Nút like ảo, doanh thu thật
Trong họp báo diễn ra cuối tuần trước, bà Mai Cẩm Linh, Giám đốc Kinh doanh YouNet Media, đã lấy hai ví dụ về cách các nhãn hàng trẻ tiếp cận đối tượng khách hàng GenZ thông qua nền tảng truyền thông xã hội.
Đầu tiên là Calem.club - đây là câu chuyện thành công của một nhãn hàng thời trang dành cho giới trẻ trong việc họ sử dụng nhuần nhuyễn Shoppertainment (mua sắm giải trí). Với thương hiệu này, Shoppertainment không chỉ là livestream chốt đơn mà nó xuất hiện trong suốt hành trình từ lúc người dùng biết tới thương hiệu tới khi chốt đơn.
Hành trình khách hàng của Calem.club thông qua ba bước cơ bản. Ở bước đầu tiên, sau khi tạo được nhận diện, Calem.club tận dụng thuật toán của TikTok để tiếp cận người dùng GenZ một cách tự nhiên.
Dữ liệu từ YouNet Media cho thấy trong một tháng từ giữa tháng 10 tới tháng 11, kênh này đăng tải 25 video trên TikTok, trung bình mỗi ngày có video mới. Mỗi video thu hút tới trung bình gần 140.000 lượt xem. Các video không chỉ xoay quanh sản phẩm Calem.club mà họ còn khéo léo lồng vào những xu hướng GenZ đang quan tâm như âm nhạc, sự kiện nóng,… Chất lượng hình ảnh của những video này rất chỉn chu, hợp thời và hợp nhãn với GenZ.
Sau khi họ thu hút được lượng xem và người theo dõi, tạo được độ nhận diện, sẽ đến bước thuyết phục GenZ mua hàng. Nhãn hàng thuyết phục bằng cách hợp tác với các Micro Influencer để giới thiệu sản phẩm.
Có nghĩa là các bạn trẻ lướt TikTok hàng ngày và nhìn thấy các Micro Influencer giới thiệu tôi đang mặc bộ này, bộ kia. Những cái tên như Ngọc Kem…, có thể không quen thuộc với người dùng lớn tuổi, nhưng những người này lại có những lượt xem lên tới hàng triệu từ GenZ trên TikTok.
Những hoạt động này giúp người xem hình dung được sản phẩm trong thực tế và kết nối được cá tính của các thương hiệu.
Điểm đến cuối cùng, sau khi có những video giới thiệu xong sẽ đến câu chuyện chốt đơn bán hàng. Calem.club nổi tiếng trong giới thời trang, local brand trong các chương trình livestream bán hàng độc quyền.
Nếu vào các hội nhóm thời trang trên Facebook, có thể thấy GenZ thường tìm săn các món hàng phiên bản giới hạn rất sôi nổi. Yếu tố này giúp mỗi buổi livestream của Calem.club thu hút lượng lớn người xem, quan tâm và chốt đơn.
Calem.club làm rất bài bản, thu hút lượng lớn người xem, vậy kết quả ra sao? Theo dữ liệu từ YouNet ECI, trong 6 tháng đầu năm, Calem.club lọt top 15 hãng thời trang bán chạy nhất TikTok với GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hoá) 30 tỷ đồng, tức 5 tỷ đồng/tháng chỉ trên TikTok Shop.
Một câu chuyện khác là Cocoon - nhãn hàng trẻ, nhắm vào tệp khách hàng GenZ. Nhãn hàng này đã hợp tác với các Influencer (người có tầm ảnh hưởng) trong ngách, phù hợp với những đối tượng khách hàng cụ thể, đặc biệt trong các lĩnh vực thời trang, làm đẹp để tạo nội dung chân thực như mở hộp.
Cocoon là nhãn hàng sản xuất các sản phẩm làm đẹp tự nhiên có nguồn gốc bản địa như hoa hồng Cao Bằng, cà phê Đắk Lắk, bí đao,… Những yếu tố tự nhiên mang tính bản địa là một trong những quan tâm hàng đầu của GenZ.
GenZ thích những câu chuyện bền vững, thích những sản phẩm mang tính tự nhiên và đặc biệt là tại Việt Nam. Thương hiệu này ưu tiên hợp tác với Micro KOL trong các ngách nhỏ, đó là những người GenZ tin tưởng - sở hữu cộng đồng chân thực. Có thể họ không phải quá nổi tiếng ai cũng biết nhưng những người này có cá tính riêng, có đời sống phong cách riêng, quan điểm riêng.
Việc lựa chọn KOL theo định hướng giá trị và tương đồng lối sống giúp Cocoon nổi bật trong lòng GenZ và tạo được sự khác biệt trên thị trường cạnh tranh khốc liệt. Có thể thấy lượng sản phẩm bán ra rất lớn qua các đợt bán hàng của Cocoon.
Đây là hai ví dụ cho thấy các thương hiệu đã áp dụng nhuần nhuyễn Shoppertainment và Micro Influencer trong các hoạt động marketing và bán hàng của họ.