Chuyên gia chia sẻ 4 ý tưởng đầu tư chứng khoán đáng chú ý cho giai đoạn cuối năm
Tại hội thảo tổng kết báo cáo tài chính quý II và cơ hội đầu tư nửa cuối năm do DNSE tổ chức sáng 12/8, ông Võ Văn Huy, Trưởng phòng khách hàng cao cấp của DNSE cho cho biết lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường đạt xấp xỉ 91.228 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận thị trường đã phục hồi trong 6 tháng đầu năm và quý II đạt mức cao nhất trong 4 quý vừa qua. Điều này có thể tạo xu hướng phục hồi bắt đầu từ quý II.
Tuy vậy, trong bức tranh doanh thu, lợi nhuận quý II, các nhóm ngành giảm lợi nhuận vẫn chiếm số đông trên 50%. Về định giá, P/E thị trường đã có xu hướng hồi phục khoảng 30-40% so với mức đáy khoảng 10 lần vào cuối năm trước, song vẫn thấp hơn vùng 17-18 lần lập vào đầu năm 2021 hay đỉnh 20 lần lập vào năm 2018.
“Định giá toàn thị trường có thể không quá đắt (so với trung bình), nhưng cũng không hề rẻ so với vùng đáy của thị trường, sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh quý III, IV.”, ông Huy nhận định.
4 câu chuyện đầu tư cuối năm
Nói về cơ hội, ông Huy chỉ ra 4 câu chuyện đầu tư cuối năm 2023. Thứ nhất là tăng trưởng và có tiềm năng tăng trưởng, cụ thể là các ngành bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại bán lẻ, vận tải, chứng khoán, dầu khí,...
Trong đó, FDI có tăng trưởng là điểm sáng trong bức tranh vĩ mô năm 20223 và là động lực tăng trưởng chính của nhóm bất động sản công nghiệp. Các dự bán đáng chú ý sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 2023 đến 2027 kể đến như Cây Trường, Nam Tâm Uyên mở rộng, Thủ Thừa, khu công nghiệp Quốc tế,... tại miền Nam và Tràng Duệ, Nam Bình Xuyên, Đại Kim, VSIP III,... ở miền Bắc. Vị chuyên gia ưa thích một số mã như KBC, SZC, LHG, NTC hay SIP với lợi thế quỹ đất, sẵn sàng cho thuê.
Với chứng khoán, đây là ngành có beta lớn hơn 1, nghĩa là cổ phiếu thường tăng nhanh hơn thị trường và khi giảm cũng xuống nhanh hơn thị trường. Nguồn thu của chứng khoán bao gồm cho vay margin, môi giới, tự doanh và hoạt động khác nên ngành chứng khoán sẽ nhạy với thanh khoản thị trường, số lượng tài khoản mở mới, quy mô margin, danh mục tự doanh. Về ý tưởng tại ngành chứng khoán, nhà đầu tư được khuyến nghị quan tâm các mã đầu ngành.
Hai yếu tố tác động nhiều nhất đến nhóm dầu khí giai đoạn này là giá dầu và Lô B – Ô Môn. Ngoài việc có việc làm toàn thời gian trong năm nay, Lô B – Ô Môn sẽ động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là nhóm thượng nguồn (PVS, PVD, PVC, PXS) sẽ có điểm rơi lợi nhuận sớm. Tuy nhiên, có thể dự án Lô B – Ô Môn sẽ chậm hơn so với tiến độ dự kiến.
Ngành đường cũng được đề cập. Giá đường được dự báo còn tiếp tục tăng nhờ thuế phòng về thương mại áp dụng lên đường Thái Lan lần hai vào tháng 8/2022. Ngành đường cũng gián tiếp hưởng lợi từ giá đường thế giới khi nguồn cung của hai nước có thị phần xuất khẩu lớn là Brazil (41%) và Ấn Độ (15%) được dự báo giảm bởi điều kiện thời tiết bất lợi tại Ấn Độ (mưa lớn) và các nhà sản xuất mía đường Brazil dự kiến tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol (dùng làm nhiên liệu cho xe) thay vì đường trong niên vụ 2023 - 2024. Tuy nhiên, đa số cổ phiếu ngành này thanh khoản thấp trên thị trường.
Câu chuyện đầu tư thứ hai là phục hồi do nền thấp hoặc đã qua đáy. Trong đó, ngành bán lẻ là đại diện điển hình nhất. Một số đơn vị ghi nhận thị phần gia tăng nhờ thế mạnh tài chính và xoay trục chiến lược: Thế giới Di Động (MWG) (cả mảng điện thoại, điện máy và Bách Hóa Xanh), FPT Retail (FRT) (thể hiện rõ nhất ở Dược phẩm Long Châu) và Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
“Cuộc chiến giá sẽ sớm kết thúc khi tiêu thụ cải thiện và sản phẩm mới ra mắt, MWG và FPT Retail giành thêm thị phần, đặc biệt với iPhone và ngăn cản các chuỗi nhỏ hơn mở cửa hàng mới. Điều này hỗ trợ cho sự phục hồi mạnh mẽ và sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Tiến độ vững chắc của Bách Hóa Xanh và Long Châu là chất xúc tác (catalist) cho tăng trưởng kết quả kinh doanh và tâm lý nhà đầu tư với các cổ phiếu, mà nhà đầu tư nên theo dõi sát sao. Bên cạnh đó, thế mạnh vận hành của PNJ chứng minh hiệu quả, giữ ROE ở mức vượt trội”, ông Huy nhận định.
Hai câu chuyện cuối cùng là đầu tư theo dòng tiền hoặc doanh nghiệp có câu chuyện riêng. Trong đó, nhóm ngành đầu tư công được nhắc đến với sự thúc đẩy của Chỉnh phủ trong việc giải ngân đầu tư công. Ước tính giải ngân đầu tư công quý III và quý IV/2023 tại Bộ Giao thông Vận tải là 21.700 tỷ và 38.000 tỷ đồng.
Một số dự án đầu tư công lớn hiện tại và sắp tới bao gồm: Vành đài 3 TP HCM, cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, hạng mục chính sân bay Long Thành, vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng,... Các mã cổ phiếu đáng chú ý trong ngành kể đến như C4G, FCN, VCG, PLC, HHV, KSB.
Chuyên gia của DNSE cũng chia sẻ một số cổ phiếu có câu chuyện riêng đáng chú ý như tại hai ngân hàng Sacombank (STB) và VPBank (VPB).
Sacombank đang trong những bước cuối cùng của giai đoạn tái cơ cấu với thời gian hoàn thành đề án tai cơ cấu dự kiến trong nửa đầu năm 2024. Trong những năm qua, ngân hàng đã mạnh mẽ thực hiện thoái lãi dự thu cũng như trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC làm cho lợi nhuận ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, lợi nhuận đã liên tục tăng trưởng trong vài năm gần đây và dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong 2023 và 2024.
Tại VPBank, sau khi thương vụ bán 15% cổ phần thành công, VPBank sẽ là ngân hàng thương mại có vốn chủ sở hữu (không tính lợi ích cổ đông thiểu số) lớn thứ hai tại Việt Nam ở khoảng 135.000 tỷ đồng, chỉ sau Vietcombank (VCB) là 138.000 tỷ đồng. Tỷ lệ CAR của VPBank ước tính rơi vào khoảng 20,5% so với 14,8% cuối 2022. Đây là một trong những tiêu chí ngân hàng này có khả năng nhận được room tín dụng ở mức cao từ Ngân hàng Nhà nước trong 2023 (hiện tại được giao 24%).