|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đằng sau thương vụ giải cứu FTX của Binance

17:30 | 09/11/2022
Chia sẻ
Cú chốt hạ của CZ sau hai ngày chiến tranh lạnh với FTX của Sam Bankman-Fried đang khiến cộng đồng tiền số phải đặt ra nhiều câu hỏi.

Chỉ trong một đêm, ngành công nghiệp tài sản số đã bị rung chuyển bởi sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất. Theo đó, FTX đã đạt được thỏa thuận giải cứu với đối thủ không đội trời chung Binance sau khi lượng khách hàng rút tiền tăng vọt gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản.

CEO Binance, Changpeng “CZ” Zhao cho biết trên Twitter rằng FTX đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Binance và có một sự suy giảm thanh khoản đáng kể đang diễn ra. Sau đó, CEO Binance đã đưa ra một lá thư với ý định mua FTX nhưng cho biết họ có “toàn quyền quyết định rút khỏi thỏa thuận bất cứ lúc nào”.

Việc CZ đưa tay giải cứu FTX đã tạo ra sự kiến chấn động trên thị trường tiền số. Song, nguyên nhân đằng sau dường như đã được báo trước kể từ khi hai "đại gia" này bắt đầu cuộc chiến công khai.

Chiến tranh lạnh giữa CZ và SBF là tâm điểm bàn luận của ngành tiền số trong những ngày qua. (Ảnh: Coindesk).

Trong những ngày qua Sam Bankman-Fried (SBF) và CZ bằng quyền lực của mình đã cùng nhau "trao đổi chiêu thức" qua lại. Khủng hoảng gia tăng vào cuối tuần trước khi Binance cho biết họ có ý định giảm bớt lượng token FTT của FTX mà sàn này đang nắm giữ nhằm tránh một thảm họa tương tự LUNA lặp lại.

FTX và Binance là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Hàng triệu nhà trader trên khắp thế giới sử dụng hai nền tảng này để giao dịch các tài sản số như Bitcoin hoặc NFT. Hai nền tảng này cũng sở hữu token của riêng họ lần lượt là FTT và BNB.

Là hai đơn vị dẫn đầu ngành, Binance và FTX đều có những điểm mạnh riêng trên thị trường. Với Binance, đây là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch.

Trong khi đó, sàn giao dịch FTX lại đang dẫn đầu các vòng đầu tư vào nhiều startup trong ngành. Tỷ phú Sam Bankman-Fried cũng từng "cứu giá" các công ty cùng ngành trước bờ vực phá sản bằng nhiều khoản cho vay khẩn cấp trị giá hàng trăm triệu USD. Bên cạnh đó, CEO FTX Trading còn tham gia vào các hoạt động truyền thông để gây dựng niềm tin vào thị trường tiền mã hóa của các nhà đầu tư.  

Năm 2019, khi FTX ra mắt, Binance là một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên tham gia nắm giữ FTT dài hạn. CEO Sam Bankman-Fried nói với tờ Bloomberg vào thời điểm đó rằng tổng số tiền đầu tư của Binance lên tới hàng chục triệu USD. Trong khi, Changpeng Zhao coi đây là một khoản đầu tư chiến lược để hỗ trợ nhiều sáng kiến ​​nhằm phát triển ngành công nghiệp tiền điện tử.

Những rắc rối bắt đầu trở lại vào tháng 3/2020, khi Binance ngừng cho phép FTT giao dịch trên nền tảng của họ vì người dùng không hiểu sản phẩm và không sử dụng mã thông báo một cách thích hợp.

Sau đó, Sam Bankman-Fried đã mua lại tất cả BNB của Binance trên FTX và SBF cũng trấn an nhà đầu tư rằng đây chỉ là "động thái hỗ trợ thân tình". Tuy nhiên, từ đầu tháng này, mọi chuyện bắt đầu đảo hướng.

 Loạt Tweet tâm điểm của CZ. (Ảnh chụp màn hình).

Ngày 2/11, báo cáo tài chính của Alameda cho thấy sự trùng lặp đáng nghi giữa sàn giao dịch tiền điện tử FTX và quỹ phòng hộ Alameda Research của Sam Bankman-Fried. 

Hôm 6/11, CZ quyết định thanh lý tất cả FTT do Binance nắm giữ trên nền tảng với giá trị khoảng 2,1 tỷ USD. Động thái này đến sau khi số liệu trong bảng cân đối kế toán của FTX và công ty mẹ Alameda Research làm dấy lên lo ngại về tính thanh khoản của FTX.

Caroline Ellison, CEO Alameda Research cho biết quỹ này sẽ mua lại FTT ở 22 USD nhằm “đỡ giá”. Tuy vậy, giá FTT vẫn lao dốc khi nhà đầu tư phàn nàn rằng không thể rút tài sản từ sàn về ví cá nhân.  

