|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mùa đông kiếm tiền của K-pop

12:19 | 18/11/2024
Chia sẻ
Các nhà phân tích dự báo phải sang năm 2025, lợi nhuận của các công ty giải trí Hàn Quốc mới được cải thiện.

Các công ty K-pop tiếp tục gặp khó khăn trong quý III năm nay, khi 3 trong số 4 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc báo cáo kết quả tài chính kém hơn so với cùng kỳ năm trước, theo CNBC.

Ngành K-pop đang chững lại do doanh số bán album giảm và sự vắng bóng của các nhóm nhạc đình đám như BTS và Blackpink. BTS hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong khi Blackpink chỉ lên kế hoạch tái hợp vào năm 2025. Doanh thu từ phát trực tuyến, dù tăng trong nửa đầu năm, vẫn không đủ để bù đắp khoản lỗ từ doanh số album.

Cổ phiếu của SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment, niêm yết trên sàn Kosdaq, đã giảm lần lượt 16%, 43% và 10,41% từ đầu năm đến nay. Hybe, công ty niêm yết trên sàn Kospi, cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 11% trong cùng kỳ.

Nhóm nhạcBlackpink quảng cáo cho xe KIA. (Ảnh: KIA).

Hybe - công ty K-pop có vốn hóa thị trường lớn nhất. Hybe không giải thích chi tiết về nguyên nhân lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 6/11, nhà phân tích Hwan-wook Lee từ Yuanta Securities cho biết doanh thu của công ty giảm do số lượng nghệ sĩ và hoạt động bị hạn chế trong thời gian diễn ra Thế vận hội 2024. Lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí ra mắt KATSEYE, một nhóm nhạc mới tại Mỹ.

Giám đốc tài chính Jang Jeong Min của SM Entertainment cho biết doanh thu giảm do doanh số bán album thấp. Lợi nhuận hoạt động của SM Entertainment cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất một chương trình ra mắt nghệ sĩ và kết quả kinh doanh yếu từ các công ty con.

Trong khi theo báo cáo ngày 11/11 của các nhà phân tích Minha Choi và Yeonghoon Kang từ Samsung Securities, khoản lỗ hoạt động của YG Entertainment không bất ngờ vì các nghệ sĩ của công ty ít hoạt động. Trong quý III, chỉ có nhóm tân binh Babymonster và nghệ sĩ solo Lee Seunghoon phát hành sản phẩm mới.

JYP Entertainment là điểm sáng duy nhất của ngành khi ghi nhận sự “phục hồi lợi nhuận ấn tượng” và mang lại “kết quả bất ngờ,” theo báo cáo ngày 14/11 của NH Securities. Thành công này đến từ các hoạt động mạnh mẽ của nhóm nhạc nam Stray Kids, nhóm đã bắt đầu chuyến lưu diễn toàn cầu vào nửa cuối năm 2024.

Theo Citi Research, dù năm 2024 chứng kiến cổ phiếu giảm giá và kết quả tài chính không khả quan, các nhà đầu tư K-pop vẫn có thể kỳ vọng vào năm 2025.

Các nhà phân tích John Yu và Alicia Yap từ Citi cho biết họ có cái nhìn tích cực hơn về ngành này khi dự báo doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Citi dự đoán tổng doanh thu của 4 công ty K-pop lớn nhất sẽ tăng hơn 21% vào năm 2025 và gần 15% vào năm 2026 so với năm trước.

Sự trở lại của các nhóm nhạc đình đám như BTS và Blackpink, cùng việc tối ưu hóa doanh thu từ các nền tảng dành cho người hâm mộ, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Chẳng hạn, DearU, công ty con của SM mà JYP sở hữu 18,1% cổ phần, đã hợp tác với Tencent Music để cung cấp dịch vụ nhắn tin trực tiếp trên nền tảng QQ Music của Trung Quốc. DearU nổi tiếng với dịch vụ Bubble, nơi người hâm mộ trả phí hàng tháng để nhận tin nhắn độc quyền từ nghệ sĩ.

Weverse, nền tảng của Hybe chuyên cung cấp nội dung nghệ sĩ, cũng sẽ ra mắt mô hình đăng ký thành viên mới vào tháng 12.

 

Nhà phân tích tại Citi cho rằng sự trở lại của các nhóm nhạc hàng đầu không chỉ giúp tăng doanh thu từ album và các buổi hòa nhạc, mà còn cải thiện lợi nhuận đầu tư (ROI) trên nhiều lĩnh vực. 

Nền tảng dành cho người hâm mộ sẽ thu hút thêm lượng truy cập, và các nghệ sĩ trẻ có cơ hội trình diễn mở màn trong các buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ lớn.

Bên cạnh đó, đồng yên Nhật yếu được dự báo sẽ có lợi cho JYP, nhờ tỷ trọng doanh thu lớn tại Nhật Bản.

Báo cáo của Citi lạc quan nhất về Hybe và SM, nhưng ưu tiên Hybe nhờ danh mục tài sản trí tuệ (IP) cân bằng hơn, trong khi SM phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tại Trung Quốc do quốc tịch của các nghệ sĩ. 

Đối với YG, Citi coi đây là một cổ phiếu có biến động cao, với khả năng tăng mạnh nhờ sự trở lại của Blackpink. Tuy nhiên, Citi có cái nhìn thận trọng hơn với JYP, cho rằng công ty này sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng dài hạn khi các nghệ sĩ mới chưa đạt được thành công lớn.

Citi không phải là công ty duy nhất có đánh giá tích cực. Goldman Sachs, trong báo cáo tháng 3, cho rằng ngành K-pop đang bị “hiểu nhầm.” Họ nhận định K-pop nên được đánh giá dựa trên lượng khán giả tại các buổi hòa nhạc trực tiếp thay vì doanh số album và dự đoán ngành này có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Goldman nhận thấy cơ hội lớn để K-pop mở rộng lượng người hâm mộ tại Nhật Bản và toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ. K-pop đang dần trở thành xu hướng chính thống với sự góp mặt tại các lễ hội lớn như Coachella và Lollapalooza, mở ra “một lộ trình tăng trưởng dài hạn.”

Morgan Stanley cũng cho rằng K-pop đang ở “ngưỡng mở rộng cộng đồng fan toàn cầu”. Sau hơn 20 năm xây dựng lượng người hâm mộ trung thành tại châu Á, làn sóng nhạc Hàn Quốc đang chuẩn bị bùng nổ trên thị trường quốc tế, mang lại nhiều cơ hội đầu tư.

Đức Huy