|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Công khai kế hoạch chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp

20:50 | 12/08/2018
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu công khai kế hoạch sử dụng đất từng năm và các dự án cụ thể trong chuyển đổi hơn 26.000 ha đất nông nghiệp đến năm 2020 để người dân biết và giám sát.
cong khai ke hoach chuyen doi 26000 ha dat nong nghiep Cơ hội khi TP HCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp
cong khai ke hoach chuyen doi 26000 ha dat nong nghiep
Nguồn lực từ đất rất quan trọng trong quá trình xây dựng đô thị mới ở TP HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Sáng 11/8, UBND TP HCM tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020). Theo đó, diện tích chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp của TP trong 10 năm (2011 - 2020) được Chính phủ phê duyệt là 29.367 ha. Từ 2011 - 2015, TP đã chuyển đổi 3.121 ha; năm 2016 chuyển đổi 498 ha. Còn lại, theo kế hoạch năm 2017 chuyển đổi 9.158 ha, năm 2018 là 11.743 ha, năm 2019 là 2.771 ha và năm 2020 xong 2.076 ha.

Áp lực lớn

Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, một lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM xác nhận diện tích đất chuyển đổi năm 2017 và 7 tháng 2018 vẫn chỉ là trong kế hoạch, chưa triển khai được. Như vậy, chỉ trong thời gian hơn 2 năm từ nay đến hết 2020, TP phải chuyển đổi gần 26.000 ha đất. “Thời gian còn quá ít, sẽ là một áp lực không nhỏ của TP HCM”, một lãnh đạo Sở TN-MT thừa nhận.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, cho biết để thực hiện thành công kế hoạch được phê duyệt theo Nghị quyết 80, TP sẽ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng. Cụ thể: phía đông khu vực P.Long Trường (Q.9) giáp trục cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với diện tích khoảng

280 ha; phía tây khu vực giáp QL1 (xã Tân Kiên, H.Bình Chánh) và trục Nguyễn Văn Linh khoảng 200 ha; phía nam gồm khu A đô thị mới nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ khoảng 110 ha và phía bắc thuộc khu tây bắc, hướng QL22 khoảng 500 ha. Các khu đô thị vệ tinh này sẽ có hệ thống giao thông kết nối các tuyến metro để tiếp cận nhanh giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy giãn dân từ nội thành ra…

Thu hồi dự án chậm triển khai

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, yêu cầu công khai kế hoạch sử dụng đất từng năm và các dự án cụ thể, chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 cho các quận huyện để người dân biết và giám sát. Các dự án sử dụng đất, các dự án bồi thường phải công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt khu chung cư. Khi triển khai địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo quyền lợi của người có đất và giúp cơ quan quản lý theo dõi tiến độ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trái phép vì “đã có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích”. “Khi giao dự án thì chuyển nhượng hết người này qua người khác để ăn chênh lệch giá. Tôi nghĩ nhà đầu tư đừng lợi dụng chính sách về đất đai của nhà nước để ăn chênh lệch giá. Đó không phải là cách làm ăn của một doanh nghiệp chân chính”, ông Phong nói.

Trong hơn 26.000 ha đất nông nghiệp được duyệt chuyển đổi sang phi nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP cho biết Sở TN-MT đã công bố 3.444 dự án được giao. Tuy nhiên, với những dự án quá hạn triển khai mà chưa làm, phải rà soát để thu hồi ngay. “Chỉ riêng ở H.Nhà Bè đã có đến 87 dự án nhưng nhiều dự án nhận đất xong để đó. Tôi yêu cầu Sở TN-MT sớm lập tổ công tác rà soát lại. Nếu quá hạn lâu, phải thu hồi, TP không chấp nhận dự án kéo dài mãi như thế. Với các dự án nằm trong quy hoạch, đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại các quận huyện, nếu sau 3 năm mà không thực hiện thì công bố hủy bỏ dự án”, ông Phong nhấn mạnh.

Xem thêm

Nguyên Nga