|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cú nhấp chuột đến... bó rau, hũ mắm quê

20:14 | 20/02/2018
Chia sẻ
Nhiều năm trước đây, chắc hẳn ít ai nghĩ tới một ngày, chỉ cần ngồi ở nhà, ở chỗ làm việc, với vài cú click chuột và không phải đợi lâu, có người mang đến tận nơi những món quà quê xa xôi, như bó rau, bánh tráng xoài, mực rim me Nha Trang, sấu bao tử, ô mai gừng Hà Nội hay nem chua, giò me Thanh Hóa…

Mạng xã hội ra đời, nhiều người – đăc biệt là giới trẻ – bắt đầu làm quen với cách giao tiếp không cần chạm mặt nhau, và rồi trên không gian vừa thực vừa ảo này, hình thức tiếp thị, bán hàng qua mạng đã xuất hiện, góp vào một kênh mua bán mới lạ, chỉ cú nhấp chuột là có thể chạm tay đến nhiều thứ, thậm chí bé mọn như bó rau hay hủ mắm ở quê nhà.

cu nhap chuot den bo rau hu mam que
Với vài cú click chuột và không phải đợi lâu, có người mang đến tận nơi những món quà quê xa xôi. Ảnh: Thành Hoa

Mô hình ấy nhắm vào việc đáp ứng nhu cầu đơn giản, tiện lợi trong đời sống tiêu dùng, được vận hành phần nhiều bởi những người “tay ngang” – vốn chẳng phải là những nhà kinh doanh bài bản ngay từ đầu.

Ấy là những bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp, những bà nội trợ, những nhân viên văn phòng muốn tranh thủ chút thời gian kiếm thêm thu nhập… Phần đông trong số họ thường kinh doanh thực phẩm và chủ yếu là thực phẩm được mang từ quê miền Tây lên, lấy từ quê miền Trung, miền Bắc vào.

Những mặt hàng thực phẩm dường như luôn được nghĩ tới đầu tiên khi những “tay ngang” đó có ý định bán hàng trên mạng xã hội. Có lẽ, vì thực phẩm là sản phẩm không thể thiếu trong tiêu dùng hàng ngày ở mỗi gia đình.

Và có phải chăng, do Sài Gòn là mảnh đất của dân nhập cư, các tỉnh thành khác chắc rằng đều “gửi” người dân của mình ở mảnh đất bao dung, hào hiệp này nên người tha phương ở Sài Gòn nhiều, nhiều lắm. Mà trong nỗi nhớ của những người tha hương có lẽ thường gắn vào đó là những sản vật quê nhà, nhớ bó rau trong vườn, nhớ con cá biển còn lóng lánh tươi ngon... Vì nhớ nên tìm mua.

Và người xa quê, muốn bán thực phẩm thì bán gì? Chẳng ai rao bán bó rau, miếng thịt… mua lại từ trong siêu thị, cũng ít ai giới thiệu bán con gà, miếng thịt heo mang những thương hiệu phổ biến. Họ bán những thực phẩm từ quê! Là con gà chạy bộ chăn thả ở sườn đồi; là con heo chỉ cho ăn cơm thừa, canh cặn, không sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào; là bó rau lang, rau muống, đọt rau sam chỉ tưới bằng nước giếng, thậm chí cằn khô do lớn lên tự nhiên; là trái sầu riêng chín cây, tự rụng buổi đêm trước sân nhà; là trái ổi sần sùi, vỏ rám đen được hái xuống từ những cây ổi có tuổi đời cả chục năm…

Người xa quê có gì mà bán! Bán thực phẩm từ quê! Người xa quê mua gì? Mua thực phẩm quê! Mua để ăn – ăn thật và cũng là “ăn” mùi vị, hương quê, ăn để vơi bớt nỗi nhớ thương!

Những thực phẩm quê ấy, tự bản thân nó, phần nào là bảo chứng rằng ngon, sạch, an toàn. Mà trong cơn lốc xoáy của thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn như hiện nay, những bảo chứng ấy chừng như có giá trị vô cùng. Người ta từ quê đi ra, người ta tin đồ quê, người ta thèm đồ quê “nhà trồng, nhà nuôi”, thế nên thấy bạn bè rao bán, thấy người quen giới thiệu thì háo hức, tin tưởng đặt mua.

Kinh doanh thực phẩm trên mạng là vậy! Là kinh doanh mà thực ra cũng không hẳn là kinh doanh. Trao nhận niềm tin, trao nhận và chia sẻ những tâm tư tình cảm; những nỗi nhớ niềm thương ẩn sâu trong trái tim những người tha hương, phiêu bạt.

Nói thế, không có nghĩa kinh doanh trên mạng nói chung hay kinh doanh thực phẩm nói riêng chỉ cần có thế. Nó – kinh doanh trong thế giới ảo nhưng vẫn rất thực – đôi khi đến khốc liệt - cũng không khác gì kinh doanh ngoài chợ, trong hệ thống siêu thị, nơi cửa hàng tiện lợi.

Có thể hiểu rằng những đặc sản ở quê, những thứ “nhà trồng, nhà nuôi” ấy mới chỉ là giá trị bảo chứng ban đầu, nó còn sẽ cần người bán cung cấp sản phẩm chất lượng thực sự, nó cần uy tín của người bán; cần cái tâm của người bán gửi gắm vào mỗi sản phẩm rao bán; niềm tin của người mua đối với người bán…

Mua hàng trên mạng xã hội, nếu sản phẩm kém chất lượng, gặp người dễ tính họ có thể sẽ chỉ “inbox” và complain (phàn nàn) riêng với người bán để người bán rút kinh nghiệm. Nhưng cũng có người có thể sẽ viết một status (dòng trạng thái) dài dằng dặc trên chính trang cá nhân của họ để chê, thậm chí sẽ post thêm vào những group (nhóm, hội) mà họ tham gia.

Đó là chưa kể ngoài chất lượng sản phẩm, thái độ phục vụ, thái độ tiếp nhận phản ánh của người bán cũng sẽ được người mua viết chi tiết. Mà đôi khi, thái độ này còn khiến người mua viết nhiều hơn, chi tiết hơn cả chất lượng sản phẩm. Với tốc độ comment (bình luận) và share (chia sẻ) còn hơn vũ bão của mạng xã hội, có khi chỉ sau một đêm, bao công gầy dựng uy tín của người bán sẽ tan theo mây khói.

Đó, kinh doanh trên mạng xã hội là vậy! Tưởng dễ dàng, “ngon ăn”, mà thực ra không phải. Ảo mà thực! Tưởng ảo nhưng thực, rất thực, và tác động có khi lớn hơn thực! Đôi khi, có cảm nhận, nó cần nhiều kỹ năng hơn, phương pháp hơn, so với kinh doanh ngoài đời thật nữa.

Người bán có chuyên nghiệp không? Thực ra khởi nguồn của họ là tay ngang, không có kiến thức về kinh doanh cũng như nghệ thuật. Nhưng bước vào rồi, họ phải tự trau dồi, tự nâng cấp kiến thức bản thân. Bởi, để có thể lôi kéo người tiêu dùng, để có lượng khách mua hàng thường xuyên họ phải tự trang bị rất nhiều thứ, ngoài cái tâm của người bán. Và người bán hàng giỏi sẽ là người tự trở thành chuyên nghiệp, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm.

Vũ Yến