Tương lai nào cho các chuỗi cửa hàng cầm đồ?
Mới đây, sau khi bắt tay hợp tác với Công ty Chứng khoán KB Hàn Quốc, ông Phùng Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO CTCP Kinh doanh F88 (F88) đã không dấu tham vọng cho biết: "Điều này sẽ giúp F88 thực hiện chiến lược trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính với nhiều dịch vụ đa dạng cho khách hàng".
Trung tuần tháng 6/2020, một hệ thống cầm đồ khác là Vietmoney cũng kí kết thoả thuận với Ngân hàng VietinBank nhằm triển khai các dịch vụ bảo hiểm do công ty bảo hiểm Vietinbank Insurance cung cấp.
Chuỗi cầm đồ vẫn chưa đủ sức cạnh tranh
Là chuỗi cầm đồ có mặt sớm nhất tại Việt Nam, dồn dập tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu và được dòng tiền "khủng" từ hai quĩ đầu tư ngoại là Mekong Capital và Granite Oak đổ về, nhưng tình hình kinh doanh của chuỗi cầm đồ F88 không được như kì vọng.
Từ năm 2016 đến hết quí II năm nay, tổng tài sản F88 đã tăng phi mã 11 lần, từ 68 tỉ đồng lên 816 tỉ đồng. Doanh thu thuần hàng năm cũng tăng đột biến 4,3 tỉ năm 2016 lên 218 tỉ đồng năm 2019.
Tuy nhiên, do tốc độ mở chuỗi nhanh và phải trang trải các chi phí bán hàng, chi phí nhân sự và cả phần lãi trái phiếu huy động ở mức cao khiến hoạt động kinh doanh của F88 chưa đạt được hiệu quả.
Kể từ khi thành lập vào năm 2013, F88 liên tục báo lỗ, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cho đến tận năm 2018, F88 mới ghi nhận những khoản lãi đầu tiên, đạt 2,7 tỉ đồng và năm 2019 đạt 16,6 tỉ đồng.
Luỹ kế đến 30/6/2020, nợ phải trả của F88 đã tăng từ 257 tỉ đồng thời điểm đầu năm lên 457 tỉ đồng.
Rõ ràng, lợi nhuận sau 7 năm tham gia vào thị trường cho vay cầm cố tại Việt Nam của F88 không hề tương xứng với doanh thu và số vốn "khủng" mà chuỗi này nhận được.
Ra đời vào năm 2016, dù sinh sau đẻ muộn so với F88, nhưng Vietmoney (kinh doanh theo mô hình O2O - online to offline) cũng đã có những bước tiến thần tốc về qui mô, có 16 chi nhánh tại TP HCM, phục vụ hơn 20.000 khách hàng thường xuyên.
Theo số liệu chúng tôi có được, riêng Công ty Cổ phần Việt Money do ông Trịnh Văn Phương làm Đại diện theo pháp luật có doanh thu đạt 986 triệu đồng năm 2018, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 8 triệu đồng.
Ngoài hai tên tuổi lớn là F88 và Vietmoney, tại Việt Nam còn có những doanh nghiệp cho vay cầm cố với qui mô nhỏ như: Người bạn vàng, Camdonhanh, Đồng Shop Sun, Song Hùng... thời gian vừa qua cũng được rót rất nhiều tiền từ các đối tác ngoại, tuy nhiên tình hình kinh doanh của các đơn vị này gây bất ngờ khi mà các con số lợi nhuận cho thấy hiệu quả của hoạt động cho vay cầm đồ là không thực sự cao.
Lời giải cho bài toán tăng trưởng
Có thể hiểu những cửa hàng kinh doanh cầm đồ chuyên nghiệp như F88 đang trong giai đoạn đánh chiếm thị phần nên lợi nhuận không phải là ưu tiên số một trong thời điểm hiện tại.
Xa hơn, các chuỗi cửa hàng cầm đồ vẫn đang đi tìm lời giải khác cho bài toán lợi nhuận. Và cho vay tiêu dùng, theo cách thức gần như một công ty tài chính tiêu dùng là một trong những đáp số mà các doanh nghiệp lớn như F88 hay Vietmoney đang tính tới.
Với tập khách hàng chiếm 66% dân số Hàn Quốc và tổng tài sản lên tới 428,9 tỉ USD, Tập đoàn Tài chính KB đang là tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính hàng đầu Hàn Quốc.
PHÙNG ANH TUẤN
Việc kí kết với Tập đoàn tài chính Hàn Quốc sẽ mở thêm nhiều cơ hội hợp tác thành công cho cả hai bên.
Điều này sẽ giúp F88 thực hiện chiến lược trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính với nhiều dịch vụ đa dạng cho khách hàng.
Chủ tịch HĐQT kiêm CEO F88
Trong lễ kí kết với chuỗi cầm đồ F88, đại diện KB ông Nguyễn Đức Hoàn nói rằng, KB sẽ kết hợp với F88 mang đến các sản phẩm dịch vụ tài chính của KB tới khách hàng tại Việt Nam.
"Đồng thời KB Hàn Quốc cũng sẽ là đối tác tư vấn tài chính, thu xếp nguồn vốn cho F88 trong tương lai", ông Hoàn nói thêm.
Về phía mình, ông Phùng Anh Tuấn cho biết, việc bắt tay với KB Hàn Quốc sẽ giúp hệ thống cầm đồ này thực hiện chiến lược trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính với nhiều dịch vụ đa dạng cho khách hàng.
Hiện F88 cũng đang là đối tác của các tổ chức tài chính lớn ở Việt Nam như ví điện tử MoMo, Ngân hàng VPBank, Bảo hiểm PTI,...
Trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng là mục tiêu mà Vietmoney hướng tới. Vừa qua, chuỗi này đã gọi vốn thành công từ hai quĩ đầu tư Probus Opportunities và Digi Ventures.
Danh mục đầu tư ưa thích của Digi Ventures là các lĩnh vực như tài chính, hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ.
Trong khi quĩ Probus Opportunities đã có hơn 10 năm tham gia thị trường Việt Nam, với việc đầu tư vào những tập đoàn nổi tiếng như FPT, Digiworld,... Đặc biệt, Probus Opportunities còn đang là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad, thuộc top 3 nhà cho vay cầm cố lớn nhất ở Thái Lan.
Xa hơn nữa là tham vọng xây dựng nên một kênh tài chính tiện lợi và đảm bảo cho khách hàng trong phân khúc dưới chuẩn tại Việt Nam.
Trịnh Văn Phương - CEO và đồng sáng lập Vietmoney.
Do đó, cả Probus Opportunities và Digi Ventures đều có đầy đủ khả năng để hỗ trợ Vietmoney trên nhiều phương diện kinh nghiệm.
Hiện hai nhà đầu tư này đã nắm 30% vốn tại Vietmoney.
Ông Trịnh Văn Phương - CEO và đồng sáng lập Vietmoney cho biết sẽ sử dụng số tiền đầu tư để mở rộng mạng lưới lên 100 chi nhánh tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
"Xa hơn nữa là tham vọng xây dựng nên một kênh tài chính tiện lợi và đảm bảo cho khách hàng trong phân khúc dưới chuẩn tại Việt Nam", ông Phương nói.
Sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại
Thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam luôn là miếng bánh hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Bởi thế từ 2018 đến nay, nguồn vốn ngoại đã không ngừng đổ về các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit, Home Credit,... để thâu tóm, nắm giữ cổ phần trong những doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những công ty tài chính tiêu dùng hay ngân hàng thương mại, vốn ngoại cũng đã bắt đầu từ rất sớm tìm đến các doanh nghiệp cầm đồ - một hình thức cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ khác.
Chẳng hạn, Mekong Capital và Granite Oak đầu tư vốn vào F88, quĩ đầu tư John Galt Venture (Mỹ) đầu tư vào mô hình cầm đồ trực tuyến Camdonhanh.
Nhà đầu tư Thái Lan Srisawad Corporation năm 2017 cũng đã bước chân vào thị trường cầm đồ ở Việt Nam, mở tiệm cầm đồ với thương hiệu Sawad và đến nay đã có 59 chi nhánh trên toàn quốc.
ông Phạm Xuân Hoè
Ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 1,16 - 1,55 triệu tỉ đồng.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cho vay tiêu dùng ko chính thức ước tính chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 1,16 - 1,55 triệu tỉ đồng.
Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng tính đến cuối năm 2019 đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng, bằng 11,4% tổng dư nợ.
Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Do đó dư địa thị trường cho vay tiêu dùng sẽ còn khá lớn, khoảng 1,5 - 2 triệu tỉ đồng.
"Chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo", ông Hoè nói.
Mặt khác, những người sống ở khu vực nông thôn - 66% dân số tương đương 63 triệu người, hiện chưa thể tiếp cận toàn diện các dịch vụ tài chính tiêu dùng so với những người sống ở khu vực thành thị.
Điều đó có nghĩa là các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại chưa thể nào đáp ứng được nhu cầu vay tiêu dùng hiện tại. Và cơ hội để cung cấp tín dụng vi mô cho những đối tượng dưới chuẩn hiện vẫn đang rất rộng mở cho các chuỗi cửa hàng cầm đồ.