|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Biến động cổ phiếu BIDV trong thời gian xuất hiện thông tin bán vốn cho KEB Hana Bank

16:47 | 24/07/2019
Chia sẻ
Suốt hơn một năm rưỡi kể từ khi xuất hiện thông tin BIDV muốn phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank, thị giá cổ phiếu BIDV dao động trong vùng giá 21.600 - 45.500 đồng/cp, thanh khoản đạt hơn 737 triệu cp. Đồng thời, khối ngoại cũng nâng tỉ lệ sở hữu từ 2,75% lên 3,19%.

photo-1

BIDV chốt bán 15% vốn điều lệ cho đối tác Hàn Quốc với trị giá 20.295 tỉ đồng.

BIDV chốt phương án phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank sau 17 tháng từ khi xuất hiện "tin đồn"

Ngày 22/7, HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ban hành Nghị quyết thông qua văn kiện giao dịch với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV (sau phát hành).

Tổng giá trị giao dịch là hơn 20.295 tỉ đồng, tạm tính mỗi cổ phần BID được bán cho đối tác Hàn Quốc có giá 33.640 đồng/cp.

Sau khi phát hành cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 6.033 tỉ đồng lên 40.220 tỉ đồng. Đồng thời, tỉ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại ngân hàng này sẽ giảm từ 95,28% xuống còn 80,99%; trong khi KEB Hana Bank sẽ sở hữu 15% vốn điều lệ BIDV.

Việc bán vốn cho Hana Bank là câu chuyện khá dài và BIDV trải qua rất nhiều giai đoạn để có được mức giá cuối cùng.

Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược vốn đã được BIDV nhắc đến khi thực hiện phát hành cổ phần lần đầu tư công chúng (IPO) và đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ nhất vào năm 2012. Đến đại hội năm 2017, BIDV lại tiếp tục đặt vấn đề về tìm cổ đông chiến lược.

Thông tin BIDV chào bán cổ phiếu KEB Hana Bank bắt đầu được thị trường đồn đoán từ đầu tháng 3/2018 khi tờ Businesskorea của Hàn Quốc đưa tin, đại diện của Hana Financial Group có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua cổ phần của BIDV. 

Thời điểm đó, các thông tin trên thị trường cho thấy việc đàm phán hai bên có vẻ thuận lợi khi chỉ còn chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Đến ngày 30/10/2018, tức hơn nửa năm sau, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới chính thức có công văn chấp thuận chủ trương đối với phương án tăng vốn điều lệ của BIDV thông qua việc phát hành cổ phần riêng cho KEB Hana Bank.

Trên cơ sở chấp thuận của NHNN, BIDV đã triển khai thủ tục liên quan cho việc bán vốn cho KEB Hana Bank. Cụ thể, vào tháng 11/2018, BIDV và đối tác đã hoàn thành các nội dung Khảo sát thực trạng bổ sung.

Bắt đầu từ tháng 12/2018, BIDV triển khai các bước tiếp theo gồm báo cáo NHNN xem xét chấp thuận tăng vốn điều lệ; hoàn thành việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá độc lập trong nước và thực hiện Báo cáo định giá, tiếp tục đàm phán các văn kiện giao dịch với đối tác.

Trong tài liệu gửi cổ đông trước ngày đại hội cổ đông thường niên 2019 (diễn ra hôm 26/4), BIDV cho hay ngày 21/2/2019, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV từ 34.187 tỉ lên 40.220 tỉ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank (tương ứng với tỉ lệ 15%).

Như vậy, sau gần 17 tháng kể từ khi có những thông tin đầu tiên về thương vụ này ( từ tháng 3/2018), BIDV mới chính thức chốt được những điều khoản cơ bản trong giao dịch chào bán riêng lể cổ phần cho đối tác KEB Hana Bank.

Thị giá cổ phiếu BID giảm gần 7% trong thời gian xuất hiện thông tin bán vốn

Đóng cửa ngày giao dịch 23/7, thị giá cổ phiếu BID dừng ở mức 35.250 đồng/cp, cao hơn khoảng 4,8% so với khoảng giá chốt bán cho KEB Hana Bank.

Trong thời gian xuất hiện thông tin trên (từ ngày 1/3/2018 đến 23/7/2019), giá cổ phiếu BID dao động trong vùng 21.600 - 45.500 đồng/cp với đỉnh cao nhất (45.500 đồng/cp) được tạo lập vào ngày 10/4/2018 và mức giá thấp nhất 21.600 đồng/cp được xác lập vào ngày 5/7/2018.

Cổ phiếu BID biến động như thế nào trong thời gian xuất hiện thông tin bán vốn cho KEB Hana Bank? - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu BID và chỉ số VN-Index trong giai đoạn 1/3/2018 – 23/7/2019 (Nguồn: VNDirect)

Tựu trung lại, trong khoảng thời gian trên, thị giá cổ phiếu BID đã giảm khoảng 6,8%, thấp hơn mức giảm 11,3% của chỉ số chung VN-Index.

Cũng trong thời gian trên đã có tổng cộng 737,3 triệu cổ phiếu BID được trao tay với giá trị tương ứng đạt gần 24.148 tỉ đồng. 

Trong đó, có 722,4 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn (chiếm 98%), tương ứng với giá trị gần 23.584 tỉ đồng và chỉ có 14,9 triệu cổ phiếu được giao dịch theo hình thức thỏa thuận (chiếm 2%), tương ứng giá trị hơn 564 tỉ đồng.

Khối lượng giao dịch tập trung mạnh nhất trong giai đoạn từ tháng 4/2018 đến tháng 9/2018, đây cũng là khoảng thời gian giá cố phiếu BID biến động mạnh nhất. 

Cổ phiếu BID biến động như thế nào trong thời gian xuất hiện thông tin bán vốn cho KEB Hana Bank? - Ảnh 3.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu BID trong giai đoạn 1/3/2018 – 23/7/2019 (Nguồn: VnDirect)

Đối với với giao dịch của khối ngoại, thời gian từ 1/3/2018 – 23/7/2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng gần 16,6 triệu cổ phiếu BID, tương ứng với giá trị mua ròng là gần 595,8 tỉ đồng. Qua đó, đưa tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại BIDV từ 2,75% lên 3,19%.

Quốc Thụy