|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ đánh thuế thép 456%, lời cảnh tỉnh trước cuộc chơi mới

14:07 | 04/07/2019
Chia sẻ
Câu chuyện về xuất xứ tiếp tục là nổi lo với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Trước các hiệp định thương mại tự do đã và đang ký kết, các doanh nghiệp Việt được nhiều kỳ vọng sẽ tận dụng các rào cản thuế quan gỡ bỏ để gia tăng giá trị xuất khẩu và thu về nhiều lợi nhuận hơn.

Tuy nhiên, khi niềm vui chưa tới thì "gáo nước lạnh" đã lần nữa dội xuống các DN ngành thép Việt Nam sau khi hãng tin Reuters hôm 2/7 dẫn tuyên bố từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép thép chống ăn mòn và thép cán nguội từ Việt Nam có xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc.

Quyết định được công bố sau khi Bộ Thương mại Mỹ phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc rồi đưa sang Việt Nam để gia công, và cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ để né thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp của Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, sau khi  Mỹ áp lên các sản phẩm thép trên từ Hàn Quốc và Đài Loan có hiệu lực  từ 12/2015 và tháng 2/2016, lượng xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sang Mỹ đã rất tăng mạnh.

Rủi ro 

Thực tế, lượng xuất khẩu mặt hàng sắt thép trong năm 2018 đã tăng đến 44% so với năm 2017 theo báo cáo của bộ Công thương. Trước đó, xuất khẩu mặt hàng này cũng đã tăng trưởng đến 53% trong năm 2017.

Trong vòng gần 4 năm qua từ năm 2016, trùng thời điểm Mỹ áp thuế với Hàn Quốc và Đài Loan, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng đáng kể, đặc biệt là sang Mỹ.

sat

Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Mỹ từ năm 2010 đến tháng 5/2019, tăng khá mạnh kể từ năm 2016. Đvt: triệu USD. (Nguồn: TV tổng hợp từ số liệu Tổng Cục Hải quan).

Trong khi đó, loại sản phẩm thép nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam là thép cuộn cán nóng (HRC) - sản phẩm dùng để gia công thành thép cán nguội và các loại tôn mạ kẻm, tôn mạ màu...

fpts

Xuất khẩu thép sang Mỹ tăng mạnh từ 2016, trong đó tôn mạ chiếm từ 70 - 80% tổng giá trị (nguồn: FPTS)

Theo dữ liệu của FPTS, ba năm 2016 - 2018, thép cuộn cán nóng chiếm từ 65 – 70% tổng lượng thép nhập khẩu. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc với tỷ trọng quanh mức trên 50%, Hàn Quốc 12%, và Đài Loan 10%.

Các doanh nghiệp lớn trong ngành như Tôn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) cũng đã có mức tăng trưởng thần kỳ trong thời kỳ này. Doanh thu và lợi nhuận của HSG, NKG tăng đột biến trong năm 2016 và 2017.

hsg

Đvt: tỉ đồng. (Nguồn: TV tổng hợp)

Tuy nhiên, kể từ khi các thị trường nhập khẩu lần lượt áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôn mạ Việt Nam từ cuối năm 2018, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này đồng loạt suy giảm nghiêm trọng.

Các nhà phân tích đã nhận định rằng các doanh nghiệp thép dẹt ở Việt Nam, đặc biệt là tôn mạ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi làn sóng bảo hộ gia tăng từ năm 2018, do đây là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam.

Theo dự báo của CTCP Chứng khoán MB (MBS), các doanh nghiệp như Hoa Sen và Nam Kim đang dùng nợ để đầu tư khá nhiều, với tỷ lệ Nợ/vốn chủ sở hữu của hai công ty này cao hơn 3 - 4 lần, do đó chịu áp lực rất lớn về dòng tiền. 

Trong khi đó, cạnh tranh ở thị trường trong nước sẽ trở nên khốc liệt hơn những năm tới, đặc biệt các phân khúc thép dẹt và tôn mạ.

Hiện công suất của các nhà máy tôn mạ trong nước đã vượt nhu cầu nội địa. Theo MBS, tiêu thụ dự kiến ở mức 4,5 – 5 triệu tấn, trong khi tổng công suất ngành lên đến 7,5 – 8 triệu tấn vào năm 2019 khi các nhà sản xuất lớn ồ ạt tăng công suất ở thời điểm thị trường "ngon ăn".

Thận trọng

Cách đây không lâu, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Việt Nam "lợi dụng" Mỹ thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc, ông Frederick R. Burke, đại diện Baker & McKenzie, cho rằng trong một thế giới mà hệ thống thương mại toàn cầu thì các quốc gia phải tuân thủ quy định để các bên đều có lợi ích. 

Ông Frederick đặt vấn đề liệu rằng các sản phẩm của Việt Nam có bị đánh thuế hay không, chẳng hạn như chiếc bàn được làm bằng thép nhập từ Trung Quốc hay không? Đó là tác động trực tiếp đối với Việt Nam.

Theo đó, không chỉ báo động về riêng mặt hàng thép, mà tất cả mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước đều phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ, không gian lận thương mại.

Ông Frederick R. Burke cho rằng nếu các công ty Việt Nam sử dụng sản phẩm của bên thứ ba bị đánh thuế cao để xuất khẩu qua Mỹ cũng sẽ gặp vấn đề. Khi đó, rủi ro hàng Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá là rất lớn.

Theo ông Frederick R. Burke, các nhà quản lý cần phải đặc biệt lưu ý, nếu để cho hàng hoá nước khác đội lốt Việt Nam để trốn thuế sẽ làm mất uy tính của Việt Nam. 

Với các doanh nghiệp trong nước, khi chuẩn bị ký kết hợp đồng xuất khẩu phải cân nhắc kỹ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ nếu muốn phát triển bền vững.

Hoàng Trung