|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu bluechips châu Á trong năm 2018 đỏ lửa, hơn 1.200 tỉ USD vốn hóa bay hơi

17:13 | 21/12/2018
Chia sẻ
Các cổ phiếu hàng đầu thị trường chứng khoán Châu Á đã mất 15% giá trị kể từ đầu năm 2018. Trong đó thiệt hại nặng nề nhất là nhóm công nghệ và tài chính của Trung Quốc do ảnh hưởng củachiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
co phieu bluechips chau a trong nam 2018 do lua hon 1200 ti usd von hoa bay hoi Chứng khoán châu Á 20/12: Cổ phiếu ngân hàng kéo Shanghai đi xuống, Nikkei mất gần 600 điểm
co phieu bluechips chau a trong nam 2018 do lua hon 1200 ti usd von hoa bay hoi Bloomberg: Chứng khoán Đông Nam Á khả quan, dự báo VN-Index tăng 11% trong năm 2019

Theo tờ Nikkei Asian Review, tính từ đầu năm đến ngày 19/12, tổng giá trị vốn hóa của 300 mã cổ phiếu lớn Châu Á trong rổ Asia300 do Nikkei theo dõi đã sụt giảm 1.270 tỉ USD, xuống còn khoảng 7.050 tỉ USD. Trong đó, khoảng 80% số cổ phiếu có giá sụt giảm.

Căng thẳng thương mại và việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đang khiến các nhà đầu tư hạ kì vọng tăng trưởng đối với các cổ phiếu bluechips của Trung Quốc như hãng công nghệ khổng lồ Tencent. Mặt khác, hãng dịch vụ tư vấn Tata Consultancy Services và các tập đoàn công nghệ khác của Ấn Độ đang nổi lên với vai trò động lực tăng trưởng mới.

Tencent mất khoảng 125 tỉ USD vốn hóa trong năm nay, mức sụt giảm mạnh nhất trong số các doanh nghiệp Asia300. Lợi nhuận ròng quí II (tháng 4-6) của Tencent sụt giảm lần đầu tiên trong 13 năm qua, nguyên nhân là hoạt động game trực tuyến – nguồn thu nhập lớn nhất của Tencent – bị bóp nghẹt bởi sự quản lí ngày càng chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc.

Mối lo ngại về sự giảm tốc trong tiêu dùng nội địa do chiến tranh thương mại cũng khiến nhà đầu tư rút lui khỏi cổ phiếu Tencent.

Trong một thông cáo báo chí công bố vào tháng 11, CEO của Tencent - ông Pony Ma Huateng cho biết Tencent “đạt được kết quả hoạt động tích cực và duy trì các chỉ tiêu tài chính khỏe mạnh” trong quí III. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lại đang tỏ ra lo lắng về triển vọng mảng kinh doanh chính trò chơi điện tử của công ty.

Sự sụt giảm qui mô vốn hóa của Tencent đã đặt ra một dấu hỏi lớn đối với một doanh nghiệp mà cho đến gần đây vẫn được coi là thống trị thị trường tiêu dùng Trung Quốc và là một trong những cổ phiếu nhiều tiềm năng nhất đất nước này. Phần mềm chat miễn phí WeChat của Tencent có hơn 1 tỉ người dùng và thị trường thanh toán qua điện thoại di động của Trung Quốc đang bị thống trị bởi hai đại gia ngang tài ngang sức là WeChat Pay của Tencent và đối thủ cạnh tranh Alipay thuộc tập đoàn Alibaba.

Tập đoàn duy nhất không đến từ Trung Quốc góp mặt trong Top 10 cổ phiếu sụt giảm vốn hóa mạnh nhất năm 2018 là Samsung Electronics, đứng thứ 2 ngay sau Tencent.

co phieu bluechips chau a trong nam 2018 do lua hon 1200 ti usd von hoa bay hoi
CEO Tencent Pony Ma Huateng (bên trái) và Chủ tịch Alibaba Jack Ma (bên phải). Ảnh: Reuters/Nikkei.

