|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Có vẻ nền kinh tế Mỹ đang hoặc sắp hạ cánh mềm

11:55 | 06/06/2024
Chia sẻ
Dữ liệu kinh tế chỉ ra khả năng Mỹ đang hoặc có cơ hội hạ cánh mềm.

Hy vọng hạ cánh mềm

Nhiều chuyên gia cho biết nền kinh tế Mỹ không suy thoái, nhưng tin tốt không chỉ dừng lại ở đó. Trên thực tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sắp hoặc đang hạ cánh mềm. Loạt dữ liệu gần đây đã củng cố lập luận đó.

Theo một bài đăng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis vào tháng 10 năm ngoái, nhà kinh tế Paulina Restrepo-Echavarria cho biết không có định nghĩa chính xác về hạ cánh mềm.

Song, định nghĩa sơ bộ phù hợp nhất là “khi Fed tăng lãi suất và thành công giảm lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và tốc độ tăng trưởng GDP tụt xuống mức âm”.

Chia sẻ với Business Insider trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Josephn Briggs của Goldman Sachs cho biết nền kinh tế có vẻ đã tái cân bằng, như kỳ vọng của các chuyên gia vài năm trước.

“Nếu chúng ta tiếp tục đi theo lộ trình hiện tại, tôi dự đoán Mỹ sẽ dần chuyển tiếp sang một môi trường kinh tế bình thường hơn. Khi đó, tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức bằng hoặc cao hơn một chút so với tiềm năng và lạm phát sẽ quay về mức gần 2% trong vài tháng hoặc vài quý tới”, vị chuyên gia kinh tế tiếp lời.

Theo ông Briggs, hạ cánh mềm sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, giúp công chúng Mỹ không phải trải qua tình cảnh khó khăn vốn gắn liền với các cuộc suy thoái kinh tế.

Ông Nick Bunker, Giám đốc mảng nghiên cứu kinh tế khu vực Bắc Mỹ của Indeed Hiring Lab, nói thêm: “Đối với nhiều người Mỹ, sự khác biệt giữa hạ cánh mềm và một nền kinh tế sa sút nghiêm trọng là việc làm của họ”.

 

Thị trường việc làm lành mạnh hơn

Nền kinh tế Mỹ khiến nhiều người bối rối vì thị trường lao động vẫn còn khá nóng và lạm phát vẫn ở mức cao dù ngân hàng trung ương đã tăng mạnh lãi suất để kìm hãm nhu cầu.

Hiện tại, lãi suất chuẩn tại Mỹ đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm. Cuộc họp tiếp theo của Ủy Thị trường Mở Liên bang sẽ diễn ra vào tuần tới và dữ liệu của CME Group cho thấy các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây chỉ ra thị trường lao động không thực sự quá nóng. Điều này đồng nghĩa rằng Fed khó có thể tăng lãi suất trở lại và để ngỏ khả năng cắt giảm chi phí đi vay vào cuối năm nay.

Các doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm 175.000 việc làm trong tháng 4, bằng gần một nửa so với con số của tháng 3. Bộ Lao động Mỹ có thể sẽ điều chỉnh số liệu các tháng trước trong báo cáo dự kiến công bố vào ngày 7/6.

Báo cáo khác cho thấy số vị trí trống đã tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 4, chứng tỏ nhiều công ty đang giảm tốc độ tuyển dụng của mình. Thêm vào đó, số cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp cũng đi xuống trong năm nay.

Ông Bunker của Indeed Hiring cho biết đà giảm của số cơ hội việc làm trong tháng 4 đã vẽ ra một bức tranh rõ ràng về thị trường lao động. Mọi thứ về cơ bản đã trở lại trạng thái cân bằng trước đại dịch và nền kinh tế đang trên đà hạ cánh mềm.

Vị giám đốc nhấn mạnh với Business Insider: “Trong hai năm qua, thị trường lao động Mỹ đã hạ nhiệt theo cách tương đối dễ chịu: ít người chuyển việc hơn trong khi tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một sự kiện kinh tế. (Ảnh: AP).

Những dữ kiện khác

Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 4.

Số liệu chỉ ra lạm phát đã giảm nhiệt, đặc biệt là khi so sánh những thay đổi gần đây với đà tăng vào năm 2022. Và đây là một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế số một thế giới có cơ hội hạ cánh mềm.

Tăng trưởng GDP cũng không tụt xuống mức âm. Lần gần đây nhất GDP thực tế của Mỹ sụt giảm là vào quý II/2022. Theo Business Insider, đây cũng là một dấu hiệu mạnh mẽ khác cho thấy Mỹ đã tránh được suy thoái.

Một dữ liệu khác mà các nhà kinh tế có thể xem xét là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất do Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) tổng hợp. UBS lưu ý trong một phân tích mới đây rằng PMI sản xuất đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 5.

“Số liệu phù hợp với dự đoán của chúng tôi rằng tăng trưởng kinh tế sẽ dần chững lại, tạo điều kiện để Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay trong bối cảnh lạm phát đi xuống”, UBS nêu rõ.

Có thể đã hạ cánh mềm

Ông David Kelly, trưởng chiến lược gia toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, tin rằng nền kinh tế Mỹ đã hạ cánh mềm.

“Đối với tôi, hạ cánh mềm là khi Mỹ đạt trạng thái toàn dụng việc làm và tỷ lệ lạm phát dần giảm xuống mức có thể chấp nhận được. Với báo cáo việc làm vào ngày 7/6 tới, tôi dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ có tháng thứ 30 liên tiếp duy trì ở hoặc dưới mức 4%”, ông Kelly cho hay.

“Theo tôi, có vẻ như máy bay đã hạ cánh cách đây hai năm rưỡi và dần hạ nhiệt kể từ đó. Nền kinh tế đang tiếp tục phát triển, nhưng đã hạ cánh mềm một thời gian”, vị chiến lược gia nói tiếp.

 

Theo ông Jason Draho, trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại UBS Global Wealth Management, “sự khác biệt trong nhận định của các nhà đầu tư về triển vọng của nền kinh tế Mỹ đã giảm bớt”. Tuy vậy, ông Draho lưu ý rằng một số nhà dự báo vẫn chưa loại bỏ khả năng suy thoái.

“Nói cách khác, nền kinh tế đang có một cuộc hạ cánh mềm tương đối dễ chịu, thỉnh thoảng có chút nhiễu động”, vị chuyên gia kết luận.

Khả Nhân