|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua của các chuỗi cầm đồ tại Việt Nam

09:02 | 01/10/2019
Chia sẻ
Có số lượng vượt trội nhưng các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ lại bị lép vế trước các chuỗi cầm đồ có hệ thống đang mở rộng nhanh về quy mô ở các thành phố lớn.

“Vào đây, cần cầm cố gì anh nhận cho, tiền nong không quan trọng”, Nguyễn Đức Duy (32 tuổi), chủ một cửa hàng cầm đồ khu vực Nam Từ Liêm, Hà Nội hồ hởi khi có khách tới tiệm.

Theo anh Duy, khoảng 2-3 năm trước, những cửa hàng cầm đồ như của anh thuộc hạng hái ra tiền khi mỗi ngày có thể tiếp đón đến vài chục khách tới giao dịch vào mùa cao điểm như dịp World Cup hay Euro.

Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, số lượng khách lui tới các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ như của anh giảm đáng kể, khách tới chủ yếu là có nhu cầu vay nóng, vay tín chấp.

Lượng khách cầm đồ giảm đáng kể có nguyên nhân tới từ sự xuất hiện của các cửa hàng cầm đồ theo chuỗi với độ phủ vượt trội và quảng cáo rầm rộ.

Cầm đồ có hệ thống nở rộ

Tại Hà Nội, đường Láng (quận Đống Đa) hiện được xem là phố cầm đồ lớn nhất thủ đô với hàng trăm cửa hàng cầm đồ trải dài tuyến đường 4 km. Hầu hết cửa hàng cầm đồ trên phố này đều là nhỏ lẻ của từng cá nhân, hộ kinh doanh. 

Hơn 1 năm trở lại đây, riêng tuyến đường Láng đã xuất hiện 3 cửa hàng cầm đồ của Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (chuỗi cầm đồ F88).

Cuộc đua của các chuỗi cầm đồ tại Việt Nam - Ảnh 1.

Một cửa hàng cầm đồ F88 trên đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: F88.

Theo Forbes Việt Nam, riêng ở Hà Nội hiện nay có khoảng 1.700 cửa hàng cầm đồ, ở TP.HCM có 2.300 cửa hàng. Mỗi tỉnh, thành phố đều có các cửa hàng cầm đồ rải rác từ trong thành phố cho tới nông thôn. 

Theo ước tính của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành năm 2013, dịch vụ cầm đồ nằm trong lĩnh vực tín dụng phi chính thức với quy mô thị trường khoảng 30 tỷ USD.

Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê chính thức vào về thị trường này, nhưng theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia ước tính, quy mô của tín dụng phi chính thức hiện nay vào khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế, tương đương 1,16-1,55 triệu tỷ đồng. Số này bao gồm cả dịch vụ cho vay cầm đồ, tín dụng đen, chơi hụi, phường...

“Một năm trở lại đây nhiều cửa hàng cầm đồ đã phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh tài chính khác. Như cửa hàng này, lượng khách cầm đồ mỗi tháng đã giảm không dưới 60% so với trước đây”, anh Duy chia sẻ.

Thực tế, việc các chuỗi cửa hàng cầm đồ có hệ thống xuất hiện và mở rộng như hiện nay ảnh hưởng trực tiếp tới “miếng bánh” của các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ, chiếm đa số trên thị trường hiện nay.

Theo công bố từ chuỗi cửa hàng cầm đồ F88, công ty này đang quản lý và vận hành tổng cộng 106 điểm giao dịch trên cả nước (gồm cả trụ sở), là chuỗi cho vay cầm đồ có quy mô lớn nhất thị trường. Những quỹ đầu tư chuyên nghiệp như Mekong Capital, Granite Oak sớm nhìn thấy tiềm năng thị trường này bằng các khoản đầu tư vào F88 nói trên.

