Tương lai bất định chờ đón ông chủ FTX Sam Bankman-Fried
Khi CEO FTX Sam Bankman-Fried đứng ra bảo lãnh cho một loạt công ty tiền điện tử đang gặp khó khăn vào đầu năm nay, tỷ phú 30 tuổi đã được nhiều người ca ngợi. Ông tự coi mình là lá chắn sẽ bảo vệ tiền điện tử ngay cả khi điều này ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của ông và FTX, theo tạp chí Forbes.
Điều trớ trêu đã xảy ra khi chính Sam Bankman-Fried và FTX giờ đây mới là những người cần được cứu trợ. Ông đã thông báo vào ngày 8/11 rằng FTX, sàn giao dịch đã huy động được gần 2 tỷ USD kể từ năm 2019 và được định giá 32 tỷ USD vào tháng 1, đang cố gắng bán mình cho Binance.
Nếu giao dịch này diễn ra, gần như khối tài sản ròng của Sam sẽ giảm xuống dưới 1 tỷ USD. Trước đó, nhà sáng lập FTX từng có thời điểm sở hữu khối tài sản ròng trị giá 26,5 tỷ USD, là một trong những tỷ phú tiền số giàu nhất hành tinh.
Đây là một sự kiện gây sốc bởi nó xảy ra với một trong những công ty được coi là lớn nhất trong ngành tiền số. Bỏ qua những gì đang diễn ra với FTX, mọi người cũng đang quan tâm tới tương lai của người sáng lập Sam Bankman-Fried để xem liệu ông sẽ đi về đâu.
Cố gắng hoàn tất giao dịch với Binance
Điều quan trọng nhất với Sam hiện tại là cố gắng để giao dịch với Binance diễn ra thành công. Hiện chưa có gì đảm bảo điều này sẽ trở thành sự thật bởi chính CEO Binance Changpeng Zhao đã khẳng định rằng sàn này có thể rút khỏi thương vụ bất kỳ lúc nào.
FTX là một mê cung phức tạp. Đơn vị này có nhượng quyền thương mại trên khắp thế giới. Gần đây nhất, FTX đã mua Bithumb, Liquid và BitVo, có trụ sở tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada, với số tiền không được tiết lộ. FTX cũng cam kết hơn 750 triệu USD trong các hợp đồng cứu trợ cho những đơn vị gặp khó trong ngành như Voyager và BlockFi.
Chưa rõ liệu Sam Bankman-Fried có trụ lại thế giới tiền điện tử trong tương lai hay không. Theo Forbes, Sam từng nói rõ rằng ông chưa bao giờ là một tín đồ thực sự, mà chỉ xem tiền điện tử là một cách để kiếm tiền. Ông cũng từng khẳng định sẽ cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể trước khi dùng số tiền đó để làm những việc có ích khác.
Chính suy nghĩ này là lý do khiến Sam gia nhập thị trường tiền số vào năm 2017. Khi đó, ông nhận ra rằng có thể mua bitcoin ở Mỹ và bán ở Nhật Bản với giá cao hơn tới 30%. “Tôi tham gia vào tiền điện tử mà không biết tiền điện tử là gì. Có vẻ như có rất nhiều giao dịch tốt để thực hiện”, Sam chia sẻ.
Khi được hỏi liệu có rời khỏi ngành tiền điện tử nếu tìm ra cách kiếm tiền tốt hơn, chẳng hạn như kinh doanh nước cam tương lai, chính Sam Bankman-Fried đã không ngần ngại trả lời: “Tôi sẽ làm như vậy”.
Quan điểm này khiến Sam tỏ ra khác biệt so với phần còn lại. Ông không quan tâm đến việc viết cơ sở mã ban đầu của bitcoin, cũng sẽ không theo bước chân của Giám đốc điều hành Kraken sắp mãn nhiệm Jesse Powell bay đến Nhật Bản trong một nỗ lực cuối cùng để cứu sàn giao dịch Mt. Gox đang gặp khó khăn. FTX không được thành lập để trở thành một phương tiện luân chuyển tiền điện tử dễ sử dụng như Coinbase của Brian Armstrong.
FTX bắt đầu như một sàn giao dịch chuyên nghiệp hướng tới các nhà đầu tư tổ chức chuyên về các sản phẩm phái sinh tiền điện tử, chẳng hạn như hợp đồng tương lai và quyền chọn, cho phép các trader đặt cược vào giá tài sản mà không cần tiếp xúc trực tiếp với thị trường giao ngay (direct spot-market).
Thiết lập này có thể hiệu quả vì không cần phải giao tài sản vật chất khi hợp đồng hết hạn, giống như một tàu chở dầu thô có thể được gửi đi khắp thế giới đến một nhà máy lọc dầu. Vì lý do này, khối lượng tiền điện tử phái sinh bùng nổ và các sàn giao dịch như FTX kiếm được nhiều tiền. Bankman-Fried từng tuyên bố vào mùa hè rằng FTX đã có lãi qua 10 quý và có hơn 1 tỷ USD để chi tiêu
Sam Bankman-Fried có thể rút khỏi thế giới tiền số
Mã thông báo của FTX đã mất khoảng 74% giá trị trong hai ngày qua, song thực tế Sam Bankman-Fried có thể vẫn là một tỷ phú, nhưng bây giờ ông sẽ phải đưa ra lựa chọn. Sam có thể cố gắng hoàn tất giao dịch và làm việc dưới quyền Changpeng Zhao, một người được coi như “kẻ thù không đội trời chung”. Ông đồng thời vẫn là Giám đốc điều hành của FTX.US, một chi nhánh nhỏ hơn của FTX.
Sam Bankman-Fried cũng có thể thử và rút ra những gì còn lại, đồng thời trao nó cho các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, điều đó có thể không xảy ra vì đã có nhiều lần trong thời kỳ hoàng kim của FTX mà Sam hoàn toàn có thể quyên góp tiền nhưng cuối cùng ông đã chọn không làm như vậy và tin rằng khối tài sản ròng của bản thân có thể còn tăng lên nhiều hơn.
Sam từng chi 2,3 tỷ USD vào tháng 7/2021 để mua cổ phần của Binance trong sàn giao dịch của mình. Nếu không làm như vậy, có lẽ hiện tại Sam đã giàu hơn và cuộc chiến “mạng xã hội” giữa Binance và FTX dẫn tới sự sụp đổ của Sam Bankman-Fried đã không xảy ra.
Một giả thiết khác, có thể Sam Bankman-Fried vẫn sẽ ở lại thế giới tiền số và cố gắng xây dựng lại mọi thứ từ đống đổ nát, nhưng điều được dự đoán sẽ rất khó xảy ra. “Có một thế giới rộng lớn ngoài kia. Chúng ta không nên nghĩ rằng tiền điện tử sẽ là mảnh đất màu mỡ nhất để hoạt động mãi mãi”, Sam chia sẻ với Forbes vào tháng 9/2021.