|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc đang thực sự làm gì ở châu Phi?

07:33 | 13/10/2019
Chia sẻ
Trang mạng forbes.com mới đây đăng bài phân tích về mối quan hệ giữa việc Trung Quốc hỗ trợ châu Phi phát triển cơ sở hạ tầng với chiến lược của cường quốc châu Á.

Dưới đây là nội dung bài viết trên của tác giả Wade Shepard (chuyên gia nghiên cứu về xây dựng cơ sở hạ tầng, Sáng kiến Vành đai và Con đường tại châu Phi).

Trung Quốc đang thực sự làm gì ở châu Phi? - Ảnh 1.

Các nước châu Phi đang cần thêm các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế. Ảnh: Phi Hùng-P/vTTXVN tại Nam Phi

Với số lượng lớn người di cư từ nông thôn ra các thành phố, châu Phi đang trở thành khu vực đô thị hóa nhanh nhất thế giới, thậm chí còn vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ, khi lục địa này trở thành một trong những biên giới cuối cùng của cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới. 

Sự chuyển đổi nhanh chóng đó tạo ra những thách thức lớn, nhưng cũng mang lại cơ hội cho các quốc gia sẵn sàng mạo hiểm hàng tỷ USD trong cuộc cách mạng xây dựng cơ sở hạ tầng ở mức độ thế giới chưa từng chứng kiến trước đó và không có quốc gia nào đáp lại nhu cầu của châu Phi giống như cách Trung Quốc đã và đang làm.

Đến năm 2050, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi từ mức 1,1 tỷ người hiện nay, trong đó 80% số dân tăng lên sẽ cư trú ở các đô thị, đưa dân số đô thị ở lục địa này lên hơn 1,3 tỷ.

Dân số của Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria, đang tăng thêm 77 người/giờ. Theo tập đoàn tư vấn McKinsey (Mỹ), đến năm 2025, châu Phi sẽ có hơn 100 thành phố với số dân hơn một triệu người/đô thị. 

Tốc độ đô thị hóa đột phá này mang lại nhiều cơ hội kinh tế chưa từng có. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã tuyên bố châu Phi là khu vực tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới và nhiều người dự đoán châu lục này đang trên quỹ đạo trở thành một nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD, bởi mức tiêu thụ của các hộ gia đình dự kiến sẽ tăng ở mức 3,8%/năm, lên 2.100 tỷ USD vào năm 2025. 

Thế giới đang quan tâm nhiều hơn tới châu Phi, với sự so sánh châu lục này giống như Trung Quốc ở những năm 1990 với những dự án phát triển nhanh chóng.

Trung Quốc cũng đã trở thành nhân tố chủ chốt trong việc thúc đẩy đô thị hóa của châu Phi, bởi phần lớn các sáng kiến cơ sở hạ tầng của châu lục này đang do các công ty Trung Quốc thực hiện hoặc được hỗ trợ bởi nguồn tài chính từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Daan Roggeveen, nhà đồng sáng lập của văn phòng kiến trúc nổi tiếng thế giới MORE Architecture (Hà Lan) và là tác giả của nhiều công trình đô thị ở Trung Quốc và châu Phi, cho rằng bất kỳ dự án lớn nào ở các thành phố châu Phi cao hơn 3 tầng hoặc những con đường dài hơn 3 km nhiều khả năng được người Trung Quốc xây dựng.

Thậm chí, trước khi Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc được chính thức công bố vào năm 2013, Bắc Kinh đã có những bước tiến lớn trong việc góp phần phát triển đô thị của châu Phi. 

Khi mới lên nắm quyền vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc hầu như không được công nhận bởi các quốc gia khác trên thế giới vốn ủng hộ Trung hoa Dân quốc. Nhưng Trung Quốc bắt đầu vận động hành lang rộng rãi ở châu Phi, khiến nhà nước non trẻ này dần được thừa nhận. 

Chẳng bao lâu sau đó, những cam kết chính trị được hiện thực hóa bằng bê tông và thép, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng đường sắt, bệnh viện, trường đại học và sân vận động ở khắp châu Phi. Tuy nhiên, có những lý do khác thúc đẩy sự hợp tác ban đầu giữa Trung Quốc với châu Phi. 

