|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cơ hội tăng vốn cho ngân hàng

05:00 | 25/07/2019
Chia sẻ
Để tăng sức hút cũng như đẩy nhanh bán vốn cho NĐT ngoại, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, Chính phủ cần quyết liệt giải quyết một số rào cản chính như khẩn trương hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định về giá bán...
Cơ hội tăng vốn cho ngân hàng - Ảnh 1.

Bán vốn thành công cho KEB Hana Bank đã nâng cao năng lực tài chính cho BIDV

Giải tỏa áp lực CAR

Thị trường tài chính, ngân hàng vừa đón tin vui: BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV sau khi đầu tư. Tổng giá trị của giao dịch là 20.295 tỷ đồng, có nghĩa BIDV và KEB Hana Bank đã chốt giá bán là 33.640 đồng/cổ phần. Chốt phiên giao dịch ngày 22/7, thị giá cổ phiếu BID của BIDV ở mức 35.750 tỷ đồng, cao hơn so với mức giá chốt bán trên. Sau khi thương vụ này hoàn tất, KEB Hana Bank sở hữu 15% vốn điều lệ BIDV.

Về kế hoạch sử dụng vốn, BIDV dự kiến sẽ tập trung tái cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động có hiệu quả, an toàn; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, DNNVV, DN FDI có tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư trên thị trường liên ngân hàng, đầu tư và kinh doanh giấy tờ có giá; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, mạng lưới kinh doanh.

Như vậy, sau 9 năm cổ phần hóa (IPO năm 2011) và sau gần 2 năm đàm phán, BIDV đã chốt thành công thương vụ M&A có giá trị kỷ lục trong ngành Ngân hàng. Sự thành công của thương vụ trên trong giai đoạn này theo đánh giá của giới chuyên môn sẽ gỡ được nhiều nút thắt cho hoạt động của BIDV nói riêng, hệ thống ngân hàng nói chung. Trước tiên giải tỏa thế kẹt không tăng trưởng tín dụng được do chạm ngưỡng hệ số an toàn vốn (CAR).

Theo tính toán của các chuyên gia ngân hàng, sau khi bán thành công cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn chủ sở hữu của BIDV sẽ tăng mạnh qua đó giúp CAR cải thiện đáng kể, có thể tăng lên trên 13% và hoàn thành sớm chuẩn Basel II so với kế hoạch đặt ra. Điều này đồng nghĩa với việc BIDV sẽ được nới room tín dụng, cung ứng thêm lượng vốn lớn cho nền kinh tế, giúp ngân hàng này nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng và xóa sạch nợ xấu đến năm 2020 như mục tiêu đề ra.

Việc bán vốn cho KEB Hana Bank không chỉ giải tỏa cho áp lực tăng vốn đối với NHTMCP có vốn Nhà nước, theo nhận định CTCK Rồng Việt (VDSC) còn giúp nâng cao khả năng quản lý hiệu quả của  BIDV. Bởi KEB Hana Bank là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc, có hệ thống Fintech rất mạnh về cung cấp các dịch vụ tài chính di động phù hợp chiến lược phát triển của BIDV trong mảng bán lẻ. Hơn thế, xu hướng nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam đang dồi dào cũng như số lượng DN Hàn Quốc ở Việt Nam tăng lên sẽ là tiềm năng mở rộng thu nhập của BIDV.

Chất xúc tác cho M&A ngân hàng

Không chỉ vì giá trị kỷ lục mà sự quan tâm của một ngân hàng lớn hàng đầu của Hàn Quốc muốn tham gia vào ngân hàng Việt Nam đã gây sự chú ý của giới đầu tư ngay từ khi thông tin được hé lộ. Với việc chi ra 20.295 tỷ đồng mua 15% cổ phần BIDV, đối tác KEB Hana đã chấp nhận trả 33.640 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương với mức giá trung bình của cổ phiếu BID trên thị trường 6 tháng qua.

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng, đây là mức giá tốt cho cả hai bên và thể hiện sự quyết tâm nỗ lực, kiên trì đàm phán, cuối cùng hai bên đã chốt được giá. “Thương vụ này đã tạo ra một tiếng vang đồng thời tạo cú hích thúc đẩy hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”, TS. Lực nhấn mạnh.

Thương vụ có giá trị kỷ lục trong ngành Ngân hàng nêu trên cũng đánh dấu chặng đường tái cấu trúc của BIDV sắp hoàn thành. Đây cũng là thương vụ M&A thứ hai mà BIDV thực hiện trong 4 năm qua. Trước đó, vào năm 2015, BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên mở màn tái cơ cấu giai đoạn 2 bằng thương vụ M&A chóng vánh khi sáp nhập MHB chỉ trong vòng 55 ngày.

Một ngân hàng lớn khác cũng đang hé lộ kế hoạch bán tiếp vốn cho đối tác ngoại nữa là Vietcombank. Ông Võ Việt Hùng - Trưởng ban tăng vốn của Vietcombank cho hay, lộ trình bán 6,5% cổ phần đã được ngân hàng thông qua và đang chờ sự phê duyệt của NHNN cũng như các bộ, ngành liên quan. Nếu được phê duyệt, sẽ giúp ngân hàng này thu về lượng tiền kha khá, nhất là giai đoạn vừa qua giá cổ phiếu Vietcombank trên đà tăng nhanh.

Dù chưa thể có phát tác ngay lập tức nhưng theo nhận định của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thương vụ thành công giữa BIDV và KEB Hana Bank sẽ là chất xúc tác tới hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc. 4 lý do vị này đưa ra bao gồm:

Thứ nhất là hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước đã được cải thiện đáng kể.

Thứ hai, bản thân các ngân hàng có nhu cầu hút vốn ngoại để tăng vốn đáp ứng chuẩn  Basel II sẽ được áp dụng từ năm 2020.

Thứ ba nền kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng Việt Nam được các NĐT ngoại đánh giá tích cực, việc thăng hạng tín nhiệm liên tục trong thời gian qua minh chứng điều này.

Còn một lý do nữa là Chính phủ đã tuyên bố không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020 nhằm tập trung xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém trong nước và tích cực kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Theo đó, kênh M&A sẽ được xem là khả thi trong trung hạn. Các rào cản, vướng mắc về quy định thể chế, thủ tục trong thời gian tới sẽ dần được tháo gỡ, loại bỏ theo hướng Nhà nước sẽ từng bước giảm tỷ lệ sở hữu tại các TCTD, tạo ra nhiều dư địa cho các nhà đầu tư ngoại, quy trình, thủ tục cổ phần hóa, thoái vốn DNNN ngày càng hoàn thiện…”, vị này nhận định

Tuy nhiên, để tăng sức hút cũng như đẩy nhanh bán vốn cho NĐT ngoại, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, Chính phủ cần quyết liệt giải quyết một số rào cản chính như khẩn trương hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định về giá bán. Tiếp nữa là đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính đồng bộ và thực chất ở cả cấp Nhà nước, bộ, ngành và địa phương; tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài theo đúng lộ trình của Quyết định 898 ngày 8/8/2018 về chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025 và tầm nhìn 2030.

Nguyễn Vũ

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.