Cổ phần hóa DNNN: Cần định giá gắn với thị trường hơn
|
* Mấy ngày nữa là đến hạn chót (quý I/2017) Bộ Tài chính phải trình Chính phủ Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2016 - 2020. Ông nói gì về điều này?
- Nhà nước vẫn "ôm" một tỷ lệ vốn khá lớn, đến 2/3 trong các DNNN đã cổ phần hóa. Đó là chưa kể tình trạng vốn hóa các tài sản hữu hình và vô hình còn đang gây tranh cãi, như tình trạng cổ phần hóa xưởng phim thì giá trị lớn nhất nhà đầu tư quan tâm là đất. Tình trạng Khách sạn Phú Gia hay Công ty CP Kem Tràng Tiền cũng vậy, vì chưa tính đủ giá trị vị trí đắc địa và thương hiệu của doanh nghiệp.
Những thực tế đó cho thấy vẫn còn nhiều sơ hở trong cơ chế, chính sách thực hiện cổ phần hóa.
* Theo quan sát của ông, những loại tài sản nào được các nhà đầu tư quan tâm nhất?
- Điều này tùy thuộc từng doanh nghiệp. Nhưng nhìn tổng quát, có 2 thứ tài sản hấp dẫn nhất là đất đai, nhà xưởng (bề nổi nhưng bị che khuất) và thương hiệu (ẩn tàng, thường bị đánh giá thấp).
Chỉ có công khai, minh bạch mới chống được tham nhũng trong lĩnh vực này.
* Ông quan sát thế nào về việc định giá tài sản cổ phần hóa hiện nay?
- Định giá doanh nghiệp cổ phần hóa là vấn đề không đơn giản, bởi phụ thuộc nhiều yếu tố. Việc định giá phải được công khai và tuân thủ các nguyên tắc thị trường. Công khai, minh bạch, có sự giám sát của cán bộ, công nhân viên doanh nghiệp và các cơ quan quản lý sẽ làm cho việc định giá chính xác hơn, gần với thị trường hơn.
Cổ phần hóa DNNN là một chủ trương lớn, nhưng thực hiện chậm. Riêng năm 2016 chỉ thực hiện được 55 DN, nếu cộng thêm 12 DN được sắp xếp (giải thể 10 DN, phá sản 1 DN và bán 1 DN) là 67 DN, chỉ bằng 22% so với năm 2015 (244 DN). Nếu tính cả thời kỳ 2011 - 2016 thì đã có 557 DNNN được sắp xếp và cổ phần hóa. Tổng giá trị thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD), trong đó phần góp vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng (tương đương hơn 8 tỷ USD). Trong vốn điều lệ, Nhà nước lại nắm chủ yếu, chiếm tới 65%, nhà đầu tư chiến lược 15,8%, người lao động 2%, công đoàn 0,5% và bán ra thị trường 16,7%. |
Năm 2016, việc định giá và bán DNNN thận trọng hơn, kể cả việc thoái vốn với số vốn nhà nước được thoái tại 106 doanh nghiệp giá trị sổ sách gần 5.000 tỷ đồng, đã thu hồi được hơn 18.000 tỷ đồng, bằng 3,76 lần giá sổ sách trong khi năm 2015 chỉ ở mức 1,5 lần. Đặc biệt ở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giá trị được nâng lên 5 lần.
* Như vậy có thể hiểu chính sách cổ phần hóa DNNN hiện chưa đảm bảo tài sản cổ phần hóa mang lại giá trị lớn nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp?
- Tài sản bán được sau cổ phần hóa tùy thuộc từng doanh nghiệp, từng loại hình doanh nghiệp. Mục đích của cổ phần hóa là chuyển đổi sở hữu, có thể tạo điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là bán giá cao hay thấp. Dĩ nhiên bán được giá cao là tốt, nhưng việc sử dụng vốn đó như thế nào lại là vấn đề ít được quan tâm đúng mức, do đó che lấp đi mục đích của cổ phần hóa DNNN.
Nên tập trung quản lý chặt chẽ số vốn nhà nước đang nằm trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nâng cao chất lượng quản trị để tăng hiệu quả. Với số vốn đã "bán đứt" thì việc đưa vào cân đối ngân sách để chi tiêu chung, mà không phải dành cho tái đầu tư là bất hợp lý, vì ăn vào vốn. Đây là những vấn đề cần tiếp tục xem xét kỹ lưỡng.
* Vấn đề là phải làm gì để tăng tính hấp dẫn của các tài sản này cũng như sốc lại tinh thần cho các nhà đầu tư...
- Có nhiều việc phải làm, cần chuẩn bị cả kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa và thoái vốn nhờ tăng cường chất lượng quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Như vậy, nhà đầu tư sẽ mua giá trị tương lai, thay vì phải mua "đống sắt vụn". Ngay các doanh nghiệp sáng giá như Vinamilk hay Sabeco cũng có những phần tài sản "kém chất lượng" chứ không phải là "hảo hạng" cả.
Việc đưa các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, thông báo công khai thông tin sẽ làm tăng tính hấp dẫn. Việc Nhà nước giảm mạnh tỷ lệ sở hữu vốn trong DNNN đã cổ phần hóa cũng làm tăng tính hấp dẫn. Chủ trương chuyển nhanh vốn của DNNN sang SCIC để công ty này xử lý là một quyết sách cần được thực hiện nghiêm, không có ngoại lệ, chấm dứt tình trạng như 173 doanh nghiệp đang được các bộ, ngành và địa phương xin hoãn để nâng cấp rồi mới chuyển giao, kể cả nhiều tập đoàn lớn.
Hiệu quả sau cổ phần hóa đang là sức hút đối với các nhà đầu tư, như Vinamilk có mức lãi tăng nhanh, hay Petrolimex từ lỗ sang lãi. Chất lượng điều hành sau cổ phần hóa là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức, bởi vì thoái vốn hay cổ phần hóa mới là khởi đầu của quá trình dài hạn thực hiện cải cách DNNN.
* Cám ơn ông!