|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VDSC: VN-Index tháng 6 dao động trong vùng 1.303 - 1.421, lạc quan với triển vọng nhóm ngân hàng và thép

16:36 | 08/06/2021
Chia sẻ
Bên cạnh những kỳ vọng tích cực về dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, VDSC cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng nghẽn lệnh và làn sóng COVID-19 lần bốn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong tháng 6.

Động lực mạnh mẽ đến từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân

Trong báo cáo chiến lược đầu tư công bố mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định sau tháng 5 giao dịch thăng hoa, thị trường chứng khoán tháng 6 sẽ tiếp tục tăng điểm nhưng có thể xảy ra những nhịp rung lắc và động lực chính cho đà tăng của thị trường vẫn là sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân.

Cụ thể, trong tháng 5, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh khi đạt 114.000 tài khoản (cao nhất từ trước đến nay) giúp cho số lượng tài khoản mở mới trong năm tháng đầu năm 2021 vượt qua con số của nguyên năm 2020. Điều này là hoàn toàn hợp lý khi lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp trong khi mức sinh lời hấp dẫn của thị trường chứng khoán là không thể phủ nhận trong thời gian qua.

VDSC: VN-Index tháng 6 dao động trong vùng 1.303 - 1.421, lạc quan với triển vọng nhóm ngân hàng và thép - Ảnh 1.

Nguồn: VDSC.

VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.303 đến 1.421 điểm

Bên cạnh những kỳ vọng, công ty chứng khoán cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng nghẽn lệnh và làn sóng COVID-19 lần bốn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán.

"Chúng tôi nhận thấy thị trường xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh khi hệ thống HOSE không thể xử lý số lượng lệnh khổng lồ lên đến gần 760.000 lệnh ngay trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 1/6. Do đó, tình trạng nghẽn lệnh có thể sẽ xảy ra thường xuyên trong tháng 6."

Gần đây các công ty chứng khoán cũng đưa ra thông báo đến nhà đầu tư về việc ngưng sửa và hủy lệnh giao dịch như là một giải pháp tạm thời nhằm giảm tình trạng nghẽn lệnh. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư sử dụng lệnh thị trường để tăng khả năng khớp lệnh có thể dẫn đến rủi ro mua cổ phiếu với giá cao và bất chấp khi thị trường đảo chiều. Do đó, thị trường có thể xảy ra những biến động lớn hơn trong giai đoạn này.

VDSC cũng lưu ý về mức độ ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 thứ tư tới triển vọng vĩ mô 2021 khi đợt bùng phát này nghiêm trọng hơn so với ba đợt trước. Tổng số ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt này (tính đến cuối tháng 5 năm 2021) lớn gấp 2,4 lần tổng số ca lây nhiễm cộng đồng của ba đợt trước.

VDSC: VN-Index tháng 6 dao động trong vùng 1.303 - 1.421, lạc quan với triển vọng nhóm ngân hàng và thép - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Y tế.

"Trong quá khứ thị trường phục hồi nhanh chóng với thông tin COVID-19 khi giới đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trở lại nhờ vào khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và kịp thời của nước ta trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn dự kiến trong năm 2021 có thể là một nhân tố tiêu cực tác động đến thị trường trong tháng 7 hoặc quý II tùy vào diễn biến của dịch bệnh", công ty chứng khoán cho hay.

Để dự báo xu hướng của VN-Index trong tháng 6, VDSC sử dụng EPS TTM của Bloomberg và điều chỉnh mức tăng của EPS (từ 0% đến 20%) trong bối cảnh kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên sàn HOSE phục hồi mạnh mẽ trong quý I/2021.

Về P/E, nhóm phân tích sử dụng số liệu P/E trung bình của ba năm gần nhất (gần 16,2x), qua đó đưa ra dự phóng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.303 đến 1.421 điểm.

Ngoài ra, VDSC tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan với nhóm cổ phiếu thép và ngân hàng với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 ước tính lần lượt là 114% và 27% dù một vài yếu tố lo ngại về dịch bệnh và định giá cao so với mức trung bình lịch sử có thể sẽ cản trở đà tăng của hai nhóm này trong ngắn hạn. 

Thu Thảo