Cổ phiếu Alibaba có mức sụt giảm vốn hóa ở vị trí thứ 3 trong bối cảnh lợi nhuận ròng giai đoạn tháng 4 – tháng 9 sụt giảm 10% do dịch vụ chuyển phát đồ ăn Ele.me báo lỗ. Dẫu vậy, CEO của Alibaba – ông Daniel Zhang bày tỏ sự tự tin và dẫn ra số liệu tăng trưởng người dùng tích cực so với quí trước trên thị trường bán lẻ Trung Quốc là 25 triệu người.

Và tập đoàn này đang vội vã mở rộng hoạt động bất chấp giá cổ phiếu trên đà giảm. Alibaba đang đặt mục tiêu đưa các tiểu thương trên khắp Trung Quốc – kể cả ở vùng nông thôn – đến với hệ sinh thái mua sắm online của tập đoàn.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc có mức giảm vốn hóa lần lượt xếp thứ 4 và 5 trong năm nay. Ở vị trí thứ 6 là Ping An Insurance Group, tiếp đến là JD.com – hãng bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai tại Trung Quốc.

Kweichow Moutai - hãng sản xuất rượu cao cấp của Trung Quốc đứng thứ 8, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đứng thứ 9 và tập đoàn dầu khí PetroChina thứ 10.

Các cổ phiếu công nghệ trước đây là động lực tăng trưởng giờ phải đối mặt với triển vọng u ám. Samsung mất khoảng 110 tỉ USD vốn hóa, trong bối cảnh giá bán bộ nhớ bán dẫn – mặt hàng chính của hãng này – giảm sút, làm dấy lên nhiều lo ngại về lợi nhuận trong năm sau. Samsung cũng đang để mất dần thị phần trên thị trường smartphone Trung Quốc.

Foxconn (hay còn tên gọi khác là Hon Hai Precision Industry) tại Đài Loan đã mất khoảng 23 tỉ USD vốn hóa và đứng ở vị trí thứ 13. Nhu cầu đối với dịch vụ lắp ráp của Foxconn tụt dốc do doanh số bán iPhone sụt giảm. Mô hình sản xuất qui mô đại trà cho thị trường Mỹ bằng các nhà máy tại Trung Quốc làm nhiều nhà đầu tư lo ngại trong hoàn cảnh cuộc chiến thương mại leo thang và Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng điện tử xuất xứ từ Trung Quốc.

Tháng 12 này, Chủ tịch Foxconn ông Terry Goe đã lên tiếng cảnh báo cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài thêm 5 đến 10 năm nữa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Ấn Độ lại chiếm lĩnh 5 vị trí đầu bảng tăng giá trị vốn hóa, qua đó thay thế Trung Quốc đảm nhận vai trò động lực tăng trưởng của chứng khoán Châu Á.

Tăng mạnh nhất là Tata consultancy Services với khoảng 24 tỉ USD. Ở vị trí thứ hai là tập đoàn đa ngành Reliance Industries, theo sau là công ty sản xuất hàng tiêu dùng hàng ngày Hindustan Unilever, hãng dịch vụ công nghệ thông tin Infosys và công ty tài chính Housing Development Finance.

Reliance được hưởng lợi khi nhu cầu đối với nhiều mặt hàng của hãng này tăng lên như sợ polyester hay sản phẩm hóa dầu trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tăng trưởng. Mặt hàng điện thoại di động của hãng với thương hiệu Reliance Jio cũng đang dần chiếm được thị phần.

Doanh nghiệp có hơi hướng hàng tiêu dùng như Hindustan Unilever và hãng thực phẩm Nestle India của Ấn Độ có vốn hóa tăng lên, trái ngược với tình hình tại Trung Quốc.

Xem thêm

Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.