Dù các cường quốc thực dân đã hoặc đang rút khỏi châu Phi, lục địa này vẫn là kho dự trữ tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và Trung Quốc đã thế vào khoảng trống quyền lực để lại, thiết lập ảnh hưởng về chính trị và kinh tế, tạo tiền đề để có được vị thế vô cùng thuận lợi như hiện nay tại châu Phi.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với kim ngạch thương mại song phương đạt 200 tỷ USD năm 2018. 

Theo tập đoàn McKinsey, hiện có hơn 10.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở châu Phi và kể từ năm 2005, giá trị của các doanh nghiệp Trung Quốc tại lục địa này lên tới hơn 2.000 tỷ USD, với khoản đầu tư 300 tỷ USD hiện đang được đàm phán, triển khai. 

Châu Phi cũng đã vượt qua châu Á trở thành thị trường lớn nhất cho các hợp đồng xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc. 

Để duy trì đà phát triển này, Bắc Kinh gần đây đã công bố quỹ phát triển cơ sở hạ tầng BRI trị giá một nghìn tỷ USD và tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi 2018, Trung Quốc đã công bố gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho châu Phi, thúc đẩy châu lục này tiếp tục hướng Đông do mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc tăng về số lượng và mức độ gắn kết.

Không có cơ sở hạ tầng sẽ không có bất kỳ điều gì

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói rằng cơ sở hạ tầng không đầy đủ là nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của châu Phi.

”Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), các quốc gia châu Phi sẽ cần 130-170 tỷ USD/năm để phát triển cơ sở hạ tầng, với mức thiếu hụt khoảng 68-108 tỷ USD/năm. 

Thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng của châu Phi là nỗi ám ảnh của nhiều làn sóng thực dân từ trước đến nay và Trung Quốc là bên can dự tiếp theo với các dự án đường sắt, đường cao tốc và sân bay.

Tác giả Xiaochen Su viết trên tạp chí "The Diplomat" rằng, vào đầu thế kỷ, người châu Âu đã xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi với danh nghĩa phát triển kinh tế địa phương, nhưng thực chất các dự án đó là để phục vụ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. 

Các tuyến đường sắt Nairobi - Mombasa (Kenya) và Addis Ababa (Ethiopia) - Djibouti, do Trung Quốc hỗ trợ tài chính, có thể là vì mục đích đó. Cả hai tuyến đường sắt này kết nối các vùng nội địa và các mỏ khoáng sản với các cảng lớn trên Ấn Độ Dương.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Phi dễ dàng nhận ra rằng tình thế của châu Phi hiện nay cũng giống như hoàn cảnh của Trung Quốc cách đây gần 30 năm trước - một quốc gia lạc hậu với nền kinh tế chỉ chiếm gần 2% GDP toàn cầu. 

Nhưng trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã khiến thế giới kinh ngạc thông qua việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra một mạng lưới đường sắt cao tốc hiện nay lên tới 29.000 km, mở trên 100.000 km đường cao tốc mới, xây dựng hơn 100 sân bay mới và kiến thiết không dưới 3.500 khu đô thị mới - bao gồm 500 khu phát triển kinh tế và 1.000 khu phát triển cấp thành phố. 

Cũng trong khoảng thời gian đó, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần và hiện đứng thứ hai trên thế giới.

Đó chính là dạng thức tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở hạ tầng mà châu Phi hiện đang tìm kiếm và nhiều nhà lãnh đạo châu lục muốn học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc. 

Các bên liên quan chính trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của châu Phi - bao gồm tuyến đường sắt ven biển trị giá 12 tỷ USD của Nigeria, tuyến đường sắt Addis Ababa - Djibouti trị giá 4,5 tỷ USD, cũng như khu kinh tế và khu siêu cảng trị giá 11 tỷ USD tại Bagamoyo (Tanzania) - đang được thực hiện thông qua quan hệ đối tác với Trung Quốc.

Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã trở thành bên can dự lớn nhất trong sự bùng nổ cơ sở hạ tầng của châu Phi, chiếm 40% và tỷ lệ này tiếp tục tăng. 

Trong khi đó, sự can dự của những đối tác khác đang giảm nhanh chóng: của châu Âu giảm từ 44% xuống 34%, trong khi sự hiện diện của các nhà thầu Mỹ giảm từ 24% xuống chỉ còn 6,7%.

Ông Zhengli Huang, nghiên cứu viên tại Đại học Sheffield (Vương quốc Anh) đang khảo sát tình hình đô thị hóa ở Nairobi, đánh giá các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang thực sự chiếm lĩnh thị trường phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi. 

Thực tế là bất cứ nơi nào ở Đông Phi đều có sự hiện diện của công nhân xây dựng Trung Quốc. 

Nhà đồng sáng lập của MORE Architecture, ông Daan Roggeveen, cho rằng không khó để giải thích cho thực tế này, bởi nhiều nhà thầu châu Phi không có năng lực cần thiết để đảm nhận các dự án phát triển lớn, buộc châu Phi phải tìm kiếm các đối tác phương Tây hoặc Trung Quốc, nhưng các công ty Trung Quốc luôn có lợi thế về giá.

Và vấn đề bẫy nợ?

Nhiều quốc gia châu Phi đang theo đuổi giấc mơ về một tương lai  kinh tế tốt đẹp hơn  nhưng cũng gánh các khoản nợ lớn liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng mà có thể họ sẽ không đủ khả năng chi trả. 

Những dấu hiệu cảnh báo đã hiện hữu: khoản kinh phí 4 tỷ USD cho việc xây dựng tuyến đường sắt Addis Ababa - Djibouti chiếm khoảng 25% ngân sách năm 2016 của Ethiopi, Nigeria đã phải tái đàm phán các khoản nợ với với nhà thầu Trung Quốc do quốc gia Tây Phi này không thể thanh toán đúng hạn; tuyến đường sắt Mombasa - Nairobi của Kenya được Trung Quốc cho vay 80% đã bị tăng vốn hơn bốn lần so với ngân sách dự kiến ban đầu, bằng khoảng 6% GDP quốc gia Đông Phi này. 

Theo đánh giá của IMF năm 2012, Trung Quốc chiếm 15% nợ nước ngoài của châu Phi và chưa đến ba năm sau đó, khoảng 2/3 tổng các khoản vay mới của Lục địa Đen là đến từ Trung Quốc, khiến một số nhà phân tích đưa ra cảnh báo về bẫy nợ, thậm chí gán cho những gì Trung Quốc đang làm là một hình thức thực dân mới.

Trung Quốc cần làm gì để thoát khỏi tiếng xấu tại châu Phi?

Châu Phi đang có những gì Trung Quốc cần để đảm bảo sự ổn định dài hạn về kinh tế và chính trị. Hơn một phần ba nhu cầu dầu mỏ và 20% nhu cầu bông của Trung Quốc được nhập khẩu từ châu Phi. 

Châu Phi sở hữu khoảng một nửa trữ lượng măng-gan (nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất thép ) trên thế giới và Cộng hòa Dân chủ Congo sở hữu một nửa trữ lượng cô-ban toàn cầu. Châu Phi cũng có một lượng đáng kể coltan, kim loại cần thiết cho thiết bị điện tử, cũng như một nửa nguồn quặng đất hiếm carbonatite trên thế giới.

Tuy nhiên, có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng tất cả các dự án của Trung Quốc ở châu Phi đều có sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh. 

Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang thực hiện các dự án ở châu Phi hoàn toàn vì lợi nhuận mà ít gắn với tham vọng của chính phủ nước này. 

Tuy nhiên, cũng rất khó tách biệt mục đích thương mại của Trung Quốc tại châu Phi với chiến lược của cường quốc châu Á này, bởi trong nhiều trường hợp, hai yếu tố rõ ràng trùng lặp nhau. 

Việc quốc tế hóa các công ty xây dựng và các công ty công nghệ thông tin của Trung Quốc, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác và xuất khẩu hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên từ châu Phi là những mối quan tâm chính của Bắc Kinh. 

Vì vậy, dù việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Phi có thể không nhất thiết phải được Bắc Kinh kiểm soát, thì cuối cùng cơ sở hạ tầng này cũng phục vụ lợi ích địa-kinh tế rộng lớn hơn của Trung Quốc.


Đình Lượng