Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi: Nâng điều kiện vốn tối thiểu của doanh nghiệp phát hành lên 3-30 lần, mức xử phạt tối đa tăng 50%
Nikkei: Luật chứng khoán sửa đổi có thể tác động tích cực đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam | |
Sẽ có nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi |
Điều kiện chào bán chứng khoán: Vốn điều lệ tối thiểu cao gấp từ 3 đến 30 lần
Đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng: Dự thảo Luật nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán là từ 30 tỉ đồng trở lên (quy định tại Luật hiện hành là 10 tỉ đồng), hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (quy định tại Luật hiện hành là 1 năm liền trước), đồng thời không có lỗ lũy kế.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về tỷ lệ vốn cổ phần tối thiểu của tổ chức phát hành phải được bán cho nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ, cam kết hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông lớn, tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán, mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán...
Đối với chào bán trái phiếu ra công chúng: bản chất của phát hành trái phiếu ra công chúng là hoạt động vay vốn rộng rãi, do vậy để bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ra công chúng phải là doanh nghiệp có quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn về quản trị công ty, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán theo chuẩn công ty đại chúng quy mô lớn .
Cụ thể, dự thảo Luật nâng điều kiện về vốn điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký chào bán trái phiếu lên tối thiểu 300 tỉ đồng tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán (Luật hiện hành quy định mức tối thiểu là 10 tỉ đồng).
Đối với chào bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của công ty đại chúng: Dự thảo luật quy định đối tượng tham gia đợt chào bán riêng lẻ chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược.
Việc chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng chứng khoán giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án, Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật (Luật hiện hành không hạn chế đối tượng và thời gian hạn chế chuyển nhượng chỉ là 1 năm).
Ảnh minh họa. |
Điều kiện công ty đại chúng: Vốn điều lệ tối thiểu cao gấp 3 lần trước
Dự thảo Luật nâng điều kiện về vốn điều lệ của công ty đại chúng lên 30 tỉ đồng từ mức 10 tỉ đồng của luật hiện hành.
Đồng thời, dự thảo sửa đổi, bổ sung điều kiện về số lượng, cơ cấu cổ đông: có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ). Theo ban soạn thảo, mục đích của những thay đổi này là nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quy mô và tính đại chúng của công ty, từ đó cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Theo thông lệ quốc tế, công ty đại chúng ở các nước thường có quy mô và số lượng cổ đông lớn. Tại Mỹ, công ty có tổng tài sản hơn 10 triệu USD (tương đương 220 tỉ đồng), tối thiểu 500 cổ đông được xem là công ty đại chúng. Tại Nhật Bản, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ 500 triệu yên (tương đương 100 tỉ đồng). Tại Singapore, Hong Kong, điều kiện công ty đại chúng là phải có tối thiểu 50 cổ đông.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện tại trong số 1.954 công ty đại chúng ở Việt Nam, có 81,6% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng trở lên, 69% có mức vốn điều lệ từ 50 tỉ đồng trở lên.
Quy định công bố thông tin
Dự thảo luật mở rộng phạm vi những đối tượng được coi là người có liên quan gồm: cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu;
Theo quy định của luật hiện hành, người có liên quan bao gồm cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con, con nuôi, anh, chị em ruột (không bao gồm con dâu-rể, anh em dâu-rể).
Dự thảo mới còn quy định người có liên quan bao gồm cả doanh nghiệp và người sở hữu trên 10% số cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết hoặc vốn góp; quỹ và người sở hữu trên mười 10% chứng chỉ quỹ của quỹ đó; người mà trong mối quan hệ với người khác trực tiếp, gián tiếp kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi người đó hoặc cùng với người đó chịu chung một sự kiểm soát, người nội bộ của công ty mẹ, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này trong mối quan hệ với công ty con.
Theo dự thảo luật, những đối tượng trên sẽ nằm trong trường hợp phải công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán và phải chào mua công khai và đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong một số trường hợp như mua cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đóng dẫn đến sở hữu (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một công ty đại chúng, quỹ đóng... dự kiến mua tiếp dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt hoặc vượt mức 35%, 45%, 55%, 65%, 75% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng hoặc chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành;
Tăng mức xử phạt tối đa thêm 50%
dự thảo Luật quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đối với tổ chức và 1,5 tỷ đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt tiền tối đa trong trường hợp vi phạm lần đầu và tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại Luật này. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Mức phạt tối đa này cao hơn 50% so với quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP, theo đó Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2 tỉ đồng đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1 tỉ đồng.