Hà Nội 16 °C | 07:34PM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cò đất vùng ven 'ăn theo' chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp

06:56 | 30/10/2018
Chia sẻ
Không thể phân biệt được đâu là thông tin thật với thông tin “ma” do “cò” tung lên mạng xã hội. Điểm chung dễ thấy nhất là các “cò” đều “ăn theo” chủ trương thành phố được chuyển mục đích 26.000 ha đất nông nghiệp.
co dat vung ven an theo chu truong chuyen doi dat nong nghiep TP HCM hiện có 26.000ha đất nông nghiệp, nếu chuyển thành đất dịch vụ đem đấu giá sẽ thu được 1,5 triệu tỷ
co dat vung ven an theo chu truong chuyen doi dat nong nghiep Vỡ mộng ôm đất nông nghiệp trong cơn sốt đất

Sau cơn sốt đất cách đây hơn 1 năm, giá đất nền tại khu vực vùng ven TP HCM vẫn ở mức cao.

Không như nhận định rằng sau thời gian “cầm cự”, nhà đầu tư sẽ “đuối sức”, buộc phải “giải phóng” đầu ra, khi đó đất nền khu vực vùng ven sẽ “hạ nhiệt”, nhiều chủ đất đang hy vọng phần đất nông nghiệp mình đang “ôm” nằm trong phần đất hơn 26.000ha mà thành phố được Chính phủ chấp thuận cho chuyển thành đất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản. Nhiều cò đất tranh thủ những thông tin ban đầu chưa đầy đủ về chủ trương này để kiếm chác...

“Cò” tung chiêu dụ dỗ

Một ngày cuối tháng 10-2018, PV Báo CAND có mặt tại khu vực vùng ven thuộc huyện Bình Chánh – huyện ngoại thành hiện có diện tích đất nông nghiệp đứng đầu TP HCM.

Vừa qua khỏi vòng xoay An Lạc, chúng tôi rẽ vào đường Trần Đại Nghĩa – con đường huyết mạch vào khu vực đất nông nghiệp còn khá thênh thang của thành phố.

Xem ra cánh “cò đất” ở khu vực này cũng dõi theo khá sát những diễn biến mang tính thời sự liên quan đến việc thành phố được Chính phủ cho phép chuyển hơn 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản.

Tại khu vực chân cầu Kênh C, thuộc xã Tân Nhựt, chúng tôi rẽ vào đường nhựa để xem một mảnh đất theo chỉ dẫn của một “cò”. Trước mặt chúng tôi là mảnh đất cỏ dại mọc um tùm nằm tiếp giáp mặt tiền đường.

co dat vung ven an theo chu truong chuyen doi dat nong nghiep
Bình Chánh là địa phương có diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp nhiều nhất.

“Miếng này gần 90m mặt tiền, chiều sâu nơi rộng nhất trên 40m. Bà dì nói ban đầu mua định làm nhà kho nhưng giờ đổi ý”, T., một “cò” khu vực này sốt sắng.

Thấy tôi có vẻ không “mặn” lắm trước lời mời mọc, T., bày kế: “Ông anh an tâm đi, tui bao lên thổ cư 100%”.

Rồi T., làm bài tính kinh doanh khá hấp dẫn: “Miếng này mình phân thành ít nhất cũng gần 18 nền, mỗi nền ngang 5, chạy dài trung bình khoảng 20, sau khi trừ lộ giới. Tiền đất 16 tỷ, ông bỏ vô khoảng hơn 3 tỷ nữa thôi để chuyển thổ cư, tiền cà phê cà pháo cho bọn tui luôn nữa là tổng cộng khoảng 20 tỷ. 18 nền, mỗi nền bán 2 tỷ thôi, coi như ông anh cầm chắc 16 tỷ rồi”.

Nhiệt tình dẫn tôi bước vào một vị trí ranh của miếng đất, “cò” T., trấn an: “Mọi thủ tục để tui lo. Miếng này cho chuyển lên thổ cư 100%”.

Thực tế không như lời của “cò” T. Khi liên hệ với cán bộ địa chính của địa phương, chúng tôi được biết mảnh đất này chỉ được chuyển lên thổ cư trên 900m², còn lại là đất dính trong dự án quy hoạch. Điều này tương tự như miếng đất thứ hai mà T., cùng một “đồng nghiệp” khác của anh ta dẫn chúng đi xem, cũng nằm trên địa bàn xã Tân Nhựt.