Quyết định của CZ khiến FTT gần như sụp đổ mặc dù CEO Binance khẳng định đây không phải là động thái "chơi xấu" đối thủ.

“Chúng tôi thanh lý FTT chỉ để quản lý rủi ro, rút kinh nghiệm từ cú sập LUNA”, CZ cho biết hôm 6/11. Tuy nhiên, đây được xem là một động thái khó hiểu vì CZ thừa hiểu quyết định này có tác động lớn như thế nào đến thị trường.

CZ cho biết: "Chúng tôi sẽ không hỗ trợ những người vận động hành lang đánh sau lưng người chơi khác trong ngành." Các nhà quan sát cho rằng báo cáo tài chính của Alameda đã tiết lộ phần lớn tài sản của Alameda (tổng trị giá khoảng 14,6 tỷ USD) được tạo thành từ các mã thông báo FTT.

Điều này đồng nghĩa với việc Alameda không nắm giữ nhiều tài sản của mình bằng tiền pháp định hoặc bằng tiền kỹ thuật số được giao dịch rộng rãi như Bitcoin, thay vào đó là một mã thông báo kém thanh khoản được kiểm soát bởi công ty khác do Bankman-Fried điều hành, ở đây là sàn FTX.

Hơn nữa, Alameda nắm giữ lượng FTT tương đương với khoảng 6,1 tỷ USD, trong khi FTX tuyên bố rằng tổng lượng FTT đang lưu hành chỉ có giá trị khoảng 5,1 tỷ USD. 

Điều này kết hợp với động thái của CZ đã làm dấy lên tin đồn rằng FTX thực sự đã “vỡ nợ” về mặt tài chính. SBF đã đích thân giải quyết những tin đồn, gọi chúng là "vô căn cứ", trong khi một nhân viên khác của Alameda đã tweet rằng bảng cân đối kế toán trình bày một bản tóm tắt không đầy đủ về tài chính của công ty.

Rạng sáng ngày 9/11 (giờ Việt Nam), bom đã nổ khi CZ thông báo đạt thỏa thuận mua lại FTX và quá trình thẩm định sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Thông tin này khiến thị trường tiền số "tắm máu".

Bitcoin đã giảm tới 17% trong khi sàn giao dịch tiền điện tử được niêm yết tại Mỹ Coinbase đã giảm khoảng 14%. FTX đạt mức định giá 32 tỷ USD vào đầu năm nay. Trong một ngành được cơ quan quản lý của Phố Wall gọi là “miền tây hoang dã”, FTX được nhiều người coi là một trong những điểm sáng với nhà sáng lập Sam Bankman-Fried thường xuyên vận động hành lang các nhà lập pháp ở Washington.

Thỏa thuận giữa FTX và Binance là một biện pháp chốt chặn để cứu sàn giao dịch tiền điện tử của SBF khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán. Điều này có khả năng sẽ làm dịu các thị trường đã bị rung chuyển bởi sự rạn nứt công khai giữa hai gã khổng lồ tiền điện tử nổi tiếng.

Ngành công nghiệp tiền điện tử đã phải hứng chịu những cơn gió lạnh từ sau cú sụp thảm họa của LUNA vào tháng 5. Sự kiện đã kéo theo sự sụt giá của nhiều đồng tiền số. Đồng thời, công ty cho vay Celsius Network và quỹ đầu cơ Three Arrows Capital đã phải tuyên bố phá sản.

 Sam Bankman-Fried. (Ảnh: Getty Images).

Trong bối cảnh mùa đông trường kỳ với ngành tiền số, SBF nổi lên như một vị cứu tinh khi đưa tay hỗ trợ các công ty sụp đổ. Vào tháng 6, CEO FTX đã công bố khoản vay 250 triệu USD cho công ty cho vay tiền điện tử BlockFi. Ông cũng giải cứu Voyager Digital bằng khoản vay trị giá khoảng 485 triệu USD tiền mặt và bitcoin. 

Ngày 9/11, CZ đăng tweet như sau: "Có hai bài học lớn cần được rút ra. Thứ nhất, không bao giờ sử dụng token mà bạn đã tạo ra để làm tài sản thế chấp. Thứ hai, đừng vay nếu bạn điều hành một doanh nghiệp tiền điện tử”. Đồng thời, ông chủ Binance cũng khẳng định sàn giao dịch này không bao giờ làm những điều trên, đặc biệt là vay nợ.

Sam Bankman-Fried cũng đã đưa ra lời xin lỗi về tình huống này trên Twitter cá nhân và cho biết sẽ mất một thời gian để mọi thứ có thể ổn định trở lại. Ông đảm bảo các nhà đầu tư sẽ được bảo vệ trong thời gian hoành thành gói “cứu trợ” cũng như gửi lời cảm ơn tới Changpeng Zhao và Binance đã cứu công ty của mình. 

Thùy Trang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.