Ông Cấn Văn Lực: Dự thảo luật chứng khoán sửa đổi còn vướng nhiều câu hỏi
Phát biểu tại hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi luật chứng khoán (sáng 7/11), Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho hay, cá nhân ông thấy thị trường tài chính thay đổi quá nhanh, trong đó thể chế chính là điểm nghẽn lớn.
Đánh giá tổng quan về dự thảo luật chứng khoán sửa đổi, ông cho rằng chất lượng dự thảo cao, tiến đến minh bạch, chuyên nghiệp và sát với thông lệ quốc tế.
Mở đầu phần thuyết trình của mình, ông Lực đặt ra câu hỏi: Không biết dự thảo đã tính đến tiến trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán chưa? Bao gồm cơ cấu lại hai sàn, thị trường, công ty chứng khoán; đã tính đến hội nhập hay chưa, đối với CPTPP, EVFTA trong năm tới? Về độ minh bạch, CPTPP yêu cầu cao hơn rất nhiều.
Ông Lực tiếp tục hỏi: Dự thảo đã tính đến tài chính số, chứng khoán số chưa? Những hoạt động này hiện đã xuất hiện sôi động rồi. Dự thảo luật này đã đề cập đến blockchain, giao dịch chứng khoán số, chia sẻ thông tin dữ liệu chưa?... Tính đến một số sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính chứng khoán hay chưa, ông lấy ví dụ chứng khoán hóa, quỹ tín thác bất động sản, cho vay ngang hàng (bản chất là huy động vốn từ cộng đồng)…
Từ những câu hỏi nêu trên, ông Cấn Văn Lực đưa ra các gợi ý đối với Bộ Tài Chính để có thể điều chỉnh trong dự thảo của Luật chứng khoán mới.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Bạch Mộc |
Thứ nhất, theo ông Lực cần bổ sung thêm những định nghĩa trong lĩnh vực mới như ông đã nêu.
Thứ hai, liên quan đến dẫn chiếu luật, dự thảo đang dẫn chiếu khá nhiều, nhưng nếu luật gốc đó thay đổi thì sẽ phải kéo theo thay đổi của luật chứng khoán. Theo ông Lực, không nên dẫn chiếu quá chi tiết.
Thứ ba, chào bán ra công chúng, dự thảo luật yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi trong hai năm liền trước năm chào bán. Nhưng một số doanh nghiệp startup muốn huy động vốn, chưa có lãi ngay nhưng tiềm năng lớn, ví dụ như VinFast. Luật không cho phép những doanh nghiệp như thế này huy động vốn, vậy họ phải làm sao?
Thứ tư, Điều 12.3, phát hành trái phiếu ra công chúng công ty phải có vốn điều lệ trên 300 tỉ đồng, ông Lực cho rằng con số này quá cao. Dẫn số liệu doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỉ đồng chỉ chiếm 1%, quy mô từ 200 – 500 tỉ đồng chiếm 2%, 97% còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn dưới 200 tỉ đồng, do đó con số 300 tỉ đồng dường như chưa hợp lý, thiếu cơ sở dữ liệu.
Thứ năm, khi doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình phải giảm vốn điều lệ tương ứng, theo ông đây là vấn đề quan trọng cho các doanh nghiệp, cũng là tâm huyết cổ đông; luật quy định công ty phải có lãi, không có nợ quá hạn. Ông Lực cho rằng quy định này khó cho doanh nghiệp, vì khi có nợ quá hạn doanh nghiệp cũng khó vay ngân hàng, do vậy có thể không còn kênh huy động vốn. Theo ông, không nhất thiết quy định doanh nghiệp phải có lãi.
Thứ sáu là vấn đề phân cấp ủy quyền. Ông Lực cho rằng có những vấn đề Chính phủ không cần thiết phải làm, có thể để cho Bộ Tài chính làm. Nhưng ngược lại có vấn đề lại phân cấp quyền mạnh quá, ví dụ với Tổng công ty lưu ký sẽ ban hành quy chế vận hành quỹ hỗ trợ thanh toán, quy chế bù trừ… như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Thứ bảy, về quản trị công ty, phải xem xét thêm điều kiện về công ty đại chúng. Đối tượng gồm khoảng 1.900 công ty đại chúng và tổ chức tín dụng. Nếu bớt đi các tổ chức tín dụng còn 1.800 công ty đại chúng, số lượng còn quá lớn, ông Lực mong nâng điều kiện để xứng tầm công ty đại chúng.
Thứ tám, điều kiện đăng ký lưu ký, nợ quá hạn không quá 5%. Trong hệ thống ngân hàng có 5 nhóm, cần làm rõ và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để xác thực hơn.
Thứ chín, về quỹ hỗ trợ thanh toán, ông Lực cho rằng tên gọi này chưa chuẩn, đây là hỗ trợ thanh khoản. Quy chế hoạt động nên cho Ủy ban chứng khoán thực hiện, không phải Trung tâm lưu ký.
Thứ mười, về hoạt động công ty chứng khoán, ông Lực cho rằng xưa nay đã làm nhưng chưa quy định rõ: cung cấp dịch vụ phái sinh, nghiệp vụ ứng trước tiền bán chứng khoán (thời gian vừa qua đa số công ty chứng khoán phải lách), cho vay chứng khoán, bổ sung một số nghiệp vụ mới của công ty chứng khoán, quản lý tài sản, ủy thác đầu tư… Nghiệp vụ huy đông vốn cộng đồng (crowd funding), cho vay ngang hàng.
Đối với quỹ bảo vệ nhà đầu tư, ông Lực cho rằng đang có hơi nhiều quỹ, do đó hết sức cân nhắc quỹ này. Nếu có các thành viên phải nộp phí, cân nhắc là tính thiết thực, có thể thêm quỹ hỗ trợ thành khoản và bổ sung chức năng thay vì ba quỹ.
Ông Lực cũng cho rằng, chưa thấy bóng dáng của thuế có liên quan đến chứng khoán, phí đã có nhưng thuế chưa có.
Cách đây 4 tháng, Bộ Công an có tổ chức hội thảo liên quan đến an ninh tài chính tiền tệ, thông tin nhiễu, tin đồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán, chúng ta tiết chế như nào?