|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ hay Trung Quốc đang giành lợi thế về thương mại tại châu Phi?

07:10 | 14/10/2019
Chia sẻ
Trang mạng cnbc.com mới đây đăng bài phân tích về việc Trung Quốc giành lợi thế tương đối trong cuộc chiến thương mại với Mỹ tại châu Phi.
Mỹ hay Trung Quốc đang giành lợi thế về thương mại tại châu Phi? - Ảnh 1.

Tàu chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Port Elizabeth của Nam Phi. Ảnh: TTXVN

Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra trên khắp châu Phi và sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh đang gây quan ngại đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây.

Châu Phi đang trở thành khu vực đô thị hóa nhanh nhất thế giới và Trung Quốc đã khẳng định vị trí tiên phong trong xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường đầy tiềm năng này. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Phi đang có 7 trong số 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2017.

Các công ty Trung Quốc tỏ ra tích cực nhất trong xây dựng các cảng, đường bộ và đường sắt được cho là sẽ thúc đẩy sự hội nhập và thương mại giữa các quốc gia châu Phi – trùng hợp với mục tiêu của Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA). Mới bước vào giai đoạn thực thi gần đây, AfCFTA sẽ có cơ hội tập hợp tất cả 55 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi (AU) trong khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với 1,2 tỷ người.

Những năm gần đây, trao đổi thương mại Mỹ - châu Phi đã sụt giảm, trong khi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa 1,2 tỷ người này. Giai đoạn 2002 - 2008, sau khi Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) được thông qua với việc miễn thuế đối với 6.500 sản phẩm đủ điều kiện đến từ các nước phía Nam Sahara châu Phi, thương mại giữa Mỹ và châu Phi đã tăng lên 100 tỷ USD.

Theo số liệu của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), tổng kim ngạch thương mại song phương châu Phi - Mỹ năm 2017 chỉ đạt 39 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của châu Phi sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - châu Phi năm 2017 là 148 tỷ USD, giảm từ mức 215 tỷ USD năm 2014. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc với châu Phi đạt 101,86 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổ chức Theo dõi đầu tư toàn cầu thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), từ năm 2005 đến nay, tổng giá trị đầu tư và xây dựng của Trung Quốc tại châu Phi đạt khoảng 2.000 tỷ USD.

Gần đây, Trung Quốc đã công bố Quỹ cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường cho châu Phi trị giá 1 tỷ USD và năm 2018. Cường quốc châu Á này đã đưa ra gói viện trợ đối với châu Phi trị giá 60 tỷ USD, qua đó tiếp tục củng cố ảnh hưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Phi.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi Tibor Nagy đang nỗ lực giải quyết vấn đề và khôi phục ảnh hưởng của Mỹ tại châu Phi – khu vực Mỹ và châu Âu, đặc biệt là Pháp, không phải đối mặt với sự cạnh tranh ảnh hưởng thực sự về chính trị hoặc kinh tế trong nhiều thập kỷ gần đây.

Mới đây, ông Tibor Nagy đánh giá khi các nhà đầu tư “gõ cửa” châu Phi và các nước châu Phi đã “mở cửa” đón nhận, song khi “cánh cửa mở ra” thì chỉ duy nhất Trung Quốc đứng đó chờ đợi.

Giám đốc Chương trình châu Phi thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Judd Devermont cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm thương mại Mỹ - châu Phi, trong đó có việc Mỹ phát hiện trữ lượng đá phiến khổng lồ trong nước, sự hạn chế về nguồn sản phẩm và tăng trưởng yếu của châu Phi. 

Tuy nhiên, không chỉ riêng thương mại của Mỹ đối với châu Phi bị giảm sút, bởi thương mại giữa giữa "Lục địa Đen" với hầu hết các nước châu Âu cũng giảm trong giai đoạn 2010 - 2017. Ngoài Trung Quốc, thương mại giữa các nước phía Nam Sahara châu Phi chỉ gia tăng đáng kể với các đối tác nước ngoài mới hoặc đang quay trở lại lục địa, như Nga, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.

Giám đốc CSIS Judd Devermont cho biết Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) mới được thành lập - với một số thẩm quyền lần đầu tiên được quy định như được phép là chủ sở hữu vốn ở nước ngoài và mức đầu tư cao hơn, sẽ giúp thúc đẩy khu vực tư nhân của Mỹ, trong khi các sáng kiến như “Châu Phi thịnh vượng” hứa hẹn sẽ hiện đại hóa và điều phối các nguồn lực của Mỹ tại châu Phi.

