|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khảo sát tháng 5: 72,73% chuyên gia, công ty đại chúng cho rằng chứng khoán Việt Nam tiếp tục sôi động, diễn biến tích cực

15:42 | 08/06/2021
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả năm 2021. Trong báo cáo lần này, Vietnam Report đưa ra những khảo sát của các công ty đại chúng, chuyên gia về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021.

Đánh giá về triển vọng TTCK, các chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng trong khảo sát của Vietnam Report lạc quan về TTCK trong năm 2021 với 72,73% cho rằng thị trường tiếp tục sôi động, diễn biến khá tích cực. Theo đó, có 52,38% phản hồi nhận định VN-Index có thể tăng trưởng từ 20 - 30%, và 9,52% nhận định chỉ số này có thể đạt mức tăng trưởng từ 30 – 40%.

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, trong một năm bình thường, VN-Index đã tăng từ 10%-20%, nhưng năm nay là một năm "hơi lạ", nên sẽ tăng nhanh hơn với tốc độ tăng sẽ cao hơn bình thường.

Khảo sát tháng 5: 72,73% chuyên gia, công ty đại chúng cho rằng chứng khoán Việt Nam tiếp tục sôi động, diễn biến tích cực - Ảnh 1.

Nhận định triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2021.

Triển vọng thị trường chứng khoán được đánh giá khả quan khi có nhiều yếu tố thúc đẩy. Nghiên cứu của Vietnam Report phân ra hai nhóm tạo động lực cho thị trường, bao gồm: Nhóm ngắn hạn và nhóm dài hạn.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, trong ngắn hạn không gì tốt hơn các nhà đầu tư F0 nhảy vào thị trường chứng khoán hiện nay.

Tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng hơn 90% giao dịch hàng ngày và đang ngày một giữ vai trò quan trọng hơn khi mà nhà đầu tư nước ngoài giảm lượng cổ phiếu nắm giữ. Thêm vào đó họ có ngày một nhiều kiến thức và kỹ năng trong giao dịch và đầu tư. Do vậy, Bloomberg cũng đưa ra nhận định nhà đầu tư F0 là động lực đưa TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt nhất châu Á và sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Việc nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường hiện nay là kết quả của việc lãi suất duy trì ở mức thấp liên tục nhiều tháng, nhiều quý, cùng với đó là diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam khiến việc đầu tư vào các kênh khác không hấp dẫn, ngay cả kinh doanh bất động sản.

Để mua bất động sản, nhà đầu tư cần thăm đất đai, nhà cửa, nhưng khi dịch bùng phát như từ tháng 5 đến nay khiến cho việc di chuyển khó khăn, mọi người hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Trái phiếu doanh nghiệp cũng hơi khó tiếp cận với nhà đầu tư cá nhân. Do đó, dòng tiền có thể chảy vào một kênh đơn giản và dễ dàng nhất đó là chứng khoán.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) và các ứng dụng đầu tư chứng khoán trên các thiết bị di động thông minh cũng là chất xúc tác cho các nhà đầu tư F0 gia nhập mạnh mẽ vào thị trường. Ứng dụng đầu tư chứng khoán có giao diện thân thiện, hướng đến người dùng, có thể tra cứu thông tin giao dịch, hiệu suất giao dịch theo tháng, và có thể tham khảo danh mục đầu tư của nhà đầu tư có hiệu suất cao.

Thêm vào đó, việc đặt lệnh mua bán dễ dàng nên thu hút nhà đầu tư sử dụng. Các chuyên gia và nhà đầu tư trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng nếu các công ty chứng khoán có sự đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin, nâng cao sự thân thiện và hữu dụng với người dùng thì khi đó, nhà đầu tư chứng khoán ngoại trừ việc hỗ trợ margin và môi giới, với một phần mềm dễ sử dụng không bị giật, đặt lệnh trơn tru, có tính năng để theo dõi sẽ khiến nhà đầu tư ưa chuộng.

Bên cạnh yếu tố thúc đẩy thị trường từ nhà đầu tư cá nhân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi ở mức từ 6,5 – 6,8% trong năm 2021 và có thể tăng lên 7% trong năm 2022 bởi nhiều yếu tố như Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, triển vọng xuất khẩu gia tăng khi vắc xin được phân phối rộng rãi.

Theo đó, nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán nhận định các doanh nghiệp niêm yết phục hồi tăng trưởng lợi nhuận và có thể đạt trên 20% so với năm 2020. Điều này tạo thêm động lực và niềm tin cho nhà đầu tư tiếp tục đổ dòng tiền vào TTCK.

Khảo sát tháng 5: 72,73% chuyên gia, công ty đại chúng cho rằng chứng khoán Việt Nam tiếp tục sôi động, diễn biến tích cực - Ảnh 2.

Top 6 yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán. Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2021

Yếu tố khác là làn sóng lên sàn, chuyển sàn của các ngân hàng. Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế và là kênh lưu chuyển dòng vốn. Về khía cạnh chứng khoán, nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tốt nhất trên thị trường hiện nay, bên cạnh đó, đây còn là nhóm mà các nhà đầu tư F0 cực kỳ ưa thích, bởi vì ngân hàng là nhóm giao dịch mỗi phiên rất lớn, chỉ có nhóm ngân hàng có thể hấp thụ được hết lượng tiền của F0 trong năm 2021.

Vì thế, làn sóng lên sàn, chuyển sàn của các ngân hàng cũng là một trong những yếu tố kích thích thị trường chứng khoán. Đầu tiên là nhóm ngân hàng trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM và đây cũng là nhóm có sự biến động về giá cổ phiếu rất mạnh, nhiều ngân hàng tăng khoảng hai lần chỉ trong năm 2021.

Để cho nhóm ngân hàng niêm yết chuyển sàn nhiều hơn từ sàn UPCoM sang HNX và HOSE thì yếu tố liên quan đến minh bạch thông tin, điều kiện kinh doanh đều cần phải cải thiện. Chứng khoán luôn đi kèm với câu chuyện, sự kiện, khi nhóm ngân hàng đã hoạt động tốt lại có thêm việc chuyển sàn, khi đó sẽ kích thích lực cầu của nhà đầu tư rất mạnh.

Lợi Hoàng

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.