Container tồn chạm đỉnh, Cảng Cát Lái hoạt động ra sao 6 tháng đầu năm?
Cảng Cát Lái đứng trước nguy cơ gián đoạn hoạt động
Sáng 1/8, Trung tâm Báo chí TP HCM cho biết, trong ba tuần qua, lượng container tồn bãi tại Cảng Cát Lái đã chạm ngưỡng 100% công suất, nhân sự làm việc giảm một nửa, khiến cảng có nguy cơ gián đoạn hoạt động.
Cụ thể, lượng hàng nhập tồn đang tăng nhanh vì nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động 14, 21 ngày khi TP HCM đang áp dụng biện pháp phong tỏa hoặc do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ", "2 địa điểm, 1 cung đường".
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân lực tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị quản lý Cảng Cát Lái, lượng nhân sự cần thiết bắt buộc phải có mặt tại hiện trường để duy trì hoạt động sản xuất trong ngày là khoảng 500 người.
Tuy nhiên, lực lượng lao động cần kíp cho sản xuất tại Cảng Cát Lái đang bị thiếu hụt 50%, đặc biệt là công nhân vệ tinh.
Hiện cảng đã bố trí một số khu vực "3 tại chỗ" trong cảng để phục vụ chủ yếu cho lực lượng công nhân xếp dỡ tàu. Nhưng phương án này còn thiếu hiệu quả do đặc thù sản xuất của cảng khác với các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất là hoạt động không tập trung trong nhà kín mà phân tán tại nhiều địa điểm ở ngoài trời.
Thực tế này buộc Cảng Cát Lái tạm ngưng tiếp nhận hàng nhập khẩu của những doanh nghiệp, khách hàng đang ngừng sản xuất và khuyến khích các chuyến tàu vào cảng chỉ nhận hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các mặt hàng chiếm dung lượng bãi lớn như hàng siêu trường, siêu trọng, hàng quá khổ, quá tải… cũng thuộc diện tạm ngưng tiếp nhận từ ngày 5/8; hàng lạnh trung chuyển rút ruột sang container sẽ tạm ngưng tiếp nhận đến hết ngày 16/8.
Trước thực trạng trên, trong sáng nay, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho biết Cục Hải quan TP đã đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng tồn đọng quá 90 ngày từ cảng này về cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lưu giữ và chờ làm thủ tục để giảm tải cho Cảng Cát Lái, nguồn tin từ báo Người Lao động.
Đồng thời, đề xuất cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thuê các cảng thuộc địa bàn của TP HCM (SP-ITC, Vict, Lotus, Tân Thuận...) để lưu giữ hàng hóa nhằm giảm tải cho Cảng Cát Lái trong thời gian dịch bệnh phức tạp ở khu vực phía Nam.
Hải quan TP HCM cũng kiến nghị cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được lưu giữ tạm thời hàng hóa nhập khẩu tại cảng dỡ hàng là cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) để chờ làm thủ tục vận chuyển độc lập về cảng đích là Cảng Cát Lái mà không xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn làm thủ tục hải quan khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai.
Kết quả trái chiều của Cảng Cát Lái với các cảng cùng khu vực
Thực tế trong 6 tháng đầu năm, CTCP Cảng Cát Lái (Mã: CLL) ghi nhận doanh thu hợp nhất giảm 12% về 145 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn 41 tỷ đồng so với 49 tỷ đồng cùng kỳ.
Riêng quý II, doanh thu của cảng giảm 19% so với cùng kỳ về 66 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 29% xuống 19 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm do trong quý II là công ty vẫn phân bổ chi phí đầu tư nâng cấp bãi cảng giai đoạn 2 với giá trị 3,2 tỷ đồng. Đồng thời dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, logistics của công ty con, dẫn đến thua lỗ.
Kết quả kinh doanh đi xuống của Cảng Cát Lái trong 6 tháng đầu năm trái ngược với hoạt động kinh doanh tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp trong ngành khai thác cảng, trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục sôi động dù dịch COVID-19.
Một số doanh nghiệp cảng khu vực TP HCM như Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) hay Cảng Tân Cảng - Phú Hữu (Mã: PNP) đều báo lãi tăng trưởng trên 50%.
Hay như Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai (Mã: PDN) - một doanh nghiệp vận hành cảng thuỷ nội địa tại Đồng Nai cũng ghi nhẫn lãi luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 tăng 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Cảng Cát Lái tính đến cuối tháng 6 tăng 12 tỷ đồng so với đầu năm lên 717 tỷ. Ngoài khoản tài sản dài hạn chiếm hơn một nửa thì lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng hơn 251 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tài sản.
Các khoản phải thu ngắn hạn gấp đôi ngày đầu năm và ghi nhận 82 tỷ đồng, chủ yếu từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, chiếm 11% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu chiếm đến 95% tổng nguồn vốn, bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 162 tỷ đồng. Vào cuối tháng 6, Cảng Cát Lái chỉ đi vay ngắn hạn chưa tới 800 triệu đồng từ Ngân hàng TMCP Quân đội.