|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Có hơn 1 triệu chủ nợ trong hồ sơ phá sản của FTX

06:00 | 17/11/2022
Chia sẻ
Theo một hồ sơ phá sản mới, sàn giao dịch tiền điện tử được bảo vệ FTX có thể có hơn 1 triệu chủ nợ, gây lo ngại về ảnh hưởng to lớn của tuyên bố phá sản đối với các nhà giao dịch, đầu tư.

Có hơn 1 triệu chủ nợ trong hồ sơ phá sản của FTX

Tuần trước, khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chapter 11, FTX cho biết họ có hơn 100.000 chủ nợ có yêu cầu bồi thường trong vụ việc. Tuy nhiên, trong một hồ sơ cập nhật hôm 15/11, các luật sư của công ty cho biết: "Trên thực tế, có thể có hơn 1 triệu chủ nợ trong vụ phá sản này". Sự sụp đổ của FTX gây ra tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường và ngành công nghiệp tiền điện tử nói chung.

Founder, CEO của FTX đã từ chức sau khi công ty tiền điện tử nộp đơn xin phá sản. (Ảnh: Yahoo News) 

Thông thường trong những trường hợp như vậy, con nợ được yêu cầu cung cấp danh sách tên và địa chỉ của 20 chủ nợ không có thế chấp hàng đầu, các luật sư cho biết. Tuy nhiên, dựa trên quy mô các khoản nợ của mình, thay vào đó, tập đoàn FTX dự định sẽ đệ trình danh sách 50 chủ nợ lớn nhất chậm nhất là vào ngày 18/11 tới đây.

Năm giám đốc độc lập mới đã được bổ nhiệm tại mỗi công ty mẹ chính của FTX, theo hồ sơ, bao gồm cả cựu thẩm phán quận Delaware Joseph J. Farnan. Trong khoảng 3 ngày qua, FTX đã liên hệ với “hàng chục” cơ quan quản lý ở Mỹ và nước ngoài, luật sư của công ty cho hay. Những cơ quan mà FTX liên hệ bao gồm Văn phòng Luật sư Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai.

Nguy cơ với toàn ngành từ vụ phá sản của FTX

2022 là năm chứng kiến ​​một loạt các công ty tiền điện tử, bao gồm cả Celsius và Voyager Digital thất bại khi họ phải đối mặt với sự sụt giảm về giá tài sản kỹ thuật số và các vấn đề thanh khoản sau đó.

Trong các trường hợp phá sản trước đó, những nhà đầu tư, giao dịch trên các nền tảng này đã được chỉ định là "chủ nợ không có bảo đảm", có nghĩa là họ có thể sẽ đứng sau một hàng dài các thực thể tìm cách để được trả nợ, còn phải chờ đợi rất lâu.

Trước khi sụp đổ, FTX đã cung cấp cho các nhà giao dịch tiền điện tử nghiệp dư và chuyên nghiệp cũng như các giao dịch phái sinh phức tạp hơn nhiều tiện ích. Vào thời kỳ đỉnh cao, nền tảng này được các nhà đầu tư định giá 32 tỷ USD và có hơn 1 triệu người dùng. Sự thất bại của công ty đã gây ra một hiệu ứng nghiêm trọng cho toàn ngành, với việc các nhà đầu tư vội vàng bán tháo và chuyển tiền khỏi các sàn giao dịch bitcoin, tiền ảo nói chung.

Đầu tuần này, các CEO của Binance và Crypto.com đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp họ. CEO Changpeng Zhao của Binance cho biết sàn giao dịch của ông chỉ thấy lượng rút tiền tăng nhẹ, trong khi giám đốc Crypto.com Kris Marszalek cho biết công ty của ông có “bảng cân đối kế toán cực kỳ mạnh mẽ”.

Khách hàng hòa vốn?

FTX đã chính thức nộp đơn xin phá sản vào cuối tuần trước do những lo ngại về sức khỏe tài chính của công ty dẫn đến việc rút tiền tăng vọt và giá trị của mã thông báo FTT gốc giảm mạnh. Sam Bankman-Fried, người sáng lập FTX, đã rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành và được thay thế bởi John J. Ray III.

FTX ban đầu đã đề nghị Binance đưa ra một thỏa thuận giải cứu, nhưng thỏa thuận đã sụp đổ khi Binance từ chối sau đó vì tìm ra những dấu hiệu cho thấy FTX xử lý sai quỹ của khách hàng và các cuộc thăm dò, điều tra của chính phủ Mỹ với nền tảng. Cuối tuần qua, FTX đã bị tấn công mạng, dẫn đến việc đánh cắp mã thông báo trị giá hơn 400 triệu USD.

Sự sụp đổ của FTX đã gây ra “sự mất mát lớn về niềm tin của nhà đầu tư”, nhiều nhà môi giới tiền điện tử cho biết.

“FTX đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng, đòi hỏi họ phải nộp đơn khẩn cấp vào hôm thứ Sáu tuần trước (11/11)”, các luật sư viết trong đơn đệ trình hôm 15/11 vừa qua. “Các câu hỏi đặt ra về khả năng lãnh đạo của ông Bankman-Fried và việc xử lý mảng tài sản và công việc kinh doanh phức tạp của FTX dưới sự chỉ đạo của ông”.

CNBC đưa tin hôm 13/11 rằng Alameda Research, công ty anh em của FTX đã vay hàng tỷ USD tiền của khách hàng từ sàn giao dịch để thực hiện các giao dịch đòn bẩy rủi ro, khiến FTX không còn khả năng thanh toán khi người dùng muốn rút tiền.

Nhìn chung, việc sử dụng tiền của khách hàng cho các đối tác và giao dịch chúng mà không có sự đồng ý là hành động bất hợp pháp theo luật chứng khoán của Mỹ. Điều này cũng vi phạm điều khoản dịch vụ của FTX công khai trước đó.

Cựu CEO Bankman-Fried từ chối bình luận về các cáo buộc nhưng cho biết việc nộp đơn phá sản gần đây của công ty là kết quả của các vấn đề với vị thế giao dịch đòn bẩy.

“Tôi nghĩ rằng ngày càng rõ ràng, ngay cả ở cấp độ cơ bản, rằng kiểu đan xen lợi ích giữa nhà tạo lập thị trường và sàn giao dịch là rất phi đạo đức”, Giám đốc điều hành Jamie Burke và người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Outlier Ventures về Web3 nói với CNBC.

Thu Phương