Mảnh đất ruộng chưa tới 1 công (1.000m² – PV) nhưng “cò” Đ., nói chủ đất bán 2,5 tỷ đồng, không bớt một xu. “Đất này cặp đường có xe buýt chạy ngang qua, được chuyển thổ cư hết. An tâm đi”, Đ., nói thế, trong khi cán bộ địa chính khẳng định với chúng tôi rằng chưa thấy chủ trương cho những thửa đất khu vực này chuyển mục đích mà chỉ biết Tân Nhựt là xã tới đây sẽ được giữ lại đất nông nghiệp nhiều nhất của Bình Chánh.

Chúng tôi rảo một vòng các huyện vùng ven còn lại như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ... Thật không thể phân biệt được đâu là thông tin thật, đáng tin cậy với thông tin “ma” do “cò” tung lên mạng xã hội. Điểm chung dễ thấy nhất là các “cò” đều “ăn theo” chủ trương thành phố được chuyển mục đích 26.000ha đất nông nghiệp.

Chiều 25-10, chúng tôi còn nhận được cuộc gọi từ số điện thoại của một “cò” tên S., rủ rê ra tìm hiểu dự án nằm cặp QL50 thuộc địa bàn Bình Chánh (khu vực giáp với huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An): “Đất này nói thật với anh là hàng thanh lý của ngân hàng. 70 lô nền giá mỗi lô chỉ 380 triệu đồng. Nếu ông anh ưng ý thì bọn em sẽ lo sang tên, ra công chứng ngay rồi chạy lo lên thổ cư luôn”.

Tôi chưa vội đi xem đất mà gọi điện cho một anh bạn làm ở chi nhánh ngân hàng thì được cảnh báo: “Vẫn là chiêu của cò bấy lâu nay. Giờ khác chút là gắn chuyện chuyển từ đất nông nghiệp lên thổ cư do được phép từ Trung ương”.

Coi chừng “sập bẫy”!

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM cho biết, thành phố đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của thành phố.

Theo đó, vị trí của hơn 26.000ha đất nông nghiệp được phép chuyển đổi hiện nằm rải rác ở hầu hết các quận - huyện còn quỹ đất nông nghiệp, trong đó phần lớn là đất do hộ dân đang quản lý, sử dụng.

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh - địa phương có diện tích được chuyển đổi nhiều nhất (gần 7.000ha), cho biết theo quy hoạch đến 2020, Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000ha đất nông nghiệp, đến năm 2025 thì chỉ còn 350ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực.

“Nếu được đề xuất, dựa trên thực trạng của huyện thì khu vực cho chuyển đổi lần lượt có thể là thị trấn Tân Túc, vì hiện đang phát triển đô thị; tiếp đó là các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Nhựt. Đây là những xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, trên nền quy hoạch còn giữ là đất nông nghiệp nhưng thực tế đã phát triển sang đô thị rồi”, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết thêm.

Lãnh đạo nhiều quận, huyện vùng ven thừa nhận thực tế sau khi nghe chủ trương thành phố được chuyển đổi hơn 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đã có tình trạng nhiều người tranh thủ tìm kiếm mua để bán lại, “kiếm chác”, một số ít lo ngại khi đất khi đã chuyển thổ cư, giá bán sẽ đắt đỏ nên giờ cũng đổ xô đi tìm mua. Chính tâm lý vội vội, vàng vàng này mà nhiều người sẽ rất dễ “sập bẫy” của “cò”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, diện tích 26.000ha đất nông nghiệp được chủ trương chuyển đổi là rất lớn. Điều khiến ông Châu băn khoăn chính là lộ trình thực hiện việc chuyển đổi của diện tích này.

“Nguồn lực đất đai là vô cùng to lớn. Giá trị của từng khu đất cũng không ngừng gia tăng. Do vậy thành phố cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi phù hợp để phát huy hết được mọi hiệu quả từ nguồn đất này mang đến. Trong quá trình triển khai chuyển đổi, thành phố cần có giải pháp nhằm ngăn chặn việc mua bán, đẩy giá nhà đất tăng cao dẫn đến sốt đất của các đầu nậu; không thổi phồng bong bóng bất động sản, làm ảnh hưởng đến các dự án khác trên địa bàn cũng như tác động không tốt đến thị trường bất động sản của thành phố”, ông Châu nói.

Xem thêm

B. Huyền - Nh. Sơn