|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phần hóa HUD: Rối bời trước “giờ G”

16:24 | 22/10/2016
Chia sẻ
Quý IV/2016 được xác định là thời điểm cuối cùng để HUD hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ, nhưng thông tin về giá trị doanh nghiệp và nhà đầu tư chiến lược vẫn là phương án để ngỏ.

Loay hoay xác định giá trị doanh nghiệp

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà ở và đô thị (HUD) cho biết, đến thời điểm này, Tổng công ty mới hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp duy nhất tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ và đô thị (HUDS).

Các đơn vị nằm trong diện phải thoái vốn gồm: CTCP Xi măng Sông Thao, CTCP Khách sạn và Du lịch Bảo Việt, CTCP Sài Gòn – Rạch Giá, CTCP Phát triển nhà và đô thị Phú Quốc, Quỹ Đầu tư Việt Nam VIF và CTCP Đầu tư hạ tầng Phú Quốc đều chưa thể công bố giá trị doanh nghiệp, để nhà đầu có thể xem xét trở thành nhà đầu tư chiến lược, vấn đề mấu chốt trong việc cổ phần hóa công ty mẹ.

co phan hoa hud roi boi truoc gio g

Trước năm 2011, HUD đã quyết định đầu tư các dự án vượt xa khả năng tài chính và quản trị, dẫn đến việc chậm trễ trong triển khai các dự án.

Theo ông Ngô Duy Đông, Chánh văn phòng HUD, năm 2016, HUD tập trung vào các nhóm ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bất động sản như: Đầu tư phát triển, kinh doanh nhà ở, các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế và văn phòng cho thuê; Tổng thầu xây lắp, thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, công trình điện...; Sản xuất, kinh doanh các loại vật tư, vật liệu xây dựng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức kinh doanh nhà và hạ tầng theo hướng chuyên nghiệp, tìm kiếm các đối tác uy tín tham gia phân phối sản phẩm của Tổng công ty; Nghiên cứu phát triển các dự án mới có tính khả thi, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị và nhà ở tại các địa phương, tiếp tục triển khai các dự án đầu tư có tính khả thi, hiệu quả…

Tuy nhiên, thực tế trong 9 tháng đầu năm 2016, HUD đã không đưa ra được sản phẩm mới nào để cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần. Các dự án mà HUD đang đầu tư phát triển chủ yếu là các dự án nhà ở xã hội như: Khu nhà ở Thanh Lâm - Đại Thịnh II, Nam An Khánh, Giang Biên, Kiến Hưng (Hà Nội); Lê Thái Tổ (Bắc Ninh); Phú Sơn, Nam thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa); Phước Long (Nha Trang), Hiệp Phú (TP.HCM)... Đây là những dự án đã được chấp thuận từ những năm trước và thực sự không mang lại tiếng vang đang kể nào cho HUD trong tiến trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và chuyển đổi mô hình phát triển từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

Nhà đầu tư chiến lược gì?

Trước đó, trong kế hoạch tái cơ cấu, đầu năm 2016, HUD đã chào bán 1,5 triệu cổ phần (giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần) tại CTCP Khách sạn và du lịch Bảo Việt (vốn điều lệ 60 tỷ đồng) và 280.000 cổ phần tại CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Phú Quốc (vốn điều lệ 500 tỷ đồng).

Cuối năm 2015, HUD cũng bán đi khu đất xây dựng Tổ hợp khách sạn – căn hộ cao cấp Ánh Dương, diện tích 2,1 ha tại góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng). Sau khi mua lại Dự án, chủ đầu tư mới là CTCP PPC An Thịnh Đà Nẵng đã công bố kế hoạch đầu tư 10.000 tỷ đồng để triển khai tổ hợp gồm 1 tòa chung cư 47 tầng, 2 tòa chung cư 58 tầng và 1 tòa căn hộ - khách sạn cao 47 tầng trên phần đất mà HUD đã bỏ hoang nhiều năm này.

Năm 2015, một công ty khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là CTCP Phát triển nhà và đô thị Phú Quốc, hiện đang đầu tư 2 dự án tại Phú Quốc mà HUD sở hữu cổ phần, cũng đã bán cho đối tác.

Trong khi đó, Kết luận thanh tra HUD của Thanh tra Chính phủ ngày 25/5/2015, quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt là từ năm 2011 trở về trước, HUD đã quyết định đầu tư các dự án vượt xa khả năng tài chính và quản trị, dẫn đến việc chậm trễ trong triển khai các dự án, sản phẩm dở dang và hàng tồn kho quá nhiều, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay. Cụ thể, các khoản nợ phải trả của HUD lên tới 6.684 tỷ đồng, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền. Trong khi đó, tồn kho lại quá nhiều (hơn 4.352 tỷ đồng) thanh khoản chậm, hạch toán chưa đầy đủ các khoản nợ tiền sử dụng đất. Nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn chưa bàn giao được cho địa phương khối lượng lớn (4.501 tỷ đồng).

Trước yêu cầu từ Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã ký Công văn số 2192 mời nhà đầu tư quan tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược sau khi cổ phần hóa các công ty mẹ, tổng công ty các đơn vị mà Bộ này đang quản lý gồm: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh, đây là các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu trong các lĩnh vực đầu tư và xây dựng công trình thủy điện, khu đô thị, khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản... với uy tín, bề dày kinh nghiệm trên thị trường và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành xây dựng. Nhưng đáng tiếc, Bộ Xây dựng đã không thông tin cụ thể về giá trị doanh nghiệp, các khoản nợ… của doanh nghiệp để nhà đầu tư có thể tham khảo trước khi quyết định phương án trở thành nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp này.

Theo Hà Quang