|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CNBC: EVFTA đưa Việt Nam thành nước hưởng lợi nhiều nhất hiện nay, bất chấp đe dọa từ ông Trump

16:12 | 04/07/2019
Chia sẻ
Khi cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc gây rối ngành thương mại toàn cầu, nhiều quốc gia lo ngại sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của cuộc thương chiến. Tuy nhiên, thỏa thuận EVFTA cho thấy Việt Nam sắp trở thành một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất của thời đại này.
1

Quan chức Việt Nam và Liên minh châu Âu kí kết hiệp định EVFTA. (Ảnh: AFP)

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Liên minh châu Âu

Hôm 30/6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kí thỏa thuận thương mại EVFTA, theo đó loại bỏ 99% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sang khối này.

Theo CNBC, khi cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc gây rối ngành thương mại toàn cầu, nhiều quốc gia lo ngại sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của cuộc thương chiến. Tuy nhiên, thỏa thuận EVFTA cho thấy Việt Nam sắp trở thành một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất của thời đại này.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump đề xuất gần đây rằng Việt Nam có thể là mục tiêu thuế quan lớn tiếp theo của ông, thỏa thuận mới này có thể cung cấp thêm bước đệm kinh tế cho Việt Nam.

Trên thực tế, EU mô tả EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) tham vọng nhất mà khối từng kí kết với một quốc gia đang phát triển.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU và đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối này trong khu vực Đông Nam Á, theo Ủy ban châu Âu.

Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 42,5 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ sang EU. Trong khi đó, theo dữ liệu chính thức, giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU sang Việt Nam đạt 13,8 tỉ USD.

Hôm 30/6, Chính phủ Việt Nam cho biết EVFTA sẽ thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam thêm 15,28% và từ Việt Nam sang EU thêm 20% vào năm 2020. 

"Việt Nam đang thực hiện các bước đi phi thường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng loạt cải cách khó khăn trong nước và tích cực tìm kiếm thị trường mới", ông Brian Harding, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận định.

Việt Nam hiện có quyền tiếp cận với gói ưu đãi của EU, Canada và Mexico, ông Harding nói, do đó ông dự đoán hàng hóa Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn tại các nền kinh tế này.

Việt Nam - người thắng cuộc trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sản xuất theo hướng xuất khẩu, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, theo World Bank.

Bài viết trên CNBC đánh giá Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình dịch chuyển sản xuất do căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. 

Trong một báo cáo vào tháng 6 của Nomura Holdings, ngân hàng đầu tư Nhật Bản đã ước tính rằng GDP đã tăng 7,9% nhờ việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng mạnh nhất gồm linh kiện điện thoại, đồ nội thất và máy xử lí dữ liệu tự động. Tất cả sản phẩm này trước đây được xuất trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ.

Trong số nhiều quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, Việt Nam rõ ràng là người chiến thắng, ông Harding khẳng định.

Quan hệ thương mại của Việt - Mỹ đang có rủi ro?

Xuất khẩu của Việt Nam tăng phần lớn có thể đến từ các hiệp định FTA mà Chính phủ tham gia trong vài năm qua, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (phiên bản cập nhật của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Theo ông Harding, khi Tổng thống Trump rút khỏi hiệp định trên, Việt Nam đã rất thất vọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được hưởng lợi đáng kể từ hiệp ước 11 bên mới cập nhật, đặc biệt là nhờ việc tiếp cận thị trường Canada và Mexico.

Tuy nhiên, ông Harding đã cảnh báo về đám mây bão tố đang kéo đến. Tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải lo lắng vì "rõ ràng có một rủi ro cho mối quan hệ chung giữa hai nước, theo quan điểm của ông Trump về cán cân thương mại song phương".

Bộ Thương mại Mỹ vào hôm 2/7 tuyên bố sẽ áp thuế lên đến 456% đối với một số thép nhập khẩu từ Việt Nam, vốn có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan, sau đó được chuyển đến Việt Nam để chế biến sơ qua và xuất khẩu sang Mỹ.

Việt Nam dường như đang bị Mỹ nhắm đến, tuy nhiên ông Harding nhận định Việt Nam không gặp phải rủi ro xảy ra thảm họa kinh tế do Nhà Trắng gây ra.

"Nếu ông Trump bắt đầu thảo luận nghiêm túc về thuế quan, Việt Nam sẽ không bị 'đánh úp'", ông nói.

EVFTA mang lại lợi ích chung gì cho Việt Nam và EU?

Mặc dù thỏa thuận EVFTA rõ ràng là một chiến thắng vững chắc cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, nó cũng báo hiệu rằng châu Âu đang nghiêm túc trong việc đa dạng hóa mối quan hệ thương mại của họ.

Đàm phán thương mại và đầu tư song phương giữa EU và Việt Nam đã được thực hiện từ năm 2012 và hoàn tất vào năm 2018. Hiệp ước này cùng với thỏa thuận gần đây của khối và Singapore, được các quan chức EU mô tả là bước đệm cho sự gắn kết lớn hơn giữa EU và khu vực Đông Nam Á.

Nhìn rộng hơn, Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU sau Mỹ và Trung Quốc, do đó những tiến bộ về tự do thương mại trong khu vực đều đóng vai trò quan trọng đối với EU.

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam dự đoán thời gian thực hiện EVFTA, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao hơn khoảng 7 - 8% so với trường hợp hiệp định này chưa có hiệu lực.

Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại châu Âu tiến hành tại TP HCM, hơn 90% số người được hỏi cho hay hai bên càng sớm chính thức thực hiện thỏa thuận, doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam càng sớm có lợi.

Cơ quan này còn thông tin đến CNBC rằng họ cho rằng EVFTA sẽ có tác động tích cực không chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Trên thực tế, thỏa thuận thương mại cũng có thể thúc đẩy các vấn đề xã hội và môi trường.

"Miễn Việt Nam vẫn là trung tâm sản xuất duy nhất tại Đông Nam Á có quyền tiếp cận ưu đãi của EU, nước này sẽ thu hút nhiều quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài hơn", ông Harding nhận định.

Yên Khê