Giám đốc CSIS cho rằng chính quyền Mỹ cần phải làm nhiều hơn để thuyết phục các công ty nước này vốn vẫn còn lúng túng, hoài nghi hoặc không hiểu rõ về đầu tư vào châu Phi, đặc biệt, các nhà chức trách cần xác định và thúc đẩy các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ có lợi thế cạnh tranh.

Theo Giám đốc CSIS Judd Devermont, sự thống trị của Trung Quốc về cơ sở hạ tầng tại châu Phi cũng có một số mặt tích. Đặc biệt, các dự án này của Trung Quốc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ vốn phụ thuộc vào mạng lưới giao thông để lưu thông hàng hóa và tiếp cận người tiêu dùng ở các quốc gia châu Phi hiện có mật độ đường sắt và đường bộ thấp nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Devermont cho rằng các công ty Trung Quốc "né" các quy định của luật pháp về môi trường và lao động khi làm việc với các chính phủ châu Phi vốn ít quan tâm đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về những vấn đề trên.

Ngoài ra, có thể tồn tại khả năng là các dự án và sự tài trợ của Trung Quốc sẽ gây trở ngại cho các công ty nước ngoài khác cạnh tranh nhằm có được các cơ hội thương mại tiếp theo, nhất là thông qua áp đặt các ràng buộc với các chính phủ châu Phi tiếp nhận đầu tư, viện trợ để các thực thể của Trung Quốc có được lợi thế tương đối.

Các hệ quả có tác động tiêu cực nảy sinh từ đầu tư Trung Quốc cũng đáng quan tâm. Phân tích trên tờ New York Times cuối năm 2018 cho thấy nhiều trường hợp phân biệt chủng tộc tại các công ty Trung Quốc đang hoạt động ở Kenya. 

Bắc Kinh cũng bị cáo buộc làm tăng đáng kể nợ nước ngoài đối với các nước đang phát triển thông qua Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) - dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ đang tìm cách xây dựng đường sắt, đường bộ, đường biển và các tuyến đường khác trên khắp Trung Quốc, Trung Á, châu Phi và châu Âu.

Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong phê duyệt các khoản vay khiến  gánh nặng nợ đối với các quốc gia đi vay có thể bị xuyên tạc và gây ra những vấn đề tiềm ẩn cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Trưởng Bộ phận về BRI của HSBC tại châu Á - Thái Bình Dương Mukhtar Hussain mới đây cho biết giai đoạn mới của BRI sẽ “cởi mở, xanh và bền vững hơn rất nhiều”, khi Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và đầu tư của nước này trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ có nguy cơ sẽ kéo dài.

Giám đốc CSIS Devermont cho rằng trong khi sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang hiện hữu ở châu Phi, không bên nào trong số Bắc Kinh, Washington hay châu Phi có lợi thế. Bởi hiện tại, ít nhất, các công ty của Mỹ và Trung Quốc đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau và đại diện cho các mô hình phát triển kinh tế khác nhau. Nhìn chung, người châu Phi sẽ chào đón sự quan tâm lớn hơn từ bên ngoài miễn là sự can dự đó không khoét quá sâu sự chia rẽ “chúng ta hay người khác”.

Nguyên nhân chính đối với sự giảm sút thương mại Mỹ - châu Phi là sự thay đổi về nhu cầu năng lượng của Mỹ. Ở thời kỳ đỉnh điểm năm 2008, Mỹ nhập khẩu từ châu Phi 99,5 tỷ USD dầu và khí đốt. Con số này đã giảm xuống chỉ còn 17,6 tỷ USD vào năm 2018.

Ông John Ashbourne, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi của tập đoàn tư vấn tài chính Capital Economics (Anh), cho rằng ngoài nguyên nhân từ giá dầu thô giảm, lý do chính dẫn đến sự giảm nhu cầu về năng lượng của Mỹ là việc nước này tự sản xuất năng lượng thay vì nhập khẩu dầu thô với số lượng lớn từ Nigeria và Angola như trước đó.

Nếu sản xuất năng lượng nội địa của Mỹ vẫn mạnh, xu hướng giảm nhập khẩu năng lượng của Mỹ rất khó bị đảo ngược. Cũng theo vị chuyên gia này, thách thức chính đối với xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi là các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ như ô tô, máy móc và máy bay có giá tương đối cao hơn so với hàng hóa cùng loại của Trung Quốc, với mức giá đa dạng phù hợp với thu nhập của châu Phi.

Đình Lượng