|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nikkei: Luật chứng khoán sửa đổi có thể tác động tích cực đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam

15:44 | 10/10/2018
Chia sẻ
Việt Nam đang cạnh tranh với các đối thủ như Phillipines và Myanmar để trở thành điểm thu hút đầu tư tiếp theo tại châu Á sau Trung Quốc, Thái Lan… Bộ Tài chính đang tăng cường sửa đổi luật chứng khoán để có thể trình Quốc hội thông qua năm 2019. 

Bộ Tài chính đang tiến hành soạn thảo luật chứng khoán sửa đổi, lần đầu tiên sau 8 năm; trong đó điều khoản loại bỏ hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019.

Việc sửa đổi luật cho thấy mong muốn của Việt Nam lọt vào danh sách thị trường mới nổi của MSCI, từ đó thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường trong nước, tờ Nikkei bình luận.

Các nhà đầu tư nước ngoài, về nguyên tắc có thể sở hữu cổ phần tỷ trọng lớn tại các công ty không có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia gồm các công ty niêm yết, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và không niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Động thái từ phía Nhà nước có thể sẽ giúp mở ra cơ hội đầu tư tại quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới với độ tuổi trung bình là 30. Pricewatershouse Coopers dự báo Việt Nam có thể trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới theo sức mua tương đương vào năm 2050.

Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện ở mức 49%, với một số lĩnh vực như ngân hàng và hàng không tỷ lệ này là 30%. Mặc dù trong tương lai tỷ lệ có thể tăng lên, tuy nhiên đây vẫn là những lĩnh vực mà Chính phủ không sẵn sàng để cho người nước ngoài nắm quyền sở hữu toàn bộ.

Việc loại bỏ giới hạn sở hữu của nước ngoài là dấu hiệu đáng khích lệ đối với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Quang Thuân, giám đốc điều hành StoxPlus, cho biết. Tuy nhiên việc nới room lên 100% vẫn sẽ cần sự chấp thuận của hội đồng cổ đông công ty.

nikkei luat chung khoan sua doi co the tac dong tich cuc den dong von ngoai vao viet nam

Việt Nam đang cạnh tranh với các đối thủ như Phillipines và Myanmar để trở thành điểm thu hút đầu tư tiếp theo tại châu Á sau Trung Quốc, Thái Lan… nhà phân tích cao cấp của Sumimoto Corporation Global Research cho biết. Mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến, yếu tố thúc đẩy sự phát triển.

Tính đến ngày 30/9, các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 23,33% cổ phiếu Việt Nam so với mức 21,6% cuối năm 2017. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 7, giá trị danh mục của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 34,2 tỷ USD.

Việt Nam có khoảng 1.500 công ty đại chúng, trong đó 740 công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán là HNX và HOSE, số còn lại giao dịch trên thị trường UPCoM hoặc chưa niêm yết.

“Chính phủ đang tiến hành rút ngắn danh sách điều kiện, các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm hoặc có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia để có thể thay đổi tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, một chuyên gia của CTCP Chứng khoán SSI cho biết. Hà Nội đang xem xét việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty viễn thông.

Một khảo sát của StoxPlus dự đoán, việc nới lỏng sở hữu nước ngoài sẽ đến với các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và thực phẩm đồ uống.

Luật chứng khoán Việt Nam ban hành năm 2006 và sửa đổi lần đầu năm 2010, tuy nhiên lại không đề cập đến giới hạn tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài. Văn bản pháp lý cao nhất đối với vấn đề này được ban hành năm 2009 không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 49% tại một công ty đại chúng.

Quyết định này nhằm tạo ra một hàng rào để bảo vệ các công ty trong nước có hiệu lực đến năm 2015, sau đó Việt Nam bắt đầu nới lỏng để thu hút dòng vốn từ nước ngoài và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương.

Nghị định của Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không điều kiện bỏ giới hạn sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài nếu không xung đột với điều lệ công ty.

Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp dần mở hết room ngoại như SSI năm 2015, Vinamilk, Domesco, Bảo Minh hay Dược Hậu Giang.

Tại Đông Nam Á, 4 quốc gia đã được nâng hạng lên thị trường mới nổi gồm có Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, Việt Nam xếp ở nhóm thứ hai.

Xem thêm

Đông A