Trong số 106 cửa hàng của F88, tính riêng thị trường TP.HCM đã có 55 cửa hàng, Hà Nội có 43 cửa hàng, còn lại 8 cửa hàng nằm tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, hải Phòng, Thanh Hóa và Vĩnh Phúc. Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc F88, trước đó còn tuyên bố chuỗi sẽ mở 300 cửa hàng trên toàn quốc đến năm 2021.

Việc mở rộng quy mô cùng các chiến dịch quảng bá hình ảnh khiến các chuỗi cầm đồ như F88 lấy rất nhiều thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ.

Vốn ngoại đổ vào các chuỗi cầm đồ

F88 không phải chuỗi cầm đồ duy nhất mang tính hệ thống trên thị trường hiện nay.

Ở khu vực miền Nam, các chuỗi cầm đồ khác cũng đang nổi lên với hàng chục cửa hàng như Vietmoney, Camdonhanh.vn hay Người bạn vàng...

Cuộc đua của các chuỗi cầm đồ tại Việt Nam - Ảnh 2.

Trong đó, Vietmoney hiện sở hữu 11 cửa hàng tại TP.HCM và Bình Dương. Cuối năm 2018 vừa qua, công ty này cũng đã nhận khoản đầu tư từ Quỹ tài chính Indochine Investment.

Ông Trịnh Văn Phương, Tổng giám đốc VietMoney, cũng kỳ vọng với khoản đầu tư này sẽ giúp chuỗi cầm đồ nâng cấp hệ thống quản trị, và mở rộng thị trường ra các tỉnh khác ngoài TP.HCM. 

Đặc biệt, Vietmoney mở rộng hệ thống cửa hàng của mình theo hình thức nhượng quyền sẽ giúp tiết giảm chi phí hơn nhiều so với việc sở hữu trực tiếp như F88.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Người bạn vàng hiện cũng đã sở hữu 15 cơ sở ở TP.HCM và Bình Dương sau một năm hoạt động. 

Đáng chú ý, doanh nghiệp này được giới thiệu là đối tác chiến lược của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ, tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng cầm cố trang sức. Hiện nay, các cửa chuỗi này chủ yếu cũng nằm trong các trung tâm kim hoàn của PNJ.

Một số chuỗi cầm đồ đáng chú ý tại thị trường Việt hiện nay như Camdonhanh.vn, công ty được sáng lập bởi quỹ đầu tư John Galt Ventures hiện cũng sở hữu 4 chi nhánh tại TP.HCM; Công ty TNHH Srisawad Việt Nam (công ty con của Thái Lan) sở hữu 7 cửa hàng...

Điểm khác biệt lớn nhất của các cửa hàng cho vay cầm đồ theo chuỗi chính là danh mục tài sản cầm cố. Ngoài những tài sản thông thường như ôtô, xe máy, laptop, điện thoại... một số chuỗi cầm đồ còn nhận cầm cố cả vàng miếng, thiết bị văn phòng, thậm chí là cả sim số đẹp.

Để quản lý rủi ro nhóm công ty này cũng không cho vay tín chấp mà chỉ tập trung vào các gói cho vay cầm đồ có tài sản đảm bảo. Ngoài khoản lãi suất phải chịu hàng tháng, khách khi cầm đồ tại các hệ thống này cũng luôn phải chịu thêm nhiều khoản phí như bảo hiểm khoản vay, phí bảo quản tài sản, phí tư vấn...

Việc các chuỗi cửa hàng cầm đồ này xuất hiện khiến các cửa hàng nhỏ lẻ như của anh Duy hiện nay chủ yếu đón khách tới giao dịch vay tín chấp thay vì vay cầm đồ.

Theo anh này, vay tín chấp có lãi suất cao hơn rất nhiều vay cầm đồ, nhưng rủi ro cũng lớn hơn rất nhiều. Với cửa hàng của anh, kiểm soát rủi ro chỉ diễn ra ở khâu đầu vào, tức là duyệt hồ sơ của người vay. Yêu cầu lớn nhất là phải chính chủ, có thông tin cá nhân, địa chỉ đầy đủ, và phải là hộ khẩu Hà Nội mới được vay tín chấp.

Quang Thắng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.