|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Gỡ khó trong tiếp cận vốn doanh nghiệp từ quy định về chào bán riêng lẻ

11:08 | 08/11/2018
Chia sẻ
Tại Hội thảo đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi khu vực miền bắc tổ chức sáng 7/11 tại Hà Nội, ngoài những đóng góp về quy định chào bán riêng lẻ, ông Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn ý kiến về quy định chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, điều kiện phát hành trái phiếu...
go kho trong tiep can von doanh nghiep tu quy dinh ve chao ban rieng le HAGL Agrico dự kiến thu về gần 1.400 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ cổ phiếu

Sáng 7/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi khu vực miền bắc. Tại hội nghị, ông Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng đã có một số ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi.

Thứ nhất, Luật chứng khoán sửa đổi nên đề cập đến chứng khoán ngắn hạn

Theo ông Vũ Bằng, hiện nay, các giấy tờ có giá như tín phiếu ngắn hạn đều là công cụ gắn với chứng khoán dài hạn. Các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán đầu tư trên thị trường cũng đầu tư vào các giấy tờ ngắn hạn như vậy. Nếu được đề cập, phạm vi của luật sẽ toàn diện hơn, quy định quản lý các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán sẽ tốt hơn.

Khi chào bán, chúng ta loại trừ tất cả chứng khoán ngắn hạn dưới một năm không phải đăng ký với UBCK. Mặc dù không chịu sự quản lý giám sát của UBCK nhưng chứng khoán ngắn hạn nằm trong tổng thể thị trường chứng khoán. Từ đó các hoạt động của các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thể có những điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Thứ hai, công ty thua lỗ vẫn có quyền chào bán ra công chúng, vấn đề chào bàn riêng lẻ

Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Vấn đề tiếp cận vốn hiện nay rất quan trọng. Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Thời điểm hiện nay chưa đủ điều kiện để tiến tới nguyên tắc thông tin đầy đủ (full-disclosure) nên cần có một cải cách vì đây là lần thứ ba Luật chứng khoán được chỉnh sửa. Nên có một số nới lỏng về điều kiện, tăng cường minh bạch và công bố thông tin để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn. Đó là bước chuẩn bị để tiến tới nguyên tắc thông tin đầy đủ (full-disclosure) của thế hệ luật thứ hai.

Theo ông Vũ Bằng, liên quan đến vấn đề này sẽ có 3 điểm là ‘cú sốc’ cho các doanh nghiệp.

Một là khái niệm chào bán riêng lẻ. Hiện, quy định chào bán riêng lẻ đang hẹp so với thông lệ quốc tế. Nếu thắt chặt việc chào bán riêng lẻ, doanh nghiệp không có “cửa” để huy động vốn.

Hai là, tiếp cận đại chúng có nhiều điểm khó, nhiều doanh nghiệp muốn đi theo con đường chào bán riêng lẻ nhưng phạm vi chào bán riêng lẻ quá hẹp, nên việc tiếp cận vốn cũng rất khó.

Ba là, Luật chứng khoán sửa đổi mở thêm một số đối tượng như nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhưng vẫn còn cách xa với các thông lệ quốc tế.

Theo quy định của các nước về chào bán riêng lẻ, ngoài những cổ đông nhỏ lẻ, những nhà đầu tư chứng khoán đủ điều kiện tham gia gồm những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tổ chức tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ mạo hiểm), nhà đầu tư chứng khoán có khả hiểu biết và tự chịu trách nhiệm (người có giấy phép hành nghề, nhân viên nghiệp vụ trong các tổ chức tài chính) và các doanh nghiệp.

Định nghĩa về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm b khoản 15 Điều 14 của dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi quy định: "Công ty có vốn điều lệ đạt trên một nghìn (1.000) tỷ đồng và có thời gian niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán tối thiểu hai (02) năm."

