy yếu bởi hành động của chính Tổng thống Trump.
Giáo sư Stephen Chan tại Đại học London cho rằng, một bình luận khiếm nhã của Tổng thống Trump về các nước châu Phi hai năm về trước đã gây ra nhiều thiệt hại.
Ông cũng nói rằng những hạn chế về thị thực đối với các công dân Nigeria, Tanzania, Eritrea và Sudan gần đây là một cản trở đối với hoạt động ngoại giao, và không có mối đe dọa khủng bố lớn nào từ những nước này. Trong trường hợp xấu nhất, chính sách hạn chế này bị coi là phân biệt đối xử.
Ông Link, nhà phân tích từ Centre for American Progress, chỉ ra rằng Ngoại trưởng Pompeo chỉ đến thăm châu Phi hai năm sau khi nhậm chức. Trong khi đó, các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc năm nào cũng đến châu Phi. Có thể thấy, so với Mỹ, Trung Quốc đặt ưu tiên cao hơn nhiều cho việc xây dựng mối quan hệ với châu Phi.
Giáo sư Chan cũng nêu quan điểm tương tự: "Pompeo đến thăm châu Phi cuối cùng, trong năm cuối của nhiệm kì của Tổng thống Donald Trump. Có vẻ như đây là một suy nghĩ muộn màng".
Theo đánh giá của giáo sư Seifudein Adem tại Đại học Doshisha ở Nhật Bản, có thể cho rằng Mỹ không có chính sách ngoại giao nhất quán đối với châu Phi.
"Mỹ có thể có chính sách đối với một vài quốc gia châu Phi, hoặc với những khu vực có vấn đề. Chính sách hướng tới châu Phi của Trung Quốc dường như mang tính lâu dài, nhất quán và cấp tiến hơn".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/