Ông chủ sàn FTX Sam Bankman-Fried, nạn nhân tiếp theo của 'lời nguyền Warren Buffett'
Được so sánh với Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư huyền thoại và thành công nhất trên thế giới, là điều không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, sự so sánh này có thể giống như “một lời nguyền” nhiều hơn vì những người từng được gọi là “Warren Buffett 2.0” cuối cùng lại gặp phải nhiều sóng gió.
Cái tên mới nhất gặp chuyện xui rủi khi được ví là “Warren Buffett 2.0” chính là cựu tỷ phú Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền số nổi tiếng FTX mới nộp đơn xin bảo hộ phá sản gần đây, theo Business Insider.
Tạp chí danh tiếng Fortune từng đưa cái tên Sam Bankman-Fried lên trang nhất của ấn phẩm phát hành tháng 8, đặt ra câu hỏi với độc giả rằng Sam có thực sự là “Warren Buffett tiếp theo” hay không.
Có nhiều lý do chính đáng để đặt ra câu hỏi như vậy vì Sam Bankman-Fried đã tạo dựng được khối tài sản ròng trị giá hàng tỷ USD trong một khoảng thời gian ngắn thông qua lĩnh vực tiền điện tử.
Chỉ ba tháng sau khi ấn phẩm được phát hành, Sam Bankman-Fried đã tạo ra một cú sốc cho thị trường tiền số khi sàn giao dịch FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản do gặp suy thoái thanh khoản. Theo Business Insider, cú ngã của FTX có thể khiến các nhà đầu tư và khách hàng FTX thiệt hại tới 10 tỷ USD.
Sam Bankman-Fried không phải là cái tên đầu tiên vấp ngã khi được so sánh với tỷ phú Warren Buffett. Dưới đây là những cái tên nổi tiếng, từng được kỳ vọng trở thành “Warren Buffett 2.0”, nhưng vì rất nhiều lý do, đã vụt tắt.
Eddie Lampert
Trong ấn bản được xuất bản tháng 11/2004 của Businessweek, tạp chí đã đưa nhà quản lý quỹ đầu cơ Eddie Lampert lên trang bìa tạp chí của mình và đặt ra câu hỏi, "The Next Warren Buffett?”.
Ấn bản này được xuất bản sau khi Lampert dẫn đầu sự thay đổi thành công của Kmart, công ty đã vực dậy sau khi suýt phá sản, đem lại thành công cho Lampert và các nhà đầu tư. "Liệu Lampert có thể biến Kmart thành một Berkshire Hathaway mới?" tạp chí đặt ra câu hỏi. Câu trả lời cuối cùng đã rất rõ ràng: Không.
Là chủ tịch của Sears Holdings, Eddie Lampert đã mua lại Kmart trong nỗ lực xoay chuyển tình thế của hai nhà bán lẻ đang gặp khó khăn. Sau đó, sự xuất hiện của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon đã phá hỏng những kế hoạch đó.
Kết quả cuối cùng là một con đường dài và quanh co dẫn đến phá sản, chứng kiến sự phá hủy hoàn toàn giá trị của Sears, đồng thời cũng dẫn đến việc đóng cửa hoàn toàn nhà bán lẻ mang tính biểu tượng một thời.
Bill Ackman
Trong một ấn bản đặc biệt năm 2015 của tạp chí Forbes, nhà quản lý quỹ đầu cơ Bill Ackman cũng được đưa lên trang bìa, với biệt danh "Baby Buffett”.
Trang bìa tạp chí cho biết: "Người đàn ông của Phố Wall đã thu về hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái. Giờ đây, ông ấy đang âm thầm tạo ra “Berkshire Hathaway tiếp theo". Ấn bản này được xuất bản sau khi Ackman kiếm được nhiều tiền từ các công ty dược phẩm Valeant và Allergan trong khi cũng đang ở trong chiến dịch bán khống Herbalife.
Chỉ ba tháng sau khi xuất hiện trên bìa tạp chí, một vụ bê bối về chất cấm đã khiến giá cổ phiếu Valeant bị ảnh hưởng nặng, giảm hơn 90%. Dự án của Ackman về công ty chăm sóc sức khỏe, mà ông gọi là công ty nền tảng tương tự như Berkshire Hathaway đã bị vô hiệu. Sau đó, vị thế bán khống của Ackman về Herbalife cũng khiến ông mất gần 1 tỷ USD.
Khối tài sản ròng của Ackman cuối cùng đã phục hồi trở lại. Dù thua lỗ trong năm 2015, Ackman vẫn được đánh giá cao bởi các khoản đầu cơ và dự báo kinh tế vĩ mô trước đó. Quỹ đầu cơ của ông cũng được coi là một trong những quỹ đầu cơ ưu tú ở thời điểm đó.
Chamath Palihapitiya
Khó có thể bỏ qua thành công của Chamath Palihapitiya trên thị trường chứng khoán trong hai năm qua. Ông là người đã góp phần tạo ra cuộc cách mạng hóa trong việc sử dụng SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) để niêm yết doanh nghiệp thay vì đi theo con đường IPO truyền thống.
Một số công ty SPAC của Palihapitiya đã chứng kiến giá trị tăng vọt trong bối cảnh SPAC bùng nổ vào năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.
Palihapitiya thường được giới đầu tư so sánh với tỷ phú Warren Buffett. Josh Brown, CEO Ritholtz Wealth Management và là một cây viết của CNBC đã gọi Palihapitiya là "Warren Buffett mới" trên một podcast vào tháng 1/2021.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, sự bùng nổ SPAC đã không còn, và triều đại của Palihapitiya với tư cách là “vị vua SPAC” đã kết thúc khi bong bóng hình thành xung quanh các SPAC bị đổ vỡ.
Lời nguyền Warren Buffett
Nguồn gốc thực sự của lời nguyền có thể nằm ở việc tỷ phú Warren Buffett thể hiện một sự kiên nhẫn đáng kinh ngạc với các khoản đầu tư trong nhiều năm, một điều khó có thể xảy ra trong một thị trường biến động liên tục, đầy rẫy FOMO (Fear Of Missing Out – Hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội).
Cuối cùng, thành công của Warren Buffett không phải là kiếm tiền nhanh chóng ở Phố Wall bằng cách chạy theo xu hướng hiện tại. Bí quyết kiếm tiền của tỷ phú người Mỹ được thúc đẩy bởi sự kiên nhẫn trong việc mua cổ phiếu của các công ty chất lượng cao với mức định giá hấp dẫn và nắm giữ chúng trong hàng thập kỷ.