|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phần hóa HUD: Bộ XD muốn dành 25% cổ phần cho NĐT chiến lược, Bộ KHĐT nói không cần

17:24 | 31/07/2017
Chia sẻ
Trong phương án cổ phần hóa HUD, Bộ Xây dựng đề xuất dành 25% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng đơn vị này không cần có nhà đầu tư chiến lược và nên đấu giá rộng rãi toàn bộ vốn nhà nước tại đây.
co phan hoa hud bo xd muon danh 25 co phan cho ndt chien luoc bo khdt noi khong can
Trụ sở Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). (Ảnh: Đầu tư Bất động sản).

Cổ phần hóa HUD không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ về phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) do Bộ Xây dựng trình lên.

Theo Quyết định của Bộ Xây dựng (BXD) về giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa HUD, tại thời điểm ngày 31/12/2014, giá trị doanh nghiệp của HUD là hơn 10.943 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là hơn 3.405 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, HUD sẽ cổ phần hóa theo hình thức bán một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ cấu vốn điều lệ dự kiến như sau: nhà nước nắm 51%; cổ đông chiến lược năm 25%; cán bộ công nhân viên nắm 0,31%; nhà đầu tư bên ngoài nắm 23,69%. Mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, BXD đề xuất dành 25% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, họ có thể hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính… Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, vì HUD là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nên Bộ KH&ĐT cho rằng không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược và đề nghị BXD đấu giá rộng rãi toàn bộ phần vốn nhà nước thoái đợt này.

BXD cũng đề xuất nhà nước nắm giữ 51% vốn tại HUD sau cổ phần hóa với lý do HUD nắm giữ nhiều nguồn lực về đất đai, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, căn cứ Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 ban hành kèm Quyết định số 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì HUD thuộc diện nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ sau cổ phần.

Theo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, nhiệm vụ đến năm 2020 vào tháng 3/2017, HUD thuộc diện cổ phần hóa, bán bớt phần vốn nhà nước, nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019. Do vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị BXD báo cáo Thủ tướng bổ sung vào phương án cổ phần hóa về tỷ lệ vốn do nhà nước tiếp tục nắm giữ tại HUD sau cổ phần hóa, đảm bảo phù hợp với Quyết định số 58 nêu trên.

Bộ XD đề nghị cho HUD tiếp tục dùng nguồn chi phí trích trước hơn 3.797 tỷ đồng sau khi cổ phần hóa, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể

Tại Công văn số 25, BXD kiến nghị được lấy kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại ngày 31/12/2014 để thực hiện bán cổ phần lần đầu và gia hạn thời gian cổ phần hóa. Hiện tại, HUD đã quá 29 tháng từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp nên có nhiều biến động về giá trị tài sản doanh nghiệp. Do vậy, để đảm bảo tính chính xác của giá trị doanh nghiệp đã công bố, Bộ KH&ĐT đề nghị BXD báo cáo Thủ tướng cho phép phối hợp với Kiểm toán Nhà nước rà soát để cập nhật giá trị doanh nghiệp đến thời điểm gần nhất.

BXD cũng kiến nghị cho phép gia hạn thời gian bán cổ phần lần đầu của HUD là 120 ngày kể từ khi phương án được phê duyệt. Nhưng theo quy định của Bộ Tài chính, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu theo các phương thức đã được duyệt. Bộ KH&ĐT đề nghị thực hiện theo quy định này.

BXD còn đề nghị áp dụng phương pháp xác định giá trị chênh lệch quyền sử dụng đất của HUD đã bao gồm chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và chi phí giải phóng mặt bằng. Kiểm toán Nhà nước cho rằng phương pháp xác định giá trị nêu trên hiện chưa có hướng dẫn trong văn bản pháp luật nên Bộ KH&ĐT đề nghị BXD yêu cầu đơn vị tư vấn giải trình thêm về phương pháp này trong thực tiễn.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, các dự án của HUD chưa hoàn thành và một số dự án có trích trước chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng để tiếp tục đầu tư hiện đang được hạch toán tại tài khoản chi phí phải trả là hơn 3.797 tỷ đồng. BXD đề nghị cho HUD tiếp tục dùng nguồn chi phí trích trước này sau khi cổ phần hóa, nếu không dùng hết thì phần chênh lệch còn lại sẽ nộp ngân sách nhà nước.

Theo giải trình của BXD, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, HUD vẫn phải có trách nhiệm hoàn thành các hạng mục cơ sở hạ tầng để dự án hoàn thành đồng bộ theo quy định. Tuy nhiên, từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến nay đã gần 30 tháng và khoản chi phí trích trước này cũng đã dùng một phần vào các hạng mục cam kết. Do vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Cuối cùng, BXD đề nghị tạm trừ toàn bộ giá trị tài sản tại 22 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội với tổng giá trị 19 tỷ đồng do đến nay địa phương chưa có ý kiến chính thức cuối cùng về phương án sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS). Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã có ý kiến cho phép HUDS tạm giữ lại tiếp tục quản lý, sử dụng 10 cơ sở nhà, đất; thực hiện bàn giao cho thành phố 12 cơ sở nhà, đất đang sử dụng không đúng mục đích được giao. BXD được đề nghị chỉ đạo tính toán, điều chỉnh theo ý kiến của thành phố.

co phan hoa hud bo xd muon danh 25 co phan cho ndt chien luoc bo khdt noi khong can Cổ phần hóa HUD: Rối bời trước “giờ G”

Quý IV/2016 được xác định là thời điểm cuối cùng để HUD hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ, nhưng thông tin ...

Linh Lê

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).