|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cơn sốt vàng toàn cầu: Phố Wall ném hàng tỉ USD vào các công ty khai thác kim loại quí

15:47 | 22/07/2020
Chia sẻ
Năm ngoái các công ty khai thác vàng chưa bao giờ lọt vào "mắt xanh" của các chuyên gia tài chính Phố Wall. Vậy mà chỉ sau một năm, cổ phiếu ngành công nghiệp này hiện thu hút hàng tỉ USD từ túi tiền các nhà đầu tư khó tính này.

Từng được giới đầu tư coi là quá đòn bẩy và rủi ro, nay các công ty khai thác kim loại quí đã huy động 2,4 tỉ USD Mỹ trong đợt chào bán cổ phiếu thứ cấp quí II/2020, theo Bloomberg.

Con số này đánh dấu mức huy động vốn cao nhất của ngành từ năm 2013, hơn gấp 7 lần so với số tiền cùng kì năm 2019.

Đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, tiếp tục đe dọa các nền kinh tế toàn cầu khiến giá vàng tăng vọt, dẫn đường cho các công ty kim loại quí trở thành "con cưng" mới của cộng đồng đầu tư.

Lĩnh vực vốn thường thu hút sự chú ý của các quĩ chuyên môn, đang nhận sự quan tâm từ đông đảo nhà đầu tư.

Cơn sốt vàng toàn cầu: Phố Wall ném tiền tỉ vào các công ty khai thác kim loại quí - Ảnh 1.

Cơn sốt vàng thúc đẩy giới đầu tư Phố Wall bơm hàng tỉ USD vào cổ phiếu các công ty khai thác kim loại quí. Ảnh: Reuters.

Nhà đầu tư săn đón các công ty kim loại quí

Ông Bryan Slusarchuk - Giám đốc điều hành của Fosterville South Explective – nhận thấy công ty gần đây đột nhiên nhận nhiều chú ý từ giới đầu tư. 

"Nếu tình trạng này còn tiếp tục, thì có khả năng đây chỉ mới là điểm khởi đầu đợt tăng trưởng đáng kinh ngạc cho thị trường cổ phiếu vàng", Slusarchuk nhận xét. Công ty của ông đang có kế hoạch khai thác vàng ở Australia.

Song, hai "gã khổng lồ" kim loại quí toàn cầu là Tập đoàn Newmont và Barrick Gold chi phối thị trường khai thác vàng, lại không thu hút các nhà đầu tư như những doanh nghiệp nhỏ khác. Bloomberg nhận định nguyên nhân là do hai tập đoàn duy trì bảng cân đối kế toán có mức đòn bẩy quá cao, trong khi sở hữu quá ít mỏ hay dự án khai thác để phân tán rủi ro.

Nhiều nhà đầu tư vẫn còn ghi nhớ bài học xương máu thời kì bút toán giảm giá trị tài sản theo sau đợt giảm giá vàng năm 2013. Cơn sốt vàng toàn cầu đang mở đường cho các công ty khai thác kim loại quí mới xuất hiện trên thị trường.

Ví dụ, American Pacific Mining - một công ty thăm dò và khai thác vàng với mức vốn hóa thị trường dưới 20 triệu USD - đã gọi vốn thành công 3 triệu USD Mỹ chỉ trong quí II, gấp 6 lần mức dự kiến ban đầu.

Giám đốc điều hành American Pacific Mining, Warwick Smith, tiết lộ lượng quan tâm đổ dồn về lớn đến mức công ty buộc phải từ chối các thương vụ có giá trị cao.

"Các tập đoàn lớn gia nhập sân chơi trước, sau đó tiền bắt đầu chảy vào các doanh nghiệp nhỏ hơn như các công ty thăm dò", CEO American Pacific Mining nhận định.

Cơn sốt vàng toàn cầu: Phố Wall ném tiền tỉ vào các công ty khai thác kim loại quí - Ảnh 2.

Giá vàng thế giới leo thang trước tình trạng hoạt động khai thác bị hạn chế vì đại dịch COVID-19, giúp các công ty kim loại quí ung dung hưởng lợi cho dù đang đóng cửa mỏ khai thác. (Ảnh: Forbes).

Mặt khác, sức hút các công ty khai thác vàng nổi lên ngay khi hoạt động khai thác trở nên khó khăn hơn vì dịch bệnh COVID-19.

Tuần trước, công ty khai thác vàng Barrick Gold tuyên bố họ vẫn hưởng lợi lớn từ đợt giá vàng tăng vọt bất chấp việc đóng cửa các mỏ vì vấn đề an toàn sức khỏe công nhân giữa mùa dịch COVID-19.

Dòng vốn đầu tư còn vào ngành khai thác vàng thông qua các thỏa thuận sáp nhập và mua lại. 12 thương vụ mua lại trị giá 2,86 tỉ USD đã diễn ra trong quí II theo báo cáo của Bank of America, gần gấp đôi quí I.

Kim loại cơ bản, kim loại công nghiệp và chế tạo pin mất sức hút

Trong khi rất quan tâm tới các doanh nghiệp khai thác vàng, giới đầu tư lại thờ ơ với nhóm công ty khai thác kim loại công nghiệp, như đồng và lithium, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.

Sức hút nguội lạnh, các công ty khai thác kim loại cơ bản và kim loại công nghiệp chỉ huy động được 34 triệu USD Mỹ trong quí II theo Bloomberg, giảm 40% so với cùng kì năm 2019.

Các dự án kim loại chế tạo pin cũng vật lộn để lôi kéo các nhà đầu tư. Ví dụ điển hình là dự án Sunrise niken-coban-scandium của Clean TeQ Holdings ở Australia. Giữa tháng 6, công ty đã không thể đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng cho dự án trị giá 1,5 tỉ USD vì đại dịch COVID-19 dấy lên "những thách thức về nguồn vốn đầu tư".

"Chủ các ngân hàng không hề ưa rủi ro", ông Andrew Bowering - giám đốc của American Lithium - nhận định. 

Andrew nhấn mạnh dòng vốn chỉ chảy về khi các công ty đạt thỏa thuận bao tiêu dài hạn và đảm bảo sản lượng từ mỏ khai thác - yêu cầu tương đối khó trước tình hình khan hiếm những người mua lớn hiện nay .

Điêu Quân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.