'Cuộc đấu của hai người đàn ông'
Các bình luận “lạc quan hơn đôi chút” xuất hiện sau khi đôi bên tung ra những đòn “triệt hạ” nhằm vào nhau: Trung Quốc thông báo chi tiết các khoản thuế mới đánh vào 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ hôm thứ Hai còn cuối tuần trước Mỹ có hành động tương tự với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ nói họ đã lên kế hoạch lấy ý kiến công chúng vào tháng sau về khả năng áp thuế tiếp lên tới 25% đối với thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Điện thoại di động, máy tính xách tay sẽ có trong danh sách áp thuế nhưng dược phẩm được loại ra, Reuters trích thông tin từ Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho hay.
“Theo như tôi biết, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo hôm qua nhưng không nói thêm chi tiết.Nhưng ông Cảnh “thòng” thêm một câu rằng Trung Quốc sẽ không chịu để bị bắt nạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ như một phần của chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, nói ông sẽ hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra cuối tháng 6 tới.
“Có lẽ sẽ có gì đó diễn ra”, ông Trump nói hôm thứ Hai. “Chúng tôi sẽ gặp nhau, tại thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản và sự kiện đó, theo tôi nghĩa, có lẽ là một cuộc gặp rất bổ ích”.
Cuộc đấu tay đôi
Về sự kiện có thể diễn ra này, một bài trên đài CNN nhận định rằng cuộc gặp “tay đôi” giữa hai lãnh đạo cao nhất của đôi bên sẽ đảm bảo rằng sự leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Thái Bình Dương sẽ kéo dài hơn mọi dự đoán.
“Mọi thứ đang diễn ra không còn chỉ là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, một quyền lực đang nổi lên và một thế lực từ lâu thống trị thế giới về kinh tế.Nay nó đã trở thành một cuộc thử thách ý chí giữa hai người đàn ông thuộc dạng quyền lực nhất thế giới, mỗi người đều có lợi ích chính trị rất có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, thay vì xóa bỏ nó nhanh chóng”, bài bình luận viết.
Cả hai người đều nhận thấy danh dự của quốc gia họ đang ở một thời khắc quyết định trong lịch sử quan hệ Mỹ -Trung, khi sự cạnh tranh đang nổi lên giữa đôi bên trở nên khốc liệt chưa từng thấy.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất là giới lãnh đạo Trung Quốc coi những yêu cầu của Mỹ là sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và họ có động cơ để duy trì sự toàn cầu hóa bởi Trung Quốc hưởng lợi từ việc này suốt 20 năm qua với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao.
Hơn nữa, những đòi hỏi của Mỹ còn liên quan đến các vấn đề về thể chế. “Nếu Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu về thay đổi cấu trúc kinh tế và cơ chế thực thi pháp luật, đó sẽ là một sự sỉ nhục đối với người Trung Quốc, khi tâm lý dân tộc chủ nghĩa đang nảy nở ở trong nước. Điều này đối với lãnh đạo Trung Quốc là không thể chấp nhận”, nhà bình luận chính trị Trần Đạo Ngân ở Thượng Hải nói với SCMP.
Trung Quốc không chấp nhận nhượng bộ trong khi ông Trump lại đang tin rằng ông đang giành chiến thắng.
“Chúng ta đang ở một vị trí tốt và tôi nghĩ chỉ có tốt lên nữa mà thôi”, ông nói hôm thứ Hai.
Một bài xã luận đăng trên Tân Hoa Xã và Nhân dân nhật báo nói, trong khi Mỹ đang chiến đấu với sự tham lam và ngạo mạn, Trung Quốc quyết chống trả để bảo vệ " quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình".
"Cuộc chiến thương mại với Mỹ là sáng tạo của một người và chính quyền của ông ta. Trong khi đó, toàn bộ người dân Trung Quốc đang bị đe dọa.Đối với chúng ta, đây thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân". (Lan Anh)