Giới đầu tư đổ xô mua cổ phiếu của các công ty khai thác kim loại vì giá vàng tăng vọt
Cách đây một năm , đa số nhà đầu tư phố Wall không đoái hoài tới các mã cổ phiếu của công ty khai thác kim loại quí. Song hiện tại hàng chục tỉ USD đang đổ về ngành khai thác kim loại quí, theo Bloomberg.
Giới đầu tư từng nghĩ các công ty khai thác kim loại quí có đòn bẩy quá cao, rủi ro quá lớn. Vậy nhưng họ lại bất ngờ huy động thành công tới 2,4 tỷ USD từ đợt chào bán cổ phiếu thứ cấp trong quý II, theo dữ liệu của Bloomberg. Đây là quy mô vốn đầu tư cao nhất trong lĩnh vực này kể từ năm 2013, tăng vọt 7 lần so tổng số vốn các công ty huy động được trong năm ngoái.
Khủng hoảng COVID-19 khiến các nền kinh tế bất ngờ khốn đốn. Các nước áp dụng một loạt biện pháp cứu trợ và gói kích thích kinh tế khiến giá vàng tăng vọt. Với diễn biến ấy, các nhà khai thác kim loại quí bỗng chốc trở thành “con cưng” mà giới đầu tư săn đón. Trước đây, chỉ các quỹ chuyên nghiệp để ý cổ phiếu của các doanh nghiệp kim loại quí, nhưng bây giờ chúng trở nên hấp dẫn với đa số nhà đầu tư nhỏ, lẻ.
“Tình hình thay đổi đột ngột, và có thể đây chính là khởi đầu cho sự bùng nổ của cổ phiếu vàng”, Bryan Slusarchuk, giám đốc điều hành của Fosterville South Explective, bình luận.
Trong khi đó, hai đế chế chi phối trong lĩnh vực khai thác vàng hiện nay là Newmont và Barrick Gold vẫn thu hút chú ý số đông các nhà đầu tư. Các hãng nhỏ hơn trở nên lép vế bởi tỷ lệ đòn bẩy quá cao, nhiều rủi ro và số lượng mỏ khai thác hạn chế.
Tuy nhiên, không có nghĩa là các hãng nhỏ sẽ đứng ngoài xu thế nóng của thị trường vàng. Điển hình là đơn vị khai thác vàng American Pacific Mining với mức vốn hóa thị trường dưới 20 triệu USD. Hãng này đã nhanh chóng huy động thêm 3 triệu USD trong quý II, gấp 6 lần so với dự kiến.
Warwick Smith, tổng giám đốc của American Pacific Mining, còn thổ lộ tập đoàn buộc phải từ chối nhận thêm tiền khi giới đầu tư quá hồ hởi.
“Giới đầu tư sẽ quan tâm các doanh nghiệp lớn trước, rồi phần vốn còn lại sẽ được rót xuống các hãng khai thác vàng quy mô nhỏ hơn”, ông phát biểu.
Trong khi các cổ phiếu công ty khai thác vàng bất ngờ được ưa chuộng thì các công ty khai thác kim loại như đồng hoặc lithium lại mờ nhạt. Nhu cầu về kim loại cơ bản vốn phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế nên sản lượng ngành công nghiệp này chỉ tăng nhẹ 34 triệu USD trong quý II, theo Bloomberg. Con số này giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các dự khai thác kim loại sử dụng cho công nghệ pin cũng đang vật lộn để thu hút chú ý của giới đầu tư. Hãng Clean TeQ Holdings đã bị kẹt khi huy động vốn cho dự án khai thác Niken, Coban, Scandium trị giá 1,5 tỷ USD tại Australia.
Một khía cạnh khác của đại dịch Covid 19 là việc khai thác bị cản trở. Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong môi trường khai thác vốn kín và ẩm càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh, các hãng vẫn hưởng lợi do giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ, theo CEO Barrick.
Trong bối cảnh này, hoạt động sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực này bắt đầu được hâm nóng. Có tới 12 giao dịch được thực hiện trong quý II với tổng trị giá 2,86 tỷ USD, gấp đôi giá trị quý trước đó, theo Bank of America.
“Khi các mỏ bị đóng cửa và các quy định ngày càng thắt chặt, các nhà lãnh đạo xuất hiện trong trang phục bảo hộ tại phòng họp để nói về hoạt động M&A. Họ cũng trao đổi với các ngân hàng để tiếp cận đối tác và xúc tiến các giao dịch”, Smith của American Pacific cho biết.