|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu hàng không, bia rượu ngược dòng tiến lên trong phiên rực lửa

18:44 | 08/06/2021
Chia sẻ
Các nhóm trụ lớn như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí đều bị bán tháo mạnh, chỉ có một số ít cổ phiếu trong ngành hàng không, bia rượu, dược phẩm như VJC, HVN, SAB, DHG, … là giữ được sắc xanh.
Cổ phiếu hàng không, bia rượu ngược dòng tiến lên trong phiên rực lửa - Ảnh 1.

Cổ phiếu bia rượu và hàng không giao dịch tích cực trong phiên 8/6, trái với đà lao dốc của thị trường chứng khoán nói chung. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

"Hàng nóng" lao dốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam đỏ lửa trong hai phiên liên tiếp 7-8/6 với chỉ số VN-Index sụt lần lượt 1,1% và 2,9%; chỉ số bluechip VN30 cũng mất tương ứng 1,3% và 3% trong hai phiên vừa qua.

Riêng ngày hôm nay 8/6, sắc đỏ áp đảo sàn HOSE khi có tới 321 mã giảm giá và chỉ 94 mã tăng, 40 mã tham chiếu.

Trong rổ vốn hóa lớn VN30 chỉ có 4 thành viên tăng, còn lại 26 mã lao dốc. Giảm ít nhất là cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động với tỷ lệ chỉ 0,1%; STB của Sacombank sụt sâu nhất khi đóng cửa ở giá sàn.

Thống kê trên cả HOSE, HNX và UPCoM, toàn bộ 26/26 cổ phiếu ngân hàng đều giảm trong phiên hôm nay, trong đó có ba mã nằm sàn là STB của Sacombank, LPB của LienVietPostBank và MSB của Ngân hàng Hàng Hải.

Sắc đỏ cũng bao trùm nhóm chứng khoán với nhiều mã đi xuống như SSI, VDS, VCI, …, một số mã kịch sàn gồm HCM, CTS, VIX, IVS, PSI, BSI.

Nhóm dầu khí giao dịch tích cực trong phiên 7/6 với nhiều mã tăng mạnh như BSR, PVS, PVD, PXS, ... Tuy nhiên, trong phiên hôm nay 8/6, cổ phiếu dầu khí cũng bị bán tháo ồ ạt với PVS, PVD, PXS, PVB, PVC đều giảm kịch sàn, BSR và OIL mất lần lượt 10% và 11%.

Sự trỗi dậy của những cổ phiếu bị lãng quên

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu diễn biến khởi sắc đã hạn chế đà giảm của VN-Index như ở nhóm hàng không có HVN của Vietnam Airlines, VJC của Vietjet; nhóm bia – rượu – đồ uống có SAB của Sabeco, BHN của Habeco, VNM của Vinamilk; dược phẩm có DHG của Dược Hậu Giang.

Kết phiên hôm nay, giá cổ phiếu VJC tăng 4,8% và đóng góp gần 0,8 điểm vào VN-Index, SAB góp gần 0,3 điểm, HVN cũng giúp chỉ số thêm gần 0,2 điểm.

Cổ phiếu hàng không, bia rượu ngược dòng tiến lên trong phiên rực lửa - Ảnh 2.

Đây cũng chính là những cổ phiếu từng tụt lại phía sau khi thị trường liên tục lập đỉnh, bị nhà đầu tư "ngó lơ" trong thời gian qua giữa những cơn sóng "bank - chứng - thép" dồn dập.

Cụ thể, tính đến trước phiên 8/6, cổ phiếu HVN đang thấp hơn 6% so với ngày đầu năm 2021, VJC thấp hơn gần 11%, DHG và VNM giảm 10%, hai đại gia bia rượu SAB và BHN đều sụt hơn 20%.

CTG của VietinBank là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong phiên hôm nay khi đóng cửa giảm 5,8%, khiến chỉ số chung mất 3 điểm. Các cổ phiếu VCB của Vietcombank, VIC của Vingroup, TCB của Techcombank đều làm cho VN-Index sụt gần 3 điểm.

Trong top 10 tác động tiêu cực tới chỉ số hôm nay còn có ba mã ngân hàng khác là BID của BIDV, MBB của Ngân hàng Quân Đội và ACB của Ngân hàng Á Châu. Những cái tên còn lại bao gồm HPG của Tập đoàn Hòa Phát, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam.

Cổ phiếu hàng không, bia rượu ngược dòng tiến lên trong phiên rực lửa - Ảnh 3.

Thị trường nhiều rủi ro

Trong báo cáo phân tích công bố tối 7/6, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc công ty chứng khoán không cho nhà đầu tư sửa và hủy lệnh giao dịch để giảm nghẽn lệnh sẽ gây ra nhiều biến động lớn trên thị trường trong thời gian tới.

Nhà đầu tư sẽ sử dụng lệnh thị trường (MP) để tăng khả năng khớp lệnh so với khi dùng lệnh giới hạn (LO). Tuy nhiên, việc dùng lệnh MP dẫn đến rủi ro mua cổ phiếu với giá cao (mua đuổi để khớp) và bán với giá thấp (bán tháo khi thị trường đảo chiều), VDSC nhận định.

Ngoài ra, làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay cũng được coi là yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn tới triển vọng vĩ mô năm 2021 vì đợt dịch này nghiêm trọng hơn nhiều so với ba đợt trước. 

Cụ thể, tổng số ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt này (tính đến hết ngày 8/6/2021) cao gấp 3,8 lần tổng số ca nhiễm trong nước của ba đợt trước. Liên tiếp từ 25/5 đến 7/6, Việt Nam đều ghi nhận trên 200 ca dương tính/ngày.

Cổ phiếu hàng không, bia rượu ngược dòng tiến lên trong phiên rực lửa - Ảnh 5.

VDSC cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn dự kiến trong năm 2021 có thể là một nhân tố tiêu cực tác động đến thị trường chứng khoán trong tháng 7 hoặc quý III/2021 tùy vào diễn biến của dịch bệnh. Tăng trưởng GDP quý II có thể sẽ thấp hơn kỳ vọng khi giãn cách xã hội bắt đầu từ 31/5.

Đức Quyền - Song Ngọc

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.