Phí giao hàng trong nước đắt hơn mua từ nước ngoài, vì sao?
Ngành logistics và giao thông ở Việt Nam đang được cải thiện nhờ vào công nghệ robot. Các nhà sản xuất đang mở rộng chuỗi cung ứng, trong khi thương mại điện tử, đặc biệt là Shopee và Shein, phát triển mạnh mẽ, theo Nikkei.
Viettel Post mới đây giới thiệu drone giao hàng và robot phân loại. Công nghệ này giúp tăng năng suất xử lý lên 40%. Công ty cũng có kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phù hợp với mục tiêu cải thiện chung của Chính phủ. Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia có ngành logistics kém nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, các dự án hạ tầng có thể thúc đẩy vận tải. Các tuyến đường sắt mới nối với Trung Quốc và cao tốc Bắc Nam đang được triển khai. Hiện tại, chi phí vận chuyển hàng hóa trong nước thường cao hơn so với vận chuyển từ Việt Nam sang Singapore.
Theo Viettel, ngành logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chi phí logistics chiếm hơn 20% GDP. Quy trình phân loại chủ yếu vẫn là thủ công hoặc bán tự động. Mức độ tự động hóa chỉ đạt 10%.
Các thương hiệu như Temu và Shein gần đây bị chỉ trích vì hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Dù vậy, các nền tảng này là một phần của sự bùng nổ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam. Livestream bán hàng phát triển mạnh, dẫn đến sự hình thành các dịch vụ liên quan ở hai bên biên giới. Doanh thu trực tuyến tăng 18% từ năm 2023 đến 2024, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain.
Ông Majo George, Giảng viên tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng hệ thống đường sắt cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Việt Nam mới bắt đầu nghiên cứu dự án này, chậm hơn Campuchia và Lào.
Theo ông, nếu triển khai, hệ thống này sẽ cho phép giao hàng trong ngày. Điều này giúp giảm phụ thuộc vào vận tải đường bộ chậm chạp và tối ưu chuỗi cung ứng.
Trong 6 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trên Indonesia về chỉ số hiệu suất logistics, theo Ngân hàng Thế giới.
Viettel cho biết họ đang đầu tư vào logistics xuyên biên giới tại Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Đồng thời, công ty cũng tập trung xây dựng các kho hàng tự động. Tháng trước, Viettel đã giới thiệu drone giao hàng đến các khu vực khó tiếp cận. Họ cũng giới thiệu nhiều loại robot có khả năng chọn, nâng, di chuyển và phân loại hàng hóa.
Theo ông John Campbell, Giám đốc dịch vụ công nghiệp của Savills, các kho lưu trữ đang hưởng lợi từ nhu cầu logistics ngày càng tăng. Nhiều nhà máy đã chuyển đến Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm như tai nghe cho Meta (công ty mẹ của Facebook) và ống kính máy ảnh cho Tamron (Nhật Bản).
Ông Campbell nhận định, các yếu tố như đầu tư nước ngoài, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, sự cởi mở trong thương mại và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là chìa khóa cho sự phát triển lâu dài của lĩnh vực kho bãi tại Việt Nam.
Chính phủ cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành logistics. Năm 2022, Việt Nam đã thông qua một nghị quyết đặc biệt dành cho lĩnh vực này. Nghị quyết cam kết phát triển vận tải đa phương thức và áp dụng các giải pháp số hóa, xanh hóa cho ngành logistics.