|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu trong gập ghềnh lãi suất

16:24 | 08/11/2018
Chia sẻ
Hai tháng cuối năm là cao điểm cần vốn của các ngân hàng. Mặt bằng lãi suất cứ nhích dần lên. Tuần trước và đầu tuần này lãi suất tiền đồng qua đêm liên ngân hàng luôn thường trực trên 4,65%/năm, có thời điểm lên 4,75%, ngang bằng với lãi suất trên thị trường mở (OMO). Khối lượng tiền đưa ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua kênh thị trường mở trong tháng 10-2018 đã lên đến gần 45.000 tỉ đồng, vượt giá trị tín phiếu phát hành. Nhà điều hành đã chủ động giảm sử dụng công cụ tín phiếu và thay bằng thị trường mở, nghĩa là tăng cường bơm tiền ra thay bằng hút tiền về. Vậy mà lãi suất vẫn “chạy”. Sự “chạy” của lãi suất một phần vì nhu cầu vốn cao của tổ chức tín dụng, nhưng quan trọng hơn là sự chủ động điều tiết của cơ quan quản lý.
co phieu trong gap ghenh lai suat Cổ phiếu FLC tăng trần trong ngày Chính phủ họp bàn việc cấp phép bay cho Bamboo Airways
co phieu trong gap ghenh lai suat NAV của PYN Elite Fund sụt giảm 8,1% trong tháng 10
co phieu trong gap ghenh lai suat
Khi lãi suất tăng lên, tỷ giá biến động, khối dệt may và xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm doanh nghiệp sản xuất chịu tác động mạnh mẽ. Ảnh: Thành Hoa

Lãi suất qua đêm tiền đồng đang cao hơn lãi suất qua đêm của đô la Mỹ khoảng 2,3-2,4%/năm. Lãi suất qua đêm đô la Mỹ vẫn không thấp hơn 2,2%/năm và có ngày đến 2,3%/năm. Trên thị trường tài chính quốc tế, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang rất vững trên mốc 3,21%/năm và sự đồng thuận của các nhà phân tích về việc lãi suất đô la Mỹ sẽ còn đi lên ngày một lớn. Bất chấp kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục chính sách cắt giảm thuế, tăng chi tiêu để kích thích nền kinh tế và điều này sẽ còn thúc đẩy lạm phát, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dẻo tay hơn trong việc nâng lãi suất.

Sự phát triển của chứng khoán, xem ra, không phụ thuộc vào việc sửa đổi Luật Chứng khoán hoặc những động thái mang tính bổ trợ của cơ quan quản lý thị trường, mà phụ thuộc vào chính sách tiền tệ. Nếu để giao dịch ngắn hạn dạng T+3, T+7, T+10 qua một bên và nhìn khả năng chuyển động của VN-Index trong 6-12 tháng tới, thì điều hiển nhiên là lãi suất sẽ không thể quay lại mức như sáu tháng đầu năm nay. Chứng khoán sẽ nhìn vào đâu để tăng điểm khi mà lãi suất tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế? Chưa công ty chứng khoán nào liệt kê xem trên ba sàn hiện nay có bao nhiêu công ty niêm yết không vay vốn ngân hàng? Và tỷ lệ không vay vốn ấy chiếm bao nhiêu phần trăm trong hàng ngàn doanh nghiệp niêm yết?

Ở đây phải đề cập đến một chi tiết mà dân làm ngân hàng rất rành. Họ bảo lúc này hiện tượng doanh nghiệp có một lượng tiền lớn đầu tư tài chính ngắn hạn (thường là tiền gửi dưới ba tháng để hưởng lãi), đồng thời có khoản tiền và tương đương tiền trong báo cáo tài chính to, nhưng vẫn vay ngắn hạn ngân hàng, ngày càng phổ biến. Số vay ngân hàng tất nhiên thấp hơn số dư tiền và tương đương tiền. Lãi từ tiền gửi doanh nghiệp đâu phải chịu thuế, nhưng lãi vay phải trả thì được tính vào chi phí hoạt động. Tội gì không vay để được tăng chi phí, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước?

Dẫu thế, nếu tính cả số doanh nghiệp áp dụng “chiêu thức” vay - gửi tiền ngân hàng này, số công ty niêm yết thực sự không cần đến vốn ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Những tuần gần đây thị trường chứng kiến sự lên giá khá mạnh của cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may và xuất khẩu thủy hải sản. Giới đầu tư tin rằng hai nhóm doanh nghiệp này được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Báo cáo tài chính quí 3 vừa qua của các công ty trên cũng cho thấy sự cải thiện doanh thu, lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ. Nhưng nếu nhìn vào dư nợ của các công ty xuất khẩu thủy hải sản hay một số (không phải tất cả) đơn vị dệt may, mới thấy chi phí tài chính không hề nhỏ. Chưa kể tính chu kỳ và độ biến động của thị trường xuất khẩu thủy hải sản rất cao. Mới chỉ năm ngoái, nhiều công ty xuất khẩu thủy sản, trong đó có xuất khẩu cá tra, còn báo cáo lợi nhuận vô cùng khiêm tốn.

Khi lãi suất tăng lên, tỷ giá biến động, khối dệt may và xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm doanh nghiệp sản xuất chịu tác động mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cao, và kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu của dệt may cũng cao tương ứng bởi Việt Nam chủ yếu vẫn gia công. Những ai đã từng tiếp xúc nhiều với thị trường châu Âu đều biết thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào đây “chìm nghỉm” trong hải sản của các nước sở tại. Hàng thủy sản đông lạnh trong siêu thị tên tuổi lớn chỉ có tôm, cá nhập từ Ấn Độ, Thái Lan và các nước khác trong khối Liên minh châu Âu. Hàng dệt may mà Việt Nam gia công chỉ xuất hiện tại cửa hàng của những nhãn hiệu thời trang bình dân và ít hơn hẳn so với hàng sản xuất tại Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia.

Trong số các doanh nghiệp thủy sản, đơn vị quy mô nhất nhì ngành là Thủy sản Hùng Vương (HVG-Hose) vẫn đang “vật lộn” để lấy lại thế cân bằng. Mới chỉ là lấy lại thế cân bằng, chưa phải trụ được và xuất phát lại. Hơn 3.000 tỉ đồng vay nợ ngân hàng còn lại sẽ “ngốn” của HVG ít nhất 250-300 tỉ đồng tiền lãi mỗi năm. Biên lợi nhuận nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra được bao nhiêu đủ để bù đắp chi phí lãi vay đó? Cho nên, để đánh giá chứng khoán đi đâu về đâu, không bao giờ thừa quan sát mặt bằng lãi suất gập ghềnh mức độ nào.

Xem thêm

Hải Lý