|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc khủng hoảng giá heo hơi năm 2017 đang tái diễn?

16:04 | 14/10/2021
Chia sẻ
Giá heo hơi những tháng qua liên tục lao dốc, xuống các mốc thủng đáy khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Diễn biến này được cho là khá tương đồng với đợt giảm sâu hồi năm 2017 đã từng khiến không ít doanh nghiệp, người dân choáng váng.

Giá heo hơi rơi tự do như 'cơn bão' 2017?

2017 có thể nói là một năm đáng quên của người chăn nuôi heo khi mà cuộc khủng hoảng rớt giá đã gây thiệt hại nghiêm trọng. 

Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy năm 2017, giá heo hơi đã sụt giảm mạnh trong khoảng 20-50% tùy vùng miền so với năm 2016.

Giai đoạn tụt giá năm đó bắt đầu vào dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, đây có thể coi là hiện tượng lạ, bởi thịt heo là một trong những mặt hàng vốn dĩ luôn tăng giá trong dịp tết truyền thống.

Sau đó trong suốt các tháng còn lại của năm 2017, giá heo chủ yếu lao dốc và thực sự trở thành nỗi khủng khiếp đối với người chăn nuôi, khi đầu tư càng lớn, thất bại càng thảm hại.

Giá heo hơi rơi tự do - Ảnh 1.

Giá heo hơi rơi tự do - Ảnh 2.

(Nguồn: Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính)

Đáng lo ngại là đợt "bão giá" năm đó dường như đang quay trở lại khi giá heo hơi liên tục rớt giá từ tháng tháng 5 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Cập nhật đến ngày 14/10, giá heo hơi tiếp tục giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg tại nhiều địa phương. Hiện vùng giá dao động của ba miền là trong khoảng 35.000 - 43.000 đồng/kg. Mức giá này chưa bằng một nửa so với hồi tháng 5 năm ngoái khi giá heo hơi đạt ngưỡng kỷ lục 100.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi vô cùng khốn đốn vì thua lỗ nặng.

Nhìn lại đợt giảm giá cách đây 4-5 năm, có thể thấy giá heo hơi giảm sâu là do người chăn nuôi tái đàn ồ ạt sau một năm giá tăng cao, tức năm 2016, dẫn đến nguồn cung trong nước quá dư thừa trong khi đầu ra tiêu thụ không chủ động.

"Còn năm nay, nguồn cung cũng vượt cầu nhưng không dư nhiều như năm 2017 do dịch tả heo châu Phi làm cho đàn heo chưa phục hồi", ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (Đồng Nai) cho hay.

Bên cạnh đó, trong 4 tháng dịch COVID-19 bùng phát mạnh vừa qua, các lò mổ, chợ truyền thống không hoạt động đã gây nên tình trạng dồn ứ lượng heo lớn. 

Trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội vẫn cao nhưng do dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội, các chợ đầu mối đóng cửa, trường học, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp...cũng dừng hoạt động dẫn đến tiêu thụ giảm mạnh, gây ứ đọng sản phẩm trong chuồng

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến nguồn cung bất ngờ tăng cao là: "Trong năm 2017 việc xuất khẩu heo tiểu ngạch sang Trung Quốc bị dừng lại trong khi sản xuất tăng cao nên đã khiến cung cao hơn cầu và kéo giá heo sụt giảm", ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay.

Đặc biệt, dịch COVID-19 trên thế giới đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa, trong đó có thức ăn chăn nuôi. Trong khi Việt Nam nhập khẩu trên 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phụ thuộc rất lớn vào thị trường quốc tế nên giá thức ăn chăn nuôi năm nay rất cao.

Có thể thấy, người chăn nuôi hiện nay phải đối diện với bối cảnh cực kỳ khó khăn khi chi phí lưu thông, vận chuyển, thức ăn...đều tăng vọt. Đó là chưa kể một số địa phương ở huyện, xã, thôn gây khó khăn cho việc lưu thông, kể cả nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra

"Một số doanh nghiệp cho hay chi phí cho một lái xe đã tăng 5-8 triệu/tháng về các khoản chi phí phát sinh trong thời gian giãn cách xã hội", ông Trọng dẫn chứng về khó khăn của người chăn nuôi.

Người chăn nuôi vẫn luôn chịu thiệt hại nặng nề

Không chỉ tương đồng về tình trạng dư thừa nguồn cung, mức lỗ hiện tại của người chăn nuôi cũng không khác gì năm 2017 vì giá thức ăn nuôi và chi phí hoạt động tăng cao.

Cụ thể, theo ông Hậu, giá thức ăn chăn nuôi năm 2017 khoảng 9.000 đồng/kg thì hiện nay đang nằm ở mức khoảng 12.000 đồng/kg, kéo giá thành sản xuất tăng lên.

"Năm 2017, mức giá thấp nhất tôi bán ra là 22.000 đồng/kg, giá thành sản xuất khoảng 40.000 đồng/kg thì khi bán ra lỗ khoảng 1,8 triệu đồng/con (100kg). Và năm nay, với đà tụt không phanh hiện nay, khả năng tôi cũng sẽ chịu mức lỗ tương đương năm đó", Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do chia sẻ.

Bởi theo phân tích của doanh nghiệp này, năm nay, giá thành sản xuất tăng 10.000 đồng/kg so với năm 2017, lên khoảng 50.000 đồng/kg trong khi bán ra chỉ khoảng 40.000 đồng và tiếp tục xuống. 

Nhiều nơi giá đã xuống vùng 30.000 đồng/kg và nếu rớt xuống mức 32.000 đồng/kg thì xem như bằng đáy 22.000 đồng/kg, tương đương mức lỗ của năm 2017.

Với quy mô trang trại lên đến 10.000 con, doanh nghiệp đã chịu thiệt hại nặng nề trong cơn khủng hoảng 2017, và kéo dài đến năm 2019 khi dịch tả heo châu Phi bùng phát. 

"Năm đó, tôi phải bán heo chưa đến lứa xuất chuồng để cắt lỗ, đồng thời phải giảm cắt giảm đàn heo. Sau giai đoạn khó khăn, trang trại đã phục hồi và tăng đàn lên 12.000 con nhưng nếu tình hình năm nay cũng không khả quan thì chắc tôi sẽ làm theo phương án cũ để tự cứu mình", ông Hậu chia sẻ.

Đáng quan ngại đây là trại giống, đàn nái ông bà, nếu giảm đàn thì sau này khi doanh nghiệp cần tái đàn sẽ gặp tình trạng hụt giống.

Với mức giá hiện tại của heo hơi ở vùng 30.000 đồng/kg thì mức lỗ của người chăn nuôi cũng tương tự năm 2017 khi giá rơi tự do xuống mức 20.000 đồng/kg.

Bởi theo tính toán của Cục Chăn nuôi giá thức ăn chăn nuôi năm nay tăng trên 30 -36%, chi phí vận chuyển tăng đã đội giá thành sản xuất lên cao vào khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi năm đó giá bán chỉ khoảng trên 30.000 -35.000 đồng/kg, thậm chí có nơi dưới 30.000 đồng/kg.

Cuộc khủng hoảng giá heo năm 2017 vẫn ám ảnh người chăn nuôi - Ảnh 4.

Giá heo hơi tại các khu vực trên đà sụt giảm, người chăn nuôi vẫn đang thua lỗ nặng. (Ảnh: CP Foods)

Khi nào 'cơn bão' sẽ qua đi?

Nhìn lại diễn biến giá heo hơi giai đoạn đó, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết sau hơn một năm "thủng đáy" thì những ngày đầu tháng 8/2018, giá heo hơi trong nước đã vươn lên 57.000 đồng/kg, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trước đó.

Nguyên nhân là nguồn cung heo trong nước bắt đầu cạn, nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi đuối sức, hoặc choáng váng chưa dám nghĩ đến chuyện tái đầu tư, thì giá heo bất ngờ quay đầu tăng với tốc độ cũng không kém khi lao dốc.

Còn thời điểm hiện tại, viễn cảnh tương tự cũng có thể xảy ra bởi theo Bộ NN&PTNT với tình hình giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, đẩy giá thành sản xuất lên cao, còn giá bán heo hơi lại giảm mạnh khiến người chăn nuôi heo chịu lỗ nặng, có tâm lý e ngại không muốn tái đàn.

"Tâm lý e ngại tái đàn có thể dẫn đến nguy cơ Tết Nguyên đán sắp tới thiếu thịt heo cục bộ cộng thêm nhu cầu tăng cao có thể khiến giá heo hơi tăng trở lại", ông Trọng nhận định.

Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi cho biết hiện tại ở các trang trại cũng như hộ chăn nuôi đang bị dịch tả heo châu Phi hoành hành trở lại, khiến lượng heo nhỏ khoảng 50-60 kg chuẩn bị cho nhu cầu sắp tới bị sụt giảm. 

Trong khi đó, nhiều người e dè việc tái đàn, thậm chí đã đăng bán số heo nái mang thai và chuồng trại do giá heo hơi rớt mạnh như hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Điều này có thể phần nào kéo giá heo ổn định hơn trong thời gian tới khi lượng heo quá lứa cũng dần được tiêu thụ.

Hiện tại, dù nhiều địa phương đã dần mở cửa nhưng giá vẫn chưa tăng. Phía Cục Chăn nuôi giải thích là do tình trạng "dồn toa", khi nhu cầu tiêu thụ chậm dẫn đến heo ứ đọng trong chuồng và mỗi ngày một lớn. Có những con heo đã lên đến 150 kg vẫn chưa bán được mà càng nuôi càng lỗ. 

Việc chấm dứt đà giảm giá heo hơi phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch COVID-19 bởi khi đó hàng hóa được lưu thông thuận lợi, người lao động trở lại làm việc, các nhà máy, xí nghiệp, trường học, bếp ăn...mới có thể phục hồi mức tiêu thụ.

Dù vậy, vấn đề lo ngại là sau nhiều tháng chống dịch, công việc bị dừng lại khiến thu nhập của người dân bị gián đoạn, điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt heo dù các hoạt động được trở lại bình thường.

Như Huỳnh