Ông Vũ Bằng đánh giá mức vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng như dự thảo là cao và doanh nghiệp khó có thể tiếp cận. Khi doanh nghiệp không thể phát hành cổ phiếu ra công chúng thì có thể phát hành riêng lẻ, nhưng quy định về vốn điều lệ này khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Tại Singapore, quy định về vốn điều lệ của doanh nghiệp mua phát hành riêng lẻ vào khoảng 140 tỉ đồng. Quốc gia này quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân có hiểu biết, tài sản và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

go kho trong tiep can von doanh nghiep tu quy dinh ve chao ban rieng le
Ý kiến từ các đại biểu tại Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi khu vực miền bắc. Ảnh: Phan Quân

Thứ ba, vấn đề đại chúng

Trong dự thảo, điểm d khoản 1 Điều 12 của dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi có nêu việc chào bán tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Theo ông Vũ Bằng, đây là thông lệ tân tiến của thế giới nhưng rất khó để tiến hành.

Trong điểm b khoản 1 Điều 25 tại dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi: "Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng không đáp ứng được điều kiện về tỉ lệ tối thiểu vốn điều lệ của tổ chức phát hành được chào bán cho 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên của tổ chức...". Như vậy, đợt chào bán ra công chúng bị hủy. Theo ông Bằng, điều này có thể dẫn đến nhiều tổ chức chào bán ra công chúng không thành công, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Nếu theo quy định này, hiện nhiều doanh nghiệp đang niêm yết không thể đáp ứng được yêu cầu và nhiều doanh nghiệp không thể lên niêm yết được.

Theo đánh giá của ông Vũ Bằng, những quy định về chào bán riêng lẻ, tỷ lệ 20% vốn chào bán và quy định đại chúng sẽ liên kết lại ngăn chặn việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Thứ tư, quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng

Trong điểm e khoản 2 Điều 12, quy định nếu tổ chức phát hành vi phạm hành chính về sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán sai quy định hoặc xử phạt hành chính do báo cáo, công bố thông tin sai lệch trong thời hạn một năm liền trước ngày nộp hồ sơ đăng ký chào bán thì tổ chức phát hành không thể chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.

Theo ông Vũ Bằng, hiện nay việc xử phạt hành chính có nhiều nguyên nhân như chậm nộp báo cáo… Ông Vũ Bằng khuyến nghị nên có sự linh hoạt trong những quy định về điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Thứ năm, quy định về phát hành trái phiếu

Quy định về điều kiện bán trái phiếu ra công chúng tại điểm a khoản 3 Điều 11 của Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi: "Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp từ 300 tỉ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán."

Theo đánh giá của ông Vũ Bằng, quy định về mức vốn điều lệ này tại Việt Nam là lớn. Từ đó ông Bằng khuyến nghị nên có sự đồng nhất giữa trái phiếu và cổ phiếu. Hiện có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ cần tiếp cận vốn.

Thứ sáu, về cam kết niêm yết

Đây là điểm tốt và tích cực để thúc đẩy thị trường phát triển. Theo ông Vũ Bằng, nên có sự kết hợp giữa Sở Giao dịch và UBCK. Trong quá trình nộp hồ sơ chào bán ra công chúng, doanh nghiệp nộp hồ sơ cho sở. Trong quá trình xem xét, hai bên có thể trao đổi nội bộ để sau quá trình chào bán có thể niêm yết ngay. Theo đó, nhà đầu tư không phải chờ đợi quá trình từ chào bán đến khi niêm yết.

Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi, tại điểm b khoản 1 Điều 28: "Việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp...".

Tại hội thảo, ông Vũ Bằng cũng khuyến nghị xem xét về việc thời gian nắm giữ cổ phiếu chào bán riêng lẻ (1 – 3 năm) vì còn liên quan đến Luật doanh nghiệp.

Ông Vũ Bằng kiến nghị mức thời gian thấp hơn và chỉ được phép giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Xem thêm

Phan Quân