|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cú thoát hiểm ngoạn mục của cô gái thừa kế thương hiệu đồ thêu tay nổi tiếng ở thủ đô

00:44 | 04/12/2019
Chia sẻ
Dồn hết vốn liếng và vay tiền ngân hàng cho việc xây dựng showroom hoành tráng ở thủ đô để trưng bày sản phẩm thủ công mĩ nghệ, cô chủ thương hiệu Tân Mỹ lao đao trong 2 năm vì vắng khách.

Ngay từ nhỏ Nguyễn Thùy Linh, giám đốc điều hành Công ty TNHH Thiết kế Thời trang Tân Mỹ, đã đắm chìm trong những đường kim, mũi chỉ và công việc mời chào, giới thiệu sản phẩm thêu cho khách hàng.

Cô gái sinh ra để làm nghề thêu tay

Bà ngoại của Linh sáng lập thương hiệu thêu Tân Mỹ từ năm 1969, rồi chuyển sang tay của mẹ Linh. Với phương châm kiên trì với chất lượng sản phẩm và uy tín, hoạt động kinh doanh của Tân Mỹ phát triển đều theo thời gian, bất chấp những biến động của thị trường. Từ một cửa hàng nhỏ trong ngõ, gia đình cô đã có đủ tiền để đưa sản phẩm ra mặt phố Hàng Gai sầm uất.

"Cửa hàng khang trang, lại ở vị trí đắc địa nên đón hàng trăm lượt du khách mỗi tháng. Phần lớn họ là người nước ngoài và đến cửa hàng để tham quan, mua sản phẩm", Linh kể.

Ganh hang hoa

Bức tranh thêu mang tên "Gánh hàng hoa" của thương hiệu Tân Mỹ. Ảnh: Tân Mỹ

Càng tư vấn cho khách, Linh càng hiểu giá trị của nghề thêu thủ công của người Việt. Cô cũng cảm nhận sâu sắc sứ mệnh tiếp nối truyền thống của nghề thêu thủ công và cơ nghiệp của gia đình.

Tai họa bất ngờ ập xuống vào năm 2003, khi dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát ở Hà Nội, khiến lượng du khách tới thủ đô giảm mạnh. Không khí phố cổ vô cùng ảm đạm, còn cửa hàng của Tân Mỹ hầu như không có khách.

Nhờ tâm và tài của bà ngoại cũng như mẹ Linh, cửa hàng vẫn vượt qua vận hạn đó. Song nó giúp Linh nhận ra điểm yếu chí mạng trong mô hình kinh doanh của gia đình là quá phụ thuộc vào du khách nước ngoài. Vì thế, cô muốn chinh phục cả thị trường trong nước.

Hành trình mở rộng danh mục sản phẩm

Nghiêm túc tìm hiểu, Linh nhận thấy, ngoài sản phẩm thêu, Việt Nam còn có nhiều mặt hàng thủ công mĩ nghệ có giá trị cao như đồ trang sức, tranh sơn mài. Nếu kết hợp chúng với đồ thêu truyền thống, cô tin tưởng cửa hàng sẽ có cơ hội mở rộng tập khách hàng trong nước lẫn du khách từ nước ngoài.

Tan My 2

Nữ doanh nhân Nguyễn Thùy Linh (ngoài cùng bên phải) cùng bà, mẹ và con gái. Ảnh: Tân Mỹ Design

Khi bà và mẹ đồng ý với kế hoạch mở rộng sản phẩm, Linh thành lập thương hiệu Tân Mỹ Design để phân phối các sản phẩm thủ công mĩ nghệ. Tiêu chí đối với sản phẩm mà Linh đưa ra là chất lượng cao, tinh xảo, đa dạng.

Gia đình cô dồn toàn bộ vốn liếng mà họ tích cóp, cộng với khoản vay ngân hàng để xây dựng một không gian trưng bày sản phẩm có diện tích tới 1.000 m2 ở mặt phố Hàng Gai.

Xây xong cửa hàng lớn, Linh lặn lội tới các làng nghề để thiết lập quan hệ hợp tác, dạy nghề cho người lao động, tuyển chọn sản phẩm, xây dựng hệ thống đồng bộ.

"Tôi hào hứng bước vào cuộc chơi lớn hơn hẳn mô hình kinh doanh truyền thống của gia đình. Ngoài mục đích kinh doanh, tôi còn muốn biến Tân Mỹ Design trở thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật, nơi khách tham quan từ mọi nơi trên thế giới có thể chiêm ngưỡng tài hoa của các nghệ nhân Việt", Linh tâm sự.

Tình trạng kinh doanh bết bát

2 năm tiếp theo, hoạt động kinh doanh của Tân Mỹ Design không khởi sắc vì thương hiệu quá mới. Du khách nước ngoài chỉ biết tới thương hiệu đồ thêu Tân Mỹ, chứ không biết thương hiệu mới. Số lượng khách hàng trong nước cũng không tăng, trong khi số lượng hàng tồn kho tăng dần và cũ dần theo thời gian.

"Chi phí hoạt động cùng lương nhân viên hàng tháng tiếp tục khoét sâu vào vốn. Nếu tình hình không cải thiện, có lẽ tôi sẽ hủy hoại sự nghiệp của gia đình. Hàng trăm đối tác và nghệ nhân sẽ ra sao nếu tôi buộc phải ngừng kinh doanh?", Linh thừa nhận.

Đúng lúc ấy, một người đề nghị thuê cửa hàng Tân Mỹ Design với giá rất cao. Với mức giá ấy, Linh có thể tận hưởng cuộc sống sung túc, nhàn hạ mà vẫn giữ được thương hiệu thêu truyền thống của gia đình. Liệu đây có phải là giải pháp để Linh thoát khỏi tình trạng bế tắc?

lo hoa son mai

Lọ sơn mài vẽ đầm sen của Tân Mỹ Design. Ảnh: Tân Mỹ Design

Quyết định từ chối cho thuê cửa hàng, Linh quyết tâm tìm hướng đi mới cho hoạt động kinh doanh. Là người có chuyên môn về tiếp thị, cô tận dụng tối đa kiến thức vào hoạt động kinh doanh.

"Không thụ động ngồi chờ khách hàng đến, tôi chủ động hợp tác với một số báo, tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước, như tạp chí Heritage, để quảng bá sản phẩm", Linh tiết lộ.

Mặt khác, Tân Mỹ Design đẩy mạnh giao lưu với các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu mua đồ thủ công mĩ nghệ tinh xảo, cao cấp để làm quà tặng, quà biếu. Với những khách hàng đã biết đồ thêu Tân Mỹ, Linh và nhân viên kiên trì thuyết phục họ trải nghiệm những sản phẩm thủ công mĩ nghệ khác.

Cú lội ngược dòng

Sau hàng loạt nỗ lực, những chuyển biến tích cực đã xảy ra. Số lượng khách hàng tăng dần. Điểm khiến Linh vui là tỉ lệ khách hàng trong nước tăng từ 5% lên 30%.

Nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan ngoại giao, tổ chức đã tìm tới Tân Mỹ Design để đặt những đơn hàng lớn. Thậm chí nhiều nguyên thủ quốc gia từng tới cửa hàng để tham quan.

Theo thời gian, địa chỉ 61 Hàng Gai trở thành điểm đến văn hóa nổi tiếng đối với người nước ngoài tới Hà Nội. Báo The New York Times từng khẳng định đây là một trong 11 địa điểm du khách không nên bỏ qua khi tới Hà Nội.

Tan My 1

Nguyễn Thùy Linh nhận chứng chỉ "Cơ sở phục vụ khách du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao" vào năm 2017. Ảnh: Tân Mỹ Design

"Với không gian rộng rãi, bài trí sáng tạo, chúng tôi có thể phục vụ khách hàng trên 3 tầng trong cửa hàng. Họ có thể xem và mua các đồ thuê cùng những đồ thủ công mĩ nghệ tinh xảo. Chúng tôi cũng triển khai dịch vụ ăn, uống trong cửa hàng để tăng mức độ tiện lợi cho khách hàng", Linh nói.

Năm 2017, Tân Mỹ Design nhận chứng chỉ "Cơ sở phục vụ khách du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao". Danh hiệu ấy là nguồn cổ vũ to lớn đối với Linh. Ngày 26/11, thương hiệu Tân Mỹ tròn 50 tuổi, còn Tân Mỹ Design bước sang tuổi thứ 10.

"Niềm vui lớn nhất của tôi là nghe những lời khen ngợi của khách hàng về sự tinh tế, cầu kì trong từng sản phẩm của Tân Mỹ Design. Họ nói mỗi sản phẩm của chúng tôi là một tác phẩm nghệ thuật. Đó là động lực để tôi vững bước trên hành trình kế nghiệp", Linh bình luận.

Nhạc Phong