|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cú hích từ dòng vốn ngoại, VN-Index có thể chạm 1.120 điểm năm 2020?

15:09 | 31/12/2019
Chia sẻ
Theo Chứng khoán Rồng Việt, mức tăng điểm của VN-Index trong 2020 sẽ theo sát các yếu tố cơ bản hơn thay vì sự thổi phồng về giá cổ phiếu.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS), bước sang năm 2020, những kì vọng, khó khăn và rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không khác biệt nhiều so với năm 2019, như kì vọng về tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hay khả năng thăng hạng của thị trường.

Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng mức tăng điểm của VN-Index trong 2020 sẽ theo sát các yếu tố cơ bản hơn, thay vì sự thổi phồng về giá. Do vậy, VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 950 – 1.120 điểm.

Tín hiệu tích cực từ dòng tiền ngoại

Trong năm 2019, khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng trên TTCK Việt Nam, con số này giảm mạnh so với mức trên 16.000 tỉ đồng trong năm 2018. Tính riêng 4 tháng cuối năm nay, khối ngoại mua ròng gần 3.000 tỉ đồng.

Cú hích từ dòng vốn ngoại, VN-Index có thể đạt mốc 1.120 điểm năm 2020? - Ảnh 1.

Chứng khoán Rồng Việt kì vọng, năm 2020 hoạt động của khối ngoại trên sàn sẽ tích cực hơn do các quĩ ETFs chủ chốt tiếp tục thu hút dòng vốn từ Thái Lan và Hàn Quốc, đặc biệt sau những tín hiệu khởi sắc từ quan hệ Mỹ - Trung.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, Kuwait gần như chắc chắn sẽ được nâng hạng trong tháng 5/2020. Theo tính toán của MSCI, sau khi thị trường Kuwait chuyển sang rổ MSCI Emerging Market Index, tỉ trọng của TTCK Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Market 100 có thể tăng lên ngưỡng 30%, so với chỉ khoảng 12,3% hiện nay.

Khi đó, quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF có thể mua vào gần 2.000 tỉ đồng. Không những thế, tỉ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI cận biên cũng sẽ được nâng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa sôi động trở lại cũng có thể thu hút thêm tiền từ nhà đầu tư nước ngoài, cùng với kì vọng về các quĩ ETFs mới, dành cho cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại, sẽ được kí duyệt vào đầu năm sau. 

Tháng 11 vừa qua, các bộ chỉ số mới như VNDiamond, VNFin Select và VNFin Lead đã được ban hành, kì vọng các ETFs mô phỏng các bộ chỉ số này sẽ được kí duyệt vào đầu năm sau.

Mới đây, Công ty Quản lý quỹ SSIAM đã chính thức ra mắt quĩ ETF SSIAM VNFin Lead, dự kiến thực hiện IPO từ 24/12/2019 đến ngày 15/01/2020. Theo kế hoạch, qui mô của quĩ có thể đạt 25 - 30 triệu USD, tương đương khoảng 600 tỉ đồng.

Luật chứng khoán mới sẽ chưa ảnh hưởng tới thị trường trong năm 2020

Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật chứng khoán sửa đổi. Một điểm đáng lưu ý, sàn HOSE sẽ được định hướng phát triển thị trường cổ phiếu, trong khi trái phiếu và sản phẩm phái sinh được vận hành trên HNX. Sau đó, hai sàn sẽ tiến tới hợp nhất thành Sở giao dịch Chứng Khoán Việt Nam trong tương lai.

Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, Luật mới chưa ảnh hưởng tới thị trường trong năm 2020, thay vào đó sẽ tác động tích cực trong dài hạn với việc tăng nguồn cung cho thị trường khi tất cả cổ phiếu sẽ được niêm yết tại một sàn duy nhất và giải quyết vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài.

Cùng với đó, định hướng mở cửa thị trường khi tiến tới cổ phần hóa cả Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam được kì vọng cải thiện chất lượng và tính minh bạch của thị trường.

Khó nâng hạng thị trường chứng khoán trước năm 2022

Ngày 26/6, Morgan Stanley Capital International (MSCI) công bố kết quả phân loại thị trường định kì dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới. Theo đó, Việt Nam tiếp tục không lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI. 

Trước đó, báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường của MSCI vào 6/6 nhận định thị trường Việt Nam có nhiều điểm tích cực nhưng các điểm đánh giá vẫn được giữ nguyên như như kỳ trước.

Đến tháng 9, FTSE Russell cũng quyết định tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi để có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi. Kết quả này không thay đổi so với thời điểm một năm về trước.

Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiêu chí quan trọng cần được cải thiện để được MSCI xem xét nâng hạng như giới hạn sở hữu nước ngoài, các vấn đề như thanh toán bù trừ, rào cản ngôn ngữ bằng tiếng Anh hay áp dụng tiêu chuẩn kế toán quốc tế cũng quan trọng không kém.

Mặc dù Luật chứng khoán mới có thể giải quyết được nhiều hạn chế hiện tại của Việt Nam, Luật cũng cần một thời gian để vận hành và MSCI cũng cần thời gian để đánh giá lại. Do đó, thị trường Việt Nam khó có thể được MSCI nâng hạng trước năm 2022.

Cùng quan điểm, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - Mã: BSI) cũng cho rằng những thay đổi của TTCK Việt Nam chỉ đến sau khi Luật chứng khoán sửa đổi được thông qua.

Trong báo cáo đánh giá thị trường công bố vào tháng 8/2019, Chứng khoán BSC cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2019 đã có sự thay đổi về qui mô vốn hóa do một số công ty chuyển giao dịch trên UPCoM sang sàn HOSE. Dù vậy, chưa có chuyển biến chính sách để đáp ứng tiêu chí của FTSE Russell.

Đến thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam chỉ đang bị vướng tiêu chí thanh toán bù trừ do cơ quan chức năng yêu cầu nhà đầu tư cần có tiền mặt ngay khi đặt lệnh mua cổ phiếu, tuy nhiên tiêu chí này nhiều khả năng khó được đáp ứng trong thời gian tới.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết sẽ không nâng hạng bằng mọi giá và Việt Nam sẽ không thay đổi một số nguyên tắc bao gồm yêu cầu nhà đầu tư có tiền ngay khi giao dịch.

"NĐT nước ngoài thắc mắc tại sao giao dịch tại Việt Nam phải đảm bảo 100% tiền vào chứng khoán. Người ta muốn bỏ qui định đó, giả sử ngày T+2 nộp tiền vào là được. Đó là những yêu cầu. Tôi đã làm việc với họ và có một số nguyên tắc chúng ta không bỏ được", đại diện UBCKNN chia sẻ thêm.

Nói về kế hoạch tương lai trong chặng đường nâng hạng lên thị trường mới nổi, ông Phạm Hồng Sơn cho hay: "Chúng tôi vẫn đang cố. Hàng năm, đến kì 6 tháng, người ta đều có xem xét lại thì chúng tôi sẽ có những kiến nghị. Sắp tới World Banksẽ giúp chúng ta một đề án về vấn đề nâng hạng".

Đan Nguyên