|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Khi hiệu ứng không như kỳ vọng (Phần 1)

07:53 | 22/01/2019
Chia sẻ
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây tổn thương cho các công ty trong khi việc Mỹ áp thuế lên các mặt hàng Trung Quốc không giúp giải quyết sự mất cân bằng thương mại.
cuoc chien thuong mai my trung khi hieu ung khong nhu ky vong phan 1
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Khi hiệu ứng không như kỳ vọng. Ảnh: TTXVN phát

Mỹ và hiệu ứng "Boomerang"

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra được hơn nửa năm, cán cân thương mại giữa hai nước ngày càng mất thăng bằng. Vì vấn đề thâm hụt thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiến hành chiến tranh thương mại tới cùng, nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, việc sử dụng biện pháp thuế quan để giảm thâm hụt thương mại dường như lại thất bại.

Số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/1 cho biết năm 2018, giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc đạt 478,4 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2017. Trong khi đó, giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đạt 155,1 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2017.

Như vậy, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ năm 2018 vào khoảng 323,3 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2017. Theo Reuters, đây là con số cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu này được ghi nhận năm 2006.

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại có quy mô lớn nhất và cường độ mạnh nhất trong lịch sử đối với Trung Quốc. Nếu tính từ thời điểm Mỹ chính thức áp thuế bổ sung vòng đầu tiên đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 6/7/2018, chiến tranh thương mại tới nay đã diễn ra được hơn nửa năm và tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế đã tăng lên 250 tỷ USD, tương đương khoảng 50% giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.

Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc không những không giảm, ngược lại còn tăng lên mức kỷ lục mới.

Một số nhà phân tích cho rằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng có thể giúp phe cứng rắn trong Chính phủ Mỹ có thêm lý do để tiếp tục chiến tranh thương mại nhằm “căn chỉnh hành vi thương mại bất bình đẳng” theo cách nhìn nhận của phía Mỹ.

Vấn đề là tình hình phát triển chưa chắc đã có lợi như dự liệu của phía Mỹ. Bởi thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng ở góc độ nào đó có thể được lý giải là biện pháp thuế quan mà Washington sử dụng để giảm thâm hụt thương mại về căn bản là một sai lầm về mặt quyết sách, cuối cùng không đạt được mục đích đề ra.

Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal) từng dẫn phân tích của một số nhà kinh tế cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất thăng bằng thương mại kỷ lục giữa Mỹ và Trung Quốc là do kinh tế Mỹ phát triển lành mạnh còn kinh tế Trung Quốc thì ảm đạm. Thực tế đó đã kích thích nhu cầu nhập khẩu của xã hội Mỹ, nhưng ngược lại đã kiềm chế nhu cầu ở Trung Quốc.

Giờ đây khi Mỹ phát động chiến tranh thuế quan đối với Trung Quốc và đe dọa sẽ hành động nhiều hơn nữa trong năm 2019 này, hệ quả sẽ khiến áp lực giảm tốc của kinh tế Trung Quốc gia tăng, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục mất giá, dẫn tới nhu cầu của Trung Quốc càng đi xuống và nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sẽ giảm thêm.

Bên cạnh đó, dù thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc trong năm 2018 lập kỷ lục mới, nhưng tình hình mất thăng bằng thương mại thực tế giữa hai nước không nghiêm trọng như nhận định của phía Mỹ. Một trong những nguyên nhân là giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại sự khác nhau về phương pháp thống kê.

Hai nước lý giải khác nhau về hoạt động thương mại trung chuyển qua Hong Kong và các khu vực khác. Hơn nữa, số liệu thống kê của hai nước không bao gồm thương mại dịch vụ. Bộ Thương mại Trung Quốc từng tuyên bố nếu thống kê cả thương mại dịch vụ, tình hình thương mại Mỹ-Trung sẽ thăng bằng hơn.

Tờ Economic Journal dẫn phân tích của một số nhà quan sát chỉ rõ việc chiến tranh thương mại diễn ra hơn nửa năm, nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc không giảm, ngược lại còn gia tăng sẽ khiến chính quyền Tổng thống Trump rơi vào tình trạng bối rối.

Bởi vì việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc tới nay không chỉ khiến kinh tế Mỹ chịu tổn thất, mà sau một thời gian vẫn không thể nào thực hiện được cam kết khi tranh cử là giảm thâm hụt thương mại. Nếu tiếp tục thông qua chiến tranh thuế quan để ứng phó với vấn đề thâm hụt thương mại, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sự nghi ngờ hơn.

Xem